Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tạ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn nói về chiếc đàn tính "độc nhất vô nhị" của nghệ nhân Dương Thục.
Kỳ nhân phố núi
Theo lời giới thiệu của ông Hoàng Văn Tạ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi men theo con đường dẫn lên hồ Ba Bể và dừng lại ở thị trấn Chợ Rã, nơi được coi là cái nôi văn hoá cổ xưa nhất của người Tày nước ta. Không khó lắm để tìm đến nhà nghệ nhân Dương Thục, vì ở đất Chợ Rã này ai cũng biết đến ông như một vị "vua" của nhạc cụ hát then truyền thống nổi tiếng Tây Bắc.
Ngôi nhà sàn mà nghệ nhân Dương Thục đang ở khá cổ kính, khác biệt với những ngôi nhà sàn cách tân hiện thời. Từ trong ngôi nhà ấy, tiếng hát lúc trầm lúc bổng hoà cùng tiếng đàn tính làm vương vít lòng người. Hôm ấy, nghệ nhân Dương Thục đang dạy nhạc miễn phí cho hơn chục thanh niên Tày bản địa.
Với người Tày ở Bắc Kạn, hầu như tất cả già trẻ lớn bé đều biết đến "vua" tính tẩu Dương Thục. Ông nổi tiếng cũng một phần nhờ cuộc thiên di mười mấy năm trời khắp các bản làng. Ở đâu có người Tày, ở đấy có bước chân Dương Thục. Sau những cuộc rượu, tiếng đàn tính lại "thay lời muốn nói". Nhờ vậy, với bà con người Tày bản địa, nghệ nhân Dương Thục như ruột thịt máu mủ.
Nghệ nhân Dương Thục còn là "nhà phát minh" vĩ đại của người Tày ở Bắc Kạn. Sau những lần đi truyền bá tiếng đàn tính, lời hát then, ông còn giúp bà con chế tạo bánh xe nước cách tân, hoặc làm ra những chiếc máy tẽ ngô. Ở thị trấn Chợ Rã, người dân còn coi ông như một thủ lĩnh tinh thần. Từ việc cúng bái ma chay, hiếu hỉ họ đều mời ông chủ trì như một thầy "cầm đầu ma".
|
Nghệ nhân Dương Thục với chiếc đàn tính tẩu 12 dây. |
Đàn tính lạ nhất Việt Nam
Nghệ nhân Dương Thục khẳng định: "Từ trước tới nay, cả nghìn đời rồi không ai có thể chế ra được chiếc đàn tính 12 dây như của tôi mà âm thanh kết hợp trong lời hát then không hề thay đổi". Quả thật, cây đàn tính tẩu 12 dây của Dương Thục có thể thay cho 3 cây đàn tính khác mà bài hát then vẫn rất có hồn.
Hát then với người Tày không khác mấy so với hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Từ lời hát đến điệu nhạc phải thể hiện được tâm hồn con người và trở thành đặc sản tinh thần không thể thiếu của Tây Bắc. Thế nhưng, với những người trẻ thì hát then không được tiếp nhận nên Dương Thục đã nghĩ ngay tới việc phải chế ra cây đàn lạ đa năng để thu hút sự tò mò từ chính những người trẻ.
Hơn 10 năm làm nhạc công cho Đoàn nghệ thuật Bắc Thái, lại có thâm niên mấy chục năm nghiên cứu nhạc cụ dân tộc nên chỉ sau một thời gian không dài chiếc đàn tính 12 dây được ra đời. Tuy nhiên, sau nhiều lần thử nghiệm thấy tiếng đàn không thật chuẩn nên ông buộc phải nghiên cứu lại.
Trong một lần đi sưu tầm lời bài hát then cổ ở bản Tày Pác Ngòi, Dương Thục đã may mắn nghe được truyền thuyết về cây đàn tính 12 dây cổ xưa. Lời then kể rằng, thủa xưa có anh chàng tên là Xiên Câm, tuổi đã ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Sống một mình mãi chàng buồn mới lên Ngọc Hoàng xin làm cây đàn tính để khuây khỏa, người trời cho giống bầu làm bầu đàn, cho cây gỗ mộc hương làm thân và dây tơ làm dây tính, chàng Xiên Câm đã làm ra cây đàn tính 12 dây từ những vật liệu đó.
Khi tiếng tính cất lên, người dân quên ngủ, quên cả vụ mùa, bỏ bê công việc. Biết chuyện Ngọc Hoàng mới sai Pụt Luông xuống cắt đi 9 dây đàn để người dân thoát khỏi sự mê mẩn mà quay về với ruộng nương, đồng áng. Lời then kể về 12 dây đàn rất hay: Dây một lên đường bách hạc/Dây hai nam bắc ngũ âm/Dây ba như tiếng ong kéo mật/Dây bốn ngân thánh thót ngũ canh/Dây năm ra tiếng then tàng nặm/Dây sáu cảnh ngũ sắc hoa xuân/Dây bảy vọng thanh tân mai túc/Dây tám ngân cửu khúc cười vui/Dây chín ngân mọi người buồn bã/Dây mười ngân rời rã chân tay/Dây mười một như lời tiên nói/Dây mười hai như nhòi ới thương.
Dựa vào những lời trong bài hát về đàn tính tẩu 12 dây, Dương Thục đã chế ra một đàn tính tẩu kỳ diệu, mỗi dây đều có những âm thanh khác nhau phù hợp với từng tâm trạng, hoàn cảnh đúng như trong truyền thuyết.
|
Ngoài tính tẩu 12 dây, nghệ nhân Dương Thục còn biết chơi và chế ra nhiều loại đàn khác. |
Bảo vật Tây Bắc
Nghệ nhân Dương Thục cho hay: "Làm ra được cây đàn tính 12 dây thì vô cùng khó, đặc biệt là việc tìm bầu đàn và dùi lỗ luồn dây. Với đàn tính 2, 3 dây thì việc chọn bầu rất đơn giản nhưng thêm 9 dây nữa thì thật nan giải. Chỉ cần nghe tin ở đâu có quả bầu to là tôi bỏ ăn bỏ ngủ đi tìm. May mắn, cuối cùng cũng tìm được bầu đàn như ý muốn".
Sau một thời gian mầy mò chế tạo chiếc đàn tính cũng hoàn thành. Ngày ông đem đàn xuống thị xã đánh thử, cả hội trường lặng im phăng phắc lắng tai nghe những âm thanh vừa thánh thót lại trầm ấm, có lúc luyến láy đến lạ lùng. Buổi ca hát dù đã ngừng nhưng cả đoàn người chẳng ai bảo ai cứ theo chân Dương Thục muốn được cầm vào cây đàn tính, muốn được nghe mãi thứ âm thanh dìu dặt kia.
Ngay cả Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, nghe tin nghệ nhân Dương Thục chế tạo được đàn tính tẩu 12 dây cũng ngỏ ý mua giá cao để trưng bày cho bà con chiêm ngưỡng. Cả tỉnh Bắc Kạn, ai đã từng được nghe tiếng đàn ấy cũng đều mê mẩn coi đó là báu vật thiêng liêng Tây Bắc. Những đêm ở bản xa, chỉ cần nghe tin nghệ nhân Dương Thục về biểu diễn với cây đàn truyền thuyết thì đêm ấy, cả bản không ai ngủ. Họ đốt lửa, đốt đuốc sáng bừng cả bản làng và dìu dắt nhau đi xem đàn tính tẩu.
Sau gần 20 năm ròng nung nấu phục hồi đàn thần thoại tính tẩu 12 dây, đến nay nghệ nhân Dương Thục đã làm ra được 3 chiếc. Một chiếc được nhạc sĩ Đức Liên đem về Hà Nội. Một chiếc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn. Chiếc còn lại luôn được ông mang theo bên mình. Với cây đàn tính tẩu 12 dây, ông đã ba lần được biểu diễn tại các liên hoan toàn quốc, mới đây nhất là thành công vang dội tại Lễ Giỗ Tổ đền Hùng.
"Cây đàn tính tẩu 12 dây được thiết kế cực kỳ phức tạp, nó có thể đánh được tất cả các làn điệu dân ca của Bắc - Trung - Nam với những âm thanh khác nhau, không dây nào giống dây nào. Giờ đây, đàn tính tẩu 12 dây đã thành hiện thực, không còn là sự tích nữa".
Nghệ nhân Dương Thục
Trần Hoà