Xóm trọ lại xôn xao
Vụ vợ chồng ve chai nhặt được 5 triệu yen Nhật xảy ra đúng 1 năm trước. Khi đó, khoảng 15h ngày 21/3/2014, khu xóm trọ và người dân sống trong con hẻm số 84 đường Trân Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình “rúng động” trước vụ việc vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi, ngụ trọ cùng nhiều đồng hương trong hẻm 84) trong lúc đi mua phế liệu, mua được chiếc loa cũ và khi tháo ra để bán đồng nát đã phát hiện hàng nghìn tờ tiền yen Nhật mệnh giá 10.000 yen với tổng số hơn 5 triệu yen (hơn 1 tỷ đồng Việt Nam).
Vụ việc khiến nhiều người lạ mặt tìm đến, gây áp lực và công an địa phương đã vào cuộc, yêu cầu vợ chồng chị Hồng giao nộp công an để có hướng giải quyết theo đúng luật định. Theo thông tin từ cơ quan công an, sau 1 năm (từ 23/3/2014) nếu không có ai chứng minh được quyền sở hữu của họ với khoản ngoại tệ này thì số tiền sẽ được chia theo tỉ lệ nhất định.
|
Suốt năm qua kể từ khi may mắn có được hơn 5 triêu yen tiên Nhật và giao nộp công an chờ ngày giải quyết, chị Hồng vẫn miệt mài với công việc thu mua ve chai của mình. |
Chị Hồng kể lại giây phút phát hiện hơn 5 triệu yên Nhật trong chiếc hộp gỗ:
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, suốt 1 năm qua, số tiền nói trên đã được công an quận Tân Bình gửi vào ngân hàng Vietcombank (chi nhánh TP HCM); đồng thời đơn vị ngân hàng này cũng đã liên hệ với đối tác là ngân hàng nước ngoài để giám định, thu đổi khoảng 1 triệu yen bị mục nát (trong tổng số 5,2 triệu yen chị Hồng giao nộp).
Những ngày này, khi thời hạn để giải quyết quyền lợi cho người mua phế liệu nhặt được hơn 5 triệu yen Nhật càng đến gần, cả khu xóm trọ lại tiếp tục xôn xao. Ngày nào cũng có nhiều người đến hỏi thăm, chúc mừng chị Hồng vì sắp được “thần tài gõ cửa”.
“Suốt nhiều ngày qua tôi vô cùng hồi hộp, vừa lo vừa mừng đến mất ngủ vì không biết mình có nhận được số tiền mà cả đời đến nằm mơ cũng chưa thấy được hay không?”, chị Hồng thật tình chia sẻ.
Sẽ sử dụng tiền đúng mục đích và tiếp tục đời mua phế liệu!
Xế trưa 12/3, trời nắng gay gắt khiến mặt đường nóng đến bốc hơi, chị Hồng lầm lũi đẩy chiếc xe ba bánh chất đầy phế liệu vừa thu mua của khắp xóm trên đường Trần Văn Quang.
Kéo vạt áo lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt, chị Hồng cười tươi khi chúng tôi nói về việc sắp có kết quả giải quyết số tiền yên Nhật chị nhặt được 1 năm về trước.
“Tôi mong từng ngày, từng giờ vì thật sự nếu có được số tiền lớn đó nó sẽ giải quyết rất nhiều cho cuộc sống gia đình vợ chồng tôi cũng như những người thân ở quê”, chị Hồng cho biết.
|
Hàng ngày, chị Hồng đi bộ hàng chục cây số để mưu sinh... |
Nói đến đây, chị Hồng bật khóc khi nghĩ đến 2 căn nhà của mẹ ruột và mẹ chồng bị dột nát trong mùa mưa bão vừa qua. Chị ao ước có tiền để sớm sửa lại cho người thân 2 bên gia đình có nơi ăn, chốn ở tươm tất.
“Nếu được tiền, ngoài việc sửa lại nhà cho gia đình 2 bên, tôi sẽ trích một phần để mua nhiều tạ gạo, thực phẩm…giúp đỡ cho hội người mù ở địa phương, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật. Còn lại vợ chồng tôi sẽ gởi ngân hàng để dành lo cho 2 con”, chị Hồng cho biết.
Chị Hồng khẳng định sẽ vẫn tiếp tục công việc thu mua phế liệu và ở trọ tại con hẻm 84 này với những người đồng hương như suốt 17 năm qua.
“Tiền là động lực để vợ chồng tôi tiếp tục lao động tạo thêm thu nhập để lo cho tương lai các con và 2 mẹ già yếu. Nếu có tiền như núi mà chỉ biết ăn, hưởng thụ thì sớm muộn gì cũng không còn”, chị Hồng nói.
Chia tay chúng tôi, chị Hồng tiếp tục đầy chiếc xe “cần câu cơm” của mình rong ruổi khắp xóm với tiếng rao “Ai có ve chai, đồng nát bán không….”
“Tội nghiệp, vợ chồng cô ấy nghèo khó, siêng năng, hiền lành. Cầu mong họ sớm nhận được của trời cho treo suốt cả năm nay…”, bà bảy, một người dân ở hẻm 84 chia sẻ.
Clip người phụ nữ mua ve chai chia sẻ nỗi mừng, lo khi sắp đến ngày "định đoạt" số tiền 5 triệu yen:
Vũ Sơn