Vì sao dân làng Hạ ở Phú Thọ chết quá tức tưởi?

Google News

"Không thể để người dân làng Hạ cứ phải chết trong im lặng và tức tưởi mãi như thế được" - ông Cao Việt Tiến (nguyên trưởng Khu 1, làng Hạ).

 


- Trung bình mỗi năm, làng có từ 2 - 3 người chết vì mắc căn bệnh ung thư quái ác các loại như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư xương,… Cứ thế, chỉ trong vòng hơn chục năm qua, con số chết vì ung thư đã lên đến ba bốn chục người.
 
[links()]

Năm nào cũng có người làng chết vì ung thư

Đến thành phố Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi rất ngạc nhiên khi hỏi thăm đường đến làng Hạ (xã Chu Hóa) thì hầu hết đều nhận được những lời “cảnh báo” từ phía người dân: “Các chú đến làng ung thư đó à? Ở đó ô nhiễm nặng lắm” hoặc “Đến đó thì nhớ đừng có uống nước nghe chưa”,…

Đường vào làng Hạ, xã Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Cùng với xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ), thôn Hạ (xã Chu Hóa) cũng được mệnh danh là “làng ung thư”. Có điều nếu như xã Thạch Sơn được báo chí đề cập và được dư luận cả nước biết đến thì những người xấu số mắc căn bệnh ung thư ở làng Hạ lại chỉ ra đi tức tưởi trong lặng lẽ, trong niềm đau và nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây.

Cùng với xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao), làng Hạ (xã Chu Hóa, TP Việt Trì) cũng được mệnh danh là "làng ung thư".

“Làng không năm nào là không có người chết vì ung thư chú ạ, người thì ung thư xương, người thì ung thư phổi, dạ dày, đại tràng... Riêng ở Khu 1 của tôi, không đầy 200 hộ dân mà có đến gần 20 người chết vì ung thư trong khoảng chục năm qua”, ông Cao Đức Toát (sinh năm 1965), cán bộ phụ trách y tế thôn Hạ, xã Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ) vừa nói vừa chỉ tay vào cuốn sổ thống kê tên những người chết vì ung thư cho chúng tôi xem.

Ông Cao Đức Toát, phụ trách y tế làng Hạ: "Năm nào làng cũng có người chết vì ung thư các loại".

Hơn 20 năm phụ trách y tế thôn, ông Toát kể không nhớ hết rằng mình đã chứng kiến bao nhiêu “ca” chết vì ung thư ở làng Hạ nữa. Những trường hợp được ông Toát ghi chép lại là những người đã đi khám và điều trị ở bệnh viện tỉnh hoặc trung ương và được xác định là bị mắc ung thư, còn những trường hợp “lặng lẽ ra đi” thì nhiều lắm.

Trong quyển vở học sinh đã cũ kĩ là danh sách dài dặc những nạn nhân xấu số của làng đã ra đi vì ung thư: ông Nguyễn Văn L (46 tuổi), mất vì ung thư phổi tháng 3/2008, ông Nguyễn Văn Th (53 tuổi), mất vì ung thư xương, tháng 8/2011,…

“Có gia đình 4 người chết vì ung thư”

Ông Cao Việt Tiến (sinh năm 1956), nguyên trưởng Khu 1 cho biết, có nhà ở làng Hạ cả 4 thành viên trong gia đình đều bị chết vì ung thư: “Có trường hợp như gia đình ông Hà Văn Tư ở Khu 1 làng Hạ gần như cả nhà đều bị chết vì ung thư. Cách đây chục năm, ông Hà Văn Tư (sinh năm 1947) chết vì mắc bệnh ung thư gan. Năm 2011, vợ ông Tư là bà Nguyễn Thị Khánh (sinh năm 1948) cũng chết vì ung thư phổi. Bố của ông Tư là cụ Hà Văn Tượng (sinh năm 1924) chết vì ung thư vòm họng cách đây 3 năm. Anh trai ông Tư là ông Hà Văn Tự (sinh năm 1944) cũng chết vì ung thư phổi mới đây”.

Ông Nguyễn Văn Đường (bên trái) và cán bộ làng Hạ trong cuộc họp bàn cách giúp đỡ những gia đình có người bị ung thư gặp khó khăn đang trao đổi cùng PV

Những cái chết bất thường vì mắc ung thư nhiều và phổ biến đến mức người dân nơi đây xem như là… “chuyện thường ngày ở huyện”. Ông Tiến cho biết: “Đó là chỉ riêng ở Khu 1 của tôi phụ trách, còn các chú sang Khu 2 chỗ ông Đường phụ trách có lẽ cũng nhiều không kém đâu. Mấy chục năm nay, người làng Hạ hiếm có cụ nào mừng thọ được ở tuổi 80, hầu hết đều chết trẻ cả…”

Theo lời ông Tiến, chúng tôi đến Khu 2 khi mà cán bộ phụ trách của khu đang họp ở nhà văn hóa để bàn cách… giúp đỡ những gia đình khó khăn có người nhà đang điều trị bệnh ung thư.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1959), trưởng Khu 2, buồn rầu: “Khổ lắm các chú ạ, cả làng đâu đâu cũng thấy người mắc ung thư. Hầu hết đều là gia đình khó khăn, có người thuộc diện hộ nghèo. Có người mắc ung thư đành nằm nhà chờ chết, nhà nào khá hơn thì cũng cố vay mượn đưa người thân đi điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị,… cũng là gọi để kéo dài ngày nào được ngày ấy thôi…”


Không “thua kém” Khu 1, ở Khu 2 con số người đã chết vì ung thư trong vòng 10 năm (2002 – 2012) cũng lên đến cả chục người. Hiện tại Khu 2 vẫn đang còn 2 người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

“Hiện nay Khu 2 do tôi phụ trách có 163 hộ với 688 nhân khẩu. Chỉ tính riêng từ 2002 đến nay Khu 2 đã có hơn chục người chết vì mắc ung thư các loại. Hiện nay ở Khu 2 vẫn đang có 2 trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối là ông Cao Văn Chiến (sinh năm 1965) và ông Nguyễn Sơn Thọ (sinh năm 1966). Đây là 2 trường hợp có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn mà chúng tôi đang họp để bàn cách giúp đỡ”, ông Đường cho biết.

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Trước những cái chết với “tần số dày đặc” và bất thường vì ung thư nói trên, ông Cao Đức Toát (phụ trách y tế Khu 1, làng Hạ) cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp trên xem xét nhưng rồi mọi việc lại rơi vào im lặng. Người dân làng Hạ vẫn “lặng lẽ ra đi” vì căn bệnh ung thư quái ác.

Nhiều người phải kinh hoàng với nguồn nước như thế này (Ảnh: Một đầm trồng rau muống của người dân làng Hạ ngay trước cổng nhà máy sản xuất pin ắc quy).

Theo ông Toát, nguyên nhân chủ yếu khiến người làng Hạ bị mắc và chết vì bệnh ung thư nhiều như thế chính là do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, cụ thể là môi trường nước rất có thể bị nhiễm những loại hóa chất độc hại do một số nhà máy công nghiệp đóng trên địa bàn gây ra.

Cá chết nổi lên ở một số ao đầm quanh đấy.

“Người dân làng Hạ chủ yếu là dùng nước giếng khoan, nước sạch của nhà máy thì chỉ có ở khu dân cư gần đường quốc lộ, chúng tôi không có. Nước hút lên để một lúc là thấy nổi váng, có khi có gợn đục kết tủa. Nhiều nhà nước giếng còn có mùi lạ. Ở một số ao đầm, mặt nước còn nổi lên những váng lớn. Nhiều ao đầm cá còn nổi chết trắng”, ông Toát cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực xung quanh nhà máy Cổ phần pin ắc quy Vĩnh Phú, mặt nước trong các ao đầm xuất hiện những váng lớn màu vàng đậm với mật độ dày đặc, một số ao đầm còn có cá chết trắng nổi lên. Điều đặc biệt là tại những ao đầm bị ô nhiễm này, người dân vẫn trồng cấy rau muống để ăn.

“Biết là ô nhiễm nhưng vẫn phải ăn thôi, phải uống thôi, biết làm sao được hả chú. Nếu có tiền thì chúng tôi đã đi mua đất ở nơi khác để sinh sống, chả phải nằm… chờ chết vì ô nhiễm ở đây”, ông Toát ngậm ngùi.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân

Ông Cao Việt Tiến (trưởng Khu 1, làng Hạ, xã Chu Hóa).
Ông Cao Việt Tiến (nguyên trưởng Khu 1, làng Hạ): Làng Hạ chúng tôi sát ngay cạnh nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Pin ắc quy Vĩnh Phú. Trước kia khi có thông tin về xã ung thư Thạch Sơn, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên cho mời các cơ quan chức năng về môi trường đến khảo sát, xem xét và phân tích, đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây vì từ những năm đó làng Hạ cũng đã có rất nhiều người chết vì ung thư một cách bất thường.

Nhưng rồi kiến nghị của chúng tôi cũng không nhận được hồi âm. Tính từ đó đến nay, làng Hạ đã có hàng chục người chết vì ung thư, và có thể trong thời gian tới con số này sẽ vẫn tiếp tục tăng thêm.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh và trung ương cần tiến hành khảo sát, làm rõ về nguyên nhân khiến số lượng người bị mắc và chết vì bệnh ung thư ở làng Hạ tăng cao bất thường trong những năm qua, cụ thể là khảo sát về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Không thể để người dân làng Hạ cứ phải chết trong im lặng và tức tưởi mãi như thế được.

 

Hoàng Sơn – Hải Ninh
 
BÀI ĐỌC NHIỀU: