Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chính là nơi lữu giữ một số lượng sừng tê giác và ngà voi thật với giá trị lên đến nhiều chục tỷ đồng. Theo một số nhà nghiên cứu khoa học thì đây là một trong những kho sừng tê giác, ngà voi thật lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tất cả đều về... bảo tàng
Khi thực hiện chuỗi bài viết về công việc của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà chế tác để có được những hiện vật quý giá, tổ chức thành bộ sưu tập Quốc gia về tất cả các mẫu vật từ cổ chí kim, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước kho sừng tê giác thật với trên 30 bộ, khối lượng ngà voi lên tới 1 tấn. Theo một số nhà nghiên cứu khoa học thì đây là kho sừng tê giác, ngà voi thật lớn nhất Việt Nam hiện nay.
TS Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tiết lộ: "Những mẫu vật sừng tê giác, ngà voi được sưu tập từ năm 2006 sau khi thành lập Bảo tàng. Những mẫu vật này là những tang vật các vụ án do vi phạm pháp luật về bảo vệ động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm do các cơ quan chức năng của Nhà nước chuyển giao, như Hải quan, Kiểm lâm, Công an, Tòa án, Thi hành án..."
Tất cả những mẫu vật này sau khi Bảo tàng tiếp nhận sẽ được tiến hành xét nghiệm ADN để xác định xem đó có phải là sừng tê giác, ngà voi thật hay không. Khi xác định ADN rồi các nhà khoa học sẽ xây dựng các tiêu bản sừng tê giác và lưu vào hồ sơ mẫu vật.
|
Ngoài sừng tê giác, khối lượng ngà voi cũng được bảo tàng thu về rất nhiều. |
Lần tiếp nhận sừng tê giác đầu tiên của Bảo tàng Thiên nhiên diễn ra năm 2005 giữa công an, UBND tỉnh Quảng Trị và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Thế nhưng, lần bàn giao này thất bại do UBND tỉnh muốn trình xin với Thủ tướng để lại cho tỉnh bán đấu giá sung công quỹ, ngân sách tỉnh. Đến năm 2006, Thủ tướng ra chỉ đạo cho UBND tỉnh Quảng Trị không được đem sừng tê giác bán đấu giá mà phải giao cho bảo tàng để tổ chức xây dựng bộ sưu tập Quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục bảo vệ môi trường.
Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cử đoàn vào Quảng Trị tiếp nhận mẫu vật. Lần tiếp nhận này, Bảo tàng Thiên nhiên nhận về 9 sừng tê giác nguyên chiếc rồi đem gửi ở Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Năm 2009, những mẫu vật này mới được bảo tàng lấy về bảo quản, cất giữ. Liên tiếp những năm sau này, bảo tàng tiếp nhận thêm một số lô sừng tê giác khác với khối lượng có lô lên tới 17,9kg gồm một số mẫu nguyên chiếc, một số mẫu chỉ là những đoạn sừng đã bị cưa cắt thành khúc, hoặc miếng nhỏ.
Ngoài sừng tê giác, khối lượng ngà voi cũng được bảo tàng thu về rất nhiều. Đó là 1 tấn ngà voi được thu giữ sau các vụ án buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép bị công an bắt giữ. Giá trị của ngà voi thấp hơn nhiều so với sừng tê giác nhưng cả hai đều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, xác định nguồn gen, xây dựng các tiêu bản về loài...
PGS.TS Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cho biết: "Những mẫu vật sừng tê giác và ngà voi này sau khi được tiếp nhận, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ phải lập hồ sơ hiện vật. Hồ sơ này được lập dựa trên hai căn cứ chủ yếu, đó là lời khai của các đối tượng buôn bán sừng tê giác, ngà voi. Lời khai thể hiện việc họ lấy mặt hàng này từ đâu? Nguồn gốc thế nào? Và biên bản giám định mẫu của cơ quan chuyên môn có chức năng. Những mẫu vật sau khi được đưa về Bảo tàng thường được tiến hành xét nghiệm ADN để xác định tên loài và xem có đúng sản phẩm đó là sừng tê giác, ngà voi hay không hay là hàng giả. Mỗi mẫu vật hoặc lô mẫu vật đều có một hồ riêng được gắn mã số bảo tàng...".
|
Các mẫu vật sừng tê giác được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên
sau các vụ án. |
Bảo vệ nghiêm ngặt
Vì sừng tê giác và ngà voi rất có giá trị nên việc bảo vệ cũng khá phức tạp và mất nhiều công sức, tiền bạc của Bảo tàng Thiên nhiên nhằm giữ những mẫu vật này tốt nhất.
PGS.TS Phạm Văn Lực cho biết: "Những mẫu vật đặc biệt quý như sừng tê giác, chúng tôi phải tổ chức bảo quản riêng rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Bảo tàng đã thành lập ban quản lý, bảo quản do đồng chí Giám đốc Bảo tàng làm Trưởng ban. Sau đó bảo quản mẫu vật trong một chiếc két đặc biệt, đặt trong phòng có độ ẩm 50 - 60%, nhiệt độ trung bình 20 - 25 độ C. Mẫu vật này được bố trí tới 4 lớp khóa có chìa và mã số khóa khác nhau chia cho 4 người nắm giữ.
Riêng chiếc két đựng mẫu vật do một phó giám đốc giữ chìa khóa ngoài còn mã số mở két thì do chính giám đốc nắm giữ. Căn phòng đặc biệt này được trang bị hệ thống báo động khẩn cấp khi có người đột nhập. Chẳng hạn, khi người lạ tự ý mở cửa phòng thì ngay lập tức thông tin báo động sẽ tự động gửi về cho các thành viên nắm chìa khóa bằng thiết bị chuyên biệt. Nếu muốn mở tủ sắt xem sừng tê giác thì phải có mặt đầy đủ cả 4 người trong Ban bảo vệ để mỗi người mở một cửa mới được".
Theo PGS.TS Phạm Văn Lực thì việc bảo vệ sừng tê giác không chỉ qua 4 vòng cửa được trang bị hiện đại mà chiếc tủ này còn được đặt trong một phòng riêng, đặc biệt trong kho của Bảo tàng Thiên nhiên. Căn phòng này cũng được trang bị cẩn mật với các lớp khóa trong, ngoài nhằm đề phòng trộm cắp. Nếu có người lạ đột nhập thì hệ thống sẽ tự động báo đến 4 thành viên nắm chìa khóa và bộ phận an ninh, bảo vệ của bảo tàng.
"Trên thế giới, bảo tàng nào càng có nhiều mẫu vật, đặc biệt là mẫu chuẩn thì càng được đánh giá cao về mặt khoa học. Bởi nó sẽ được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá về mức độ đa dạng sinh học, giàu có về tài nguyên thiên nhiên và phần nào đó thể hiện trình độ nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu về phân loại, hệ thống học. Đồng thời, nó cũng có tác dụng tích cực trong việc giáo dục ý thức công dân trong bảo vệ các loài động vật quý hiếm, bảo vệ môi trường".
PGS.TS Phạm Văn Lực
Quách Dương