Vạch trần chiêu trò hô biến xe hết đát thành còn đát

Google News

Có nghìn lẻ cách để "lột xác" một chiếc xe hết đát để nó "hồi sinh", trong đó phổ biến nhất là "mông má" lại và gắn biển số giả.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến ngày 1/1/2016 sẽ có thêm gần 21.000 ô tô, bao gồm hơn 2.060 ô tô chở người và hơn 18.900 ô tô chở hàng gia nhập vào đội ngũ xe quá đát do hết niên hạn sử dụng (gọi là xe hết đát).
Như vậy, tính từ thời điểm Việt Nam áp dụng niên hạn đối với ô tô (năm 2004) đến đầu năm 2016, ở nước ta sẽ có gần 118.600 ô tô hết đát. Trong thực tế, số xe này đã và sẽ đi về đâu?
Hiểm họa mang tên “xe hết đát”
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay trong các vụ tai nạn giao thông do ô tô gây ra, cơ quan chức năng xác định được nhiều trường hợp có liên quan đến xe hết đát.
Đơn cử, cuối tháng 1/2015, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Như Xuân, Thanh Hóa xảy ra vụ va chạm giữa một ô tô khách 16 chỗ và một ô tô tải nhãn hiệu IFA biển số 29H-7605. Vụ tai nạn đã làm chết 10 người và bị thương bốn người. Dữ liệu từ cơ quan đăng kiểm cho thấy ô tô tải hết đát từ đầu năm 2015. Cơ quan chức năng đã thông báo trên toàn quốc song thực tế cho thấy ô tô này vẫn được tiếp tục sử dụng rồi xảy ra tai nạn nghiêm trọng nêu trên.
Sau tai nạn, tháng 4/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra đột xuất thì phát hiện 12 xe đã hết đát và 11 xe quá hạn kiểm định nhưng vẫn “tung tăng” trên đường. Nghiêm trọng hơn, ở khu vực xã Thọ Xương (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cơ quan chức năng phát hiện ô tô hết đát hơn 18 tháng song vẫn “lọt sổ” và được dùng để đưa đón học sinh, công nhân.
Tương tự, cơ quan chức năng cũng phát hiện ở Gia Lai một ô tô hết đát và 21 xe không có trong dữ liệu kiểm định. “21 ô tô này có thể là xe hết đát được gắn biển số giả để tiếp tục chạy và qua mặt các lực lượng tuần tra” - ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận định.
Vach tran chieu tro ho bien xe het dat thanh con dat
Một “lò mổ” ở khu vực Linh Sơn (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) chuyên phù phép làm sống các xe cận đát, hết đát. Ảnh: LƯU ĐỨC 
Dọn đường chờ hết đát
Theo quy định, các chủ xe hết đát phải nộp sổ đăng kiểm, giấy đăng ký và biển số xe đồng thời không được đưa xe tham gia giao thông để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy vậy, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC67) cho hay trên thực tế nhiều chủ xe vẫn giữ lại cà vẹt, biển số và bán xác xe cho các lò. Từ đây, các ô tô hết hạn sử dụng đã chia thành nhiều ngã rẽ, như được mông má để đưa về miền núi, vùng sâu, vùng xa để chạy tiếp hoặc đưa vào lò rã xác xe thành phụ tùng, hàng món, lạc xoong…
Theo ông T. - chủ một garage tại khu vực Linh Sơn (gần cầu Phú Cường trên đường Huỳnh Văn Cù, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), các loại xe cận đát thường được mua với giá khá cao. Đơn cử, một chiếc Hyundai năm tấn cận đát nếu còn giấy tờ và dàn đồng còn tốt thì dù mua giá 50-60 triệu đồng vẫn cầm chắc lời. Vì với chiếc xe còn 1-2 năm tuổi này chỉ cần năm ba ngày tân trang, lên đời xong rồi đưa lên vùng Tây Nguyên hoặc Bù Đăng, Bù Đốp, Bình Long để chạy chở cao su, cà phê. Chiếc xe được mông má lại lúc này có giá không dưới 100 triệu đồng.
“Xe cận đát mua vào sẽ không vội mổ ngay mà chúng tôi liên hệ với các đầu mối ở Tây Nguyên. Nhu cầu dùng xe rẻ, “bền” khá cao nên có xe là có khách hàng ngay. Ngay khi nhận được đơn hàng, chúng tôi sẽ cho đôn nhíp, làm lại thùng bửng xe và chỉ dăm ba ngày là xong. Sau đó xe được đưa lên “Trường Sơn ơi, không một dấu chân người” thì tha hồ bon bon. Họ sử dụng được một, hai năm là lấy lại được vốn nên sau đó xe có quá đát thì cứ để vậy mà chạy vẫn lời chán” - ông T. hào hứng quảng bá.
Hồi sinh cho xe chết
Ghi nhận của PV tại khu “lò mổ” Linh Sơn vừa nêu có hàng trăm xác xe với đủ các nhãn hiệu như Camry, Hyundai, Mercedes, Toyota, Honda, Mazda… Khu này đã nổi tiếng từ cả chục năm trước. Khi đó, các loại xe tải theo đường biên giới đổ về miền Đông (và tập kết về khu vực) để nơi này rã ra lấy máy, phụ tùng đem gắn qua các loại xe đã có trên 30-40 năm tuổi. Đến khi Việt Nam có quy định về niên hạn xe thì nơi này chuyên “mổ” xe tải dưới năm tấn, xe khách dưới 30 chỗ… Trong vòng từ năm đến bảy ngày, một lò đã xẻ thịt xong chiếc xe.
Theo ông T., mỗi xác xe có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy tình trạng. Trong đó, xác xe tải Hyundai thuộc nhóm đắt hàng nhất vì gần trùng với máy của các loại xe Nhật nên khi tháo nguyên khối máy ra là có thể đem ráp sang xe Nhật. Dân trong nghề gọi chuyện này là xào, sàng hay gác máy. Ngoài ra, họ còn “mổ” 2-3 ô tô để chọn món rồi dồn vào một xe khác.
Một số garage tại khu vực còn kiêm thêm cứu hộ tai nạn. Khi đó, họ kéo xe về lò để chọn phụ tùng và phục dựng lại chiếc xe tai nạn. Khi gặp xe bị tai nạn nặng hoặc bị cháy mà không thể phục hồi được, các chủ lò sẽ đặt mua cả chiếc xe. Ông T. nói những chiếc xe như thế chưa được chết ngay vì có người mua lại giấy tờ xe. Phần số khung sườn sẽ được cắt rồi gắn vào xe khác. Số máy thì được cà ra rồi dán vào xe khác để đục lại. “Với những chiêu này, có những chiếc xe đã cháy mất tiêu hay cận đát, hết đát sẽ được hồi sinh dưới nhiều hình thức để tiếp tục sử dụng” - ông T. bật mí.
Theo ông T. - chủ một garage ở khu vực Linh Sơn (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), một xe cũ hết đát mua vào từ 12 triệu đến 40 triệu đồng nhưng nếu các cầu trước, cầu sau còn tốt thì đã bán được từ 25 triệu đến 30 triệu đồng. Cạnh đó, nhiều thứ như nhíp, mâm, heo dầu, bộ lò xo giảm xóc, nhún thủy lực, thậm chí vỏ xe vẫn có khách hỏi nườm nượp. “Phụ tùng rã ra cái nào cũng bán được hết. Trong đó, các thang lái, bộ nhún trước sau của xe dưới chín chỗ thì bán xuống xóm phụ tùng An Dương Vương, Huỳnh Mẫn Đạt ở TP.HCM” - ông T. nói.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa công bố danh sách xe cơ giới đã hết đát hoặc sẽ hết đát vào ngày 1/1/2016 trên trang www.vr.org.vn để tiện tra cứu. Theo đó, người dân có thể truy cập vào địa chỉ trên (vào mục “PT hết niên hạn SD” và “PT sắp hết niên hạn SD”) để biết xe còn đát, cận đát không trước khi quyết định mua.
Theo Pháp Luật TPHCM