Trở thành vua phong lan vì... đi lạc

Google News

(Kiến Thức) - Không ngờ lần đi lạc từ Sapa đến đường Hoàng Hoa Thám (HN) đã vô tình đưa anh Vy đến với mơ ước nhuộm vàng Sa Pa bằng sắc hoa phong lan bản địa.

Cách đây non chục năm, anh Lê Văn Vy ở tổ 2, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai đi lạc đến… đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội - con phố tràn ngập hoa phong lan. Không ngờ lần đi lạc này đã vô tình đưa anh đến với mơ ước nhuộm vàng Sa Pa bằng sắc hoa phong lan bản địa.
Bỏ công chức về trồng phong lan
Trại phong lan Sa Pa nằm ẩn dật dưới một hẻm núi quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây có nguồn nước suối trong mát, thổ nhưỡng phì nhiêu, khí hậu mát mẻ rất thích hợp cho việc trồng phong lan. Nằm dưới chân núi là một ngôi nhà nhỏ ẩn dật, chìm nổi trong những dãy phong lan đang trong kỳ ra nụ. Anh Vy lật đật dẫn chúng tôi len lỏi qua những dãy địa lan kiếm hồng hoàng mà thở phào mãn nguyện: “Đến giờ này tôi có thể tự tin mà nói rằng, địa lan kiếm hồng hoàng sẽ là loài lan riêng biệt chỉ có ở Sa Pa, khác hẳn với lan Đà Lạt, Trung Quốc”.
 Anh Vy đã nhân giống được hàng vạn chậu hoa phong lan Sa Pa.
Nhìn trại phong lan mướt mát trải dài tít tắp, anh Vy bảo: “Để có được trại lan này, tôi đã phải trả giá rất nhiều. Năm 2004, tôi đang làm ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên thì bỏ việc về trồng lan. Lúc đó thấy người ta trồng hoa lan Trung Quốc, rồi lan công nghiệp nhiều nên cũng muốn học theo. Nhưng không ngờ vài năm sau bị phá sản hoàn toàn, nợ nần chồng chất, bạn bè trách mắng, gia đình buồn phiền. Lúc đó bần cùng, bế tắc đến nỗi tôi định từ bỏ mơ ước gắn bó cuộc đời bên những khóm lan vàng.
Thế nhưng, lúc đó một tia hy vọng lóe lên, đó là việc cùng thời điểm trồng hoa lan Trung Quốc, Đà Lạt và lan công nghiệp thì tôi lại trồng thêm vài chậu địa lan Sa Pa. Trong khi các loại lan ngoại nhập đem về chết lụi hết thì lan Sa Pa vẫn xanh mướt mát, hoa trổ vàng ươm khoe sắc. Từ đây, tôi đã quyết định bám trụ công việc trồng phong lan nhưng bỏ hoàn toàn lan Trung Quốc, Đà Lạt, chỉ trồng lan Sa Pa”.
Anh Vy cho biết: “Thời điểm đó tôi thấy người dân Sa Pa trồng lan nhiều nên định sẽ mở trại phong lan các loại để cung cấp giống cho toàn bộ Sa Pa. Nhưng không ngờ mới vào giữa vụ thì hoa lan của hầu hết các hộ ở Sa Pa đều bị bệnh nấm chết hết. Việc này làm cho người dân chán không trồng lan nữa, chính vì thế mà lan trồng ra không tiêu thụ được, cộng thêm bệnh tật vào nữa khiến tôi phải vứt bỏ tới 3 vạn chậu lan các loại...”.
Sau những lần thất bại cay đắng, năm 2009, anh Vy tập trung hết tâm huyết vào trồng lan kiếm hồng hoàng chỉ có ở Sa Pa. Đây là giống lan bản địa nên có sức đề kháng bệnh tật cao hơn hẳn các loại khác, nguyên liệu để bón cho cây cũng rất đơn giản, đó là dùng phân trâu khô trộn với đất mịn đắp vào gốc, đây là cách chăm sóc lan bản địa tốt nhất mà lại dễ làm. Ngoài ra, giống lan bản địa này được nhân giống bằng cách tách các khóm lớn ra thành nhiều khóm nhỏ nên thời gian ra hoa cũng được rút ngắn còn khoảng 1 năm, trong khi những loại khác là 2 – 3 năm mới ra hoa. Vụ hoa lan năm đó anh Vy trúng đậm, hầu hết các chậu lan vàng đều đơm hoa đúng dịp Tết, khách du lịch kéo đến thưởng lãm, nhiều người đặt hoa lan về chơi Tết, hàng làm ra không đủ để bán. Vụ lan năm đó anh lãi đến cả tỷ đồng đủ để trang trải nợ nần và tái đầu tư phát triển hoa lan.
Hiện tại, anh đã có trong tay hàng vạn chậu hoa lan Sa Pa, trong số đó có trên 400 chậu nở đúng dịp Tết, lượng khách đến đặt trước để có được chậu lan tăng lên mạnh, đảm bảo bán hết hàng, anh hy vọng cuối năm sẽ thu về số tiền trên 1 tỷ đồng và tiếp tục tái đầu tư phát triển hoa lan.
“Tôi phải cảm ơn thầy Thạch”
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, anh Vy thường xuyên nhắc đến một người thầy luôn đứng sau để động viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để anh vượt qua thời kỳ khủng khoảng.
 Một chậu phong lan Sa Pa có giá từ vài triệu cho đến cả trăm triệu đồng.
“Sau cái hôm đi lạc ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, tôi có thêm một vài lần đến Hội chợ Triển lãm hàng Nông nghiệp ở đường Hoàng Quốc Việt. Đến năm 2003, tôi xin vào nhóm nghiên cứu sinh của Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc trường Đại học Nông nghiệp I – Hà Nội do GS.TS Nguyễn Quy Thạch hướng dẫn. Đây là đề tài nghiên cứu phát triển cây hoa phong lan trên địa bàn Sa Pa được tôi và thầy Thạch rất tâm huyết”, anh Vy cho biết.
Năm 2004, khi bắt đầu trồng lan, đích thân GS.TS Nguyễn Quy Thạch đã lên tận nơi để hỗ trợ kỹ thuật, hai thầy trò nhìn những khóm lan bị bệnh nấm, vàng lụi mà lòng nhức nhối, bất lực vì chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này. Tiếp đó, GS.TS Nguyễn Quy Thạch đã cùng với Viện Sinh học Nông nghiệp tiếp tục ươm giống phong lan công nghiệp để đưa lên Sa Pa cho anh Vy trồng. Năm 2008, lan công nghiệp chết hết, GS.TS Nguyễn Quy Thạch đã động viên, tiếp sức cho anh Vy cả về tiền bạc, kỹ thuật và công sức để khôi phục lại vườn hoa phong lan.
Hiện tại, với sự trợ giúp của GS.TS Nguyễn Quy Thạch, anh Vy đã phát triển được vườn phong lan với hàng vạn chậu. Vườn lan được nuôi trong nhà kính, có hệ thống nước tưới trong mát dẫn từ thượng nguồn về. Trong vườn có hệ thống nhiệt kế để đo nhiệt độ trong nhà, bởi theo anh Vy thì phải khống chế nhiệt độ vườn thấp, khoảng 20 – 250C, nếu trời nắng thì phải kéo nilon trên mái che ra để tránh nóng, nếu không cẩn thận chỉ cần để nhiệt độ trong vườn tăng cao thì ngay lập tức lan sẽ bị cháy lá vàng vọt, sẽ xấu và ảnh hưởng đến việc ra hoa.
Theo anh Vy thì trước đây hoa lan Sa Pa thường nở sau tết nên lượng người mua ít. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quy Thạch và anh đã nghĩ ra cách “bắt” phong lan phải nở đúng dịp Tết bằng việc đưa lan vào trồng trong nhà và khống chế nhiệt độ để lan có thể nở đúng dịp Tết. Kết quả là hiện tại tất cả các chậu lan của gia đình anh đang ra nụ và sẽ nở vào đúng dịp Tết.
Quách Dương