Trên giường bệnh ở Khoa Bỏng Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP HCM), cô gái trẻ với đôi mắt thẫn thờ im lặng nhìn lên trần nhà. Không người thân theo cùng, sắp đối mặt với ca phẫu thuật tạo hình lớn nhưng cô không còn sức để buồn hay lo lắng nữa.
Hành trình tìm lại hình hài của cô đã kéo dài 6 năm với những chuyến đi đơn độc và hàng chục ca phẫu thuật lớn nhỏ, chất chứa niềm hy vọng và cả sự mỏi mệt.
Trên khuôn mặt cô vẫn còn sót lại vài mảnh da lành nõn nà con gái xen lẫn với những mảnh da ghép và sẹo sần sùi. Đôi mắt to, sống mũi cao, nét môi đẹp, thân hình cao ráo, thon thả…, cuộc đời cô đáng lẽ đã rất đẹp với tuổi 24 rực rỡ nhan sắc cùng sự thông minh, sắc sảo toát ra trong từng câu nói. Nhưng đòn thù nghiệt ngã năm 18 tuổi bỗng chốc khiến cô dang dở học hành, trải qua những ngày trần ai trên giường bệnh, trong cuộc sống khép kín đầy mặc cảm cho đến nay.
|
Mỹ Dung trong ca phẫu thuật trả lại gương mặt cho em. |
“Ngày ấy, chị của em có một người bạn trai, nhờ phát hiện gã không đàng hoàng nên sớm chia tay. Không ngờ, gã thuê người trả thù chị", thiếu nữ ngậm ngùi kể lại. "Lúc đó em học lớp 12, đang ngồi học bài thì có tiếng gõ cửa và gọi tên chị. Thấy chị đang còn bận dưới bếp, em chạy ra mở cửa thay. Ai ngờ… bị axít tạt vào đầu, vào mặt em, chảy xuống cổ, xuống ngực, bụng, chân phỏng rát…”.
Cô học trò phải rời xa nhà trường và trải qua những ngày tháng đau đớn tại bệnh viện ngay trước kỳ thi cuối cấp. Ban đầu, cô được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ đã cứu sống cô nhưng không thể nào trả lại dung nhan thiếu nữ bởi phỏng quá nặng. Cô còn khổ sở vì những lần bị nhiễm trùng và các ca mổ triền miên nhằm phục hồi một số chức năng của cơ thể.
“Lúc đó, em chỉ kịp đưa tay che mặt nên còn giữ được đôi mắt và miệng. Sau mấy tháng nằm viện, em về nhà, nhìn vào gương và thật sự hoảng loạn. Không biết phải tự gọi mình là cái gì”.
Cô gái nói rằng lâu lắm rồi mới chia sẻ mọi chuyện với người khác mong muốn không nêu tên, đừng chụp hình. "Dù qua gần 30 cuộc phẫu thuật, gương mặt không quá đáng sợ như ngày mới bị phỏng nữa nhưng em vẫn chưa đủ tự tin. Từ ngày bị nạn, em đã cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè”.
Ở giường bên cạnh, một nữ bệnh nhân 30 tuổi bị phỏng xăng làm hỏng da, gây co kéo ở phần má, cằm và cổ cũng buồn bã kiểm tra các vết sẹo. Chị sống ở Long An và là một thợ may. Trong một lần đốt rác, do sơ sẩy, chị bị phỏng khá nặng, vết thương lại nằm chủ yếu ở vùng cằm và cổ nên ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt thường ngày. Chị đã phẫu thuật khá nhiều lần, từ ghép da mặt, cổ cho đến mổ để cổ có thể cử động bình thường.
“Từ ngày bị phỏng, tôi phải làm bạn với khẩu trang, chỉ dám trốn trong nhà lặng lẽ may đồ, còn việc giao hàng thì phải nhờ ông xã làm giúp. Nay cuộc sống gia đình tôi như bị đảo lộn: con nhỏ ở nhà không ai trông nom, vợ chồng phải bỏ công việc dắt díu nhau lên thành phố chữa bệnh, nguồn thu nhập trước đây tạm đủ, nay lại thiếu hụt đủ thứ”, chị thở dài.
Dù sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Lâm Đồng nhưng cuộc đời của Kiều Thị Mỹ Dung đáng ra cũng êm xuôi nếu cô không bị căn bệnh u đa sợi thần kinh hành hạ. Một khối u nặng đến hơn 2 kg làm biến dạng khuôn mặt thiếu nữ.
Khối u ban đầu chỉ là như một mụn thịt nhỏ bắt đầu xuất hiện lúc Dung 3 tháng tuổi, rồi lớn lên dần theo thời gian. Bệnh tật, đau đớn, mặc cảm và phải bỏ quá nhiều thời gian ra vào bệnh viện, Dung chỉ học đến lớp 5. Dù làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày nhưng cha mẹ cô cũng cố gắng đưa cô lên TPHCM nhiều lần tìm nơi điều trị… Dù vậy, hầu hết các nơi đều e ngại bởi khối u ác tính đã tràn trên nửa hộp sọ và việc phẫu thuật có thể đe dọa tính mạng của cô.
Tiền bạc cạn kiệt, cô lại lui về cuộc sống lầm lũi quanh 4 bức tường nhà. Cơ hội thay đổi cuộc đời của Dung chỉ đến khi bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) phối hợp cùng chuyên gia phẫu thuật người Mỹ - GS McKay McKinnon quyết định bóc tách toàn bộ khối u cho Dung trong một ca phẫu thuật hoàn toàn miễn phí.
Nụ cười tươi vui của cô gái 22 tuổi trong những giờ trước ca phẫu thuật cực kỳ nguy hiểm và đau đớn này cho thấy cô đã khao khát sự tự do đến mức nào. Bà Nguyễn Thị Xuân Huyền, mẹ ruột của cô vừa chăm chú theo dõi ca phẫu thuật qua truyền hình trực tiếp từ phòng mổ vừa kể: “Con bé mừng lắm, không tỏ ra sợ một chút nào. Lúc sáng, người ta hớt tóc để chuẩn bị phẫu thuật, con bé cười rất tươi. Từ mấy hôm trước, tôi đã nghe nó gọi điện thoại cho nhiều người quen, phấn khởi khoe mình sắp được ăn uống, chơi đùa bình thường rồi. Từ nay nó không phải trốn trong nhà nữa…”.
Nhiều bác sĩ chuyên ngành tạo hình, thẩm mỹ, răng hàm mặt, phỏng… cùng nhận định: Ngoài những tổn thương thể xác, những người không may bị tai nạn, bệnh tật làm biến dạng dung nhan luôn gặp phải những tổn thương nặng nề về tâm lý. Đa phần họ có cuộc sống lầm lũi đầy mặc cảm, phải giam mình trong nhà hay dưới lớp khẩu trang.
TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, chia sẻ: “Tâm lý người bệnh bao giờ cũng đầy mặc cảm, tự ti, nhất là với những dung nhan bị biến dạng do phỏng. Tổn thương này cần sự điều trị lâu dài, tốn kém, thậm chí có người đành ngậm ngùi dang dở điều trị vì không có điều kiện… Vì thế, họ rất cần sự hỗ trợ, không chỉ để tìm lại dung nhan mà còn là điều trị tổn thương ở tâm hồn nữa”.
(Theo Người Lao Động)