Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu

Google News

Vì miếng cơm manh áo, hàng trăm phụ nữ ngày đêm liều mạng vác hàng lậu qua đường mòn, lối tắt dọc biên giới tuồn về Việt Nam. 

Nữ PV Tiền Phong đã theo chân nữ phu vác hàng “học nghề” và chứng kiến nhiều số phận éo le, nghiệt ngã.
Toi di lam nu cuu van hang lau
Đội quân nữ cửu vạn vác hàng lậu vượt biên dọc theo đường mòn về khu vực xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn). Ảnh: Quỳnh Nga. 
Kỳ 1: Thân phận những nữ cửu vạn
Với tấm lưng còng, bàn tay chai sần, đôi chân tòe ngón vì bao lần bấm xuống sườn dốc trơn trượt, đội quân nữ cửu vạn đủ lứa tuổi ngày đêm cặm cụi cõng hàng lậu dọc biên giới Việt - Trung. Họ cá cược mạng sống của mình trên những sườn núi cao lởm chởm đá, những con dốc trơn trượt và muôn vàn bất trắc khác…
Nhập vai
Khi chúng tôi đặt chân đến xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), tất cả mọi người tập trung ánh mắt cảnh giác, săm soi người lạ. Sau nhiều ngày sống tại gia đình người quen ở thôn Khơ Đa (xã Tân Mỹ), tôi mới được gia nhập đội quân nữ cửu vạn theo đường mòn, sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) vác hàng. Trước khi lên đường, tôi được nữ cửu vạn chị Lý Thị Thơm (Tân Mỹ) đưa đi sắm bộ đồ nghề.
Đội quân nữ cửu vạn có hàng trăm người, từ cô gái mười tám đôi mươi đến cụ bà 70 – 80 tuổi. Mỗi chuyến hàng, người khỏe vác được 30-40 kg, cụ già vác 20-25 kg theo các đường mòn, lối tắt, đưa hàng từ chợ Lũng Vài (Trung Quốc) về nhà dân ven đường, đợi đội quân vận chuyển về các kho ở thị trấn Đồng Đăng.

 

“Em mua đôi giày vải cao cổ, đế cao su dày để chống trơn trượt khi leo đồi. Một bộ quần áo cũ, dễ giặt vì sau mỗi chuyến hàng, ai cũng lấm lem. Một cuộn dây thừng, hai chiếc dây cuộn từ bao tải rộng chừng 20 cm để làm quai cõng hàng. Có cuộn dây này chằng lại, tải hàng chỉ như ba lô khoác trên vai”, chị Thơm vừa đưa tôi ra chợ sắm đồ vừa nói.
Theo chị Thơm, ngoài trốn sự kiểm soát của lực lượng biên phòng Việt Nam, kiểm soát của công an biên phòng Trung Quốc, phu vác phải đóng 3 lượt thuế đường. Thuế “chim lợn” canh gác dưới quốc lộ (nhằm tránh sự kiểm tra của hải quan, công an kinh tế) và thuế đi qua địa phận nhà dân là 2.000 đồng/người/chuyến. Thuế cho bảo kê đường mòn bên Trung Quốc 30.000 đồng/người/chuyến hàng. Tiền công vác hàng 5.000 đồng/kg. Phụ nữ vác từ 30-50kg/chuyến, sau khi trừ chi phí, được hơn 100.000 đồng.
“Em đi cùng bọn chị, ai hỏi cứ bảo là cháu sang chợ đi chơi. Sang đến Lũng Vài không được đi lung tung, không được dùng điện thoại chụp ảnh hay ngó nghiêng”, chị Thơm dặn dò.
Sáng hôm sau, tôi theo chị Thơm gia nhập đội quân hơn 2 chục “nữ cửu vạn”, theo đường mòn tránh khu vực chốt chặn của hải quan, biên phòng. Càng lên cao, dốc đá trơn trượt bởi cơn mưa đêm qua còn đọng trên lá. Lên đỉnh đồi, gần 20 nữ cửu vạn ở phía trước.
Nhìn thấy chúng tôi, một cửu vạn chừng 50 tuổi lên tiếng: “Hôm nay “tắc đường” vì “Sao xanh” (biên phòng-PV) đang tuần tra trên kia”. Trong lúc ngồi chờ thông đường, hai nhóm cửu vạn hòa vào nhau trò chuyện về số lượng chuyến hàng vác được hôm qua.
Toi di lam nu cuu van hang lau-Hinh-2
 
Chỉ tay về phía cụ bà tóc bạc trắng, chị Thơm nói: “Đây là cụ Hón, hơn 70 tuổi, ngày nào cũng đi vác hàng. Cụ có thằng con trai bị nghiện, con dâu bỏ đi. Mỗi chuyến vác khoảng 20 kg cũng được vài chục nghìn mua gạo nuôi đứa cháu nội. Cạnh đó là 2 mẹ con chị Đức, có hôm cả 3 bà cháu, mẹ con đi cõng hàng cùng nhau. Chồng bỏ, chị Đức đi vác hàng nuôi con và mẹ già”.
Nhóm nữ cửu vạn có đủ già trẻ, lớn bé. Có cô bé chỉ chừng 10 tuổi, nhóm gần 20 cụ bà tóc bạc trắng, da đồi mồi, sau quãng đường dốc, cởi bỏ chiếc áo bông dày, ngồi móm mém nhai trầu.
Đường xuống chợ Lũng Vài (Trung Quốc) lởm chởm đá tai mèo, trơn trượt bởi bùn đất hòa lẫn nước mưa, xung quanh đầy mảnh thủy tinh. Lần đầu lên đường, tôi trượt ngã ì ạch. Thấy tôi nhăn nhó vì đau, chị Thơm nhanh tay ngắt vài ngọn cây rừng, nhai nhỏ đắp vào phần tay chảy máu của tôi cười nói: “Ngã vài lần, tay chảy máu, sứt sẹo rồi sẽ dày lên, chống lại được đá sắc nhọn. Dày lên như tay chị, không đá nào cắt được cả”. Vừa nói, chị Thơm vừa xòe đôi tay chai sần, chằng chịt vết sẹo cho tôi xem.
Hai bên đường mòn xuống chợ là các căn lán nhỏ chất đầy tải hàng. Vài ba người đàn ông xăm trổ đầy mình, khuôn mặt bặm trợn, ánh mắt hùng hổ dò xét từng người bước qua. Đường mòn rộng hơn 1 mét, khập khiễng đá. Dưới chân núi từng người còng lưng, vươn 2 tay, lầm lũi bò qua từng bậc thang. Mỗi vác hàng, người đàn ông xăm trổ thu 30.000 đồng. Vài cụ già van lơn, tải hàng chỉ hơn 20 cân, mong giảm tiền, nhưng chỉ nhận lại sự hằm hè: “Bà có qua nhanh để người khác qua hay không?”.
Ngày “tắc đường” (biên phòng, hải quan chốt chặn, không qua biên giới được - PV), gần trăm người cả già trẻ gái trai, ngồi xung quanh sới bài dã chiến, đua nhau sát phạt giết thời gian. “Có hôm, ngồi chờ đường thông lâu quá, chị đánh bài thua mất gần triệu bạc, mất 2 ngày vác hàng. Từ đó, không dám đến gần sới bạc nữa”, nữ cửu vạn Lý Thị Hoài bộc bạch.
12h30, đường vẫn tắc. Có tiếng hô hoán “công an”, chị Thơm kéo tôi lẫn vào nhóm cửu vạn lũ lượt chạy thục mạng hướng theo phía đường mòn về lãnh thổ Việt Nam. “Lúc vác hàng, phải đi sát chị, không được lạc khỏi đường mòn. Bọn bảo kê Trung Quốc ác lắm, bắt được mình đi đường khác, tưởng mình trốn thuế, nó đánh nhừ đòn. 1h chiều là giờ Trung Quốc giới nghiêm, ngày nào công an biên phòng cũng đuổi bắt những người không có sổ thông hành. Thôi về nghỉ, đêm nay thông đường rồi đi tiếp”, chị Thơm nói.
Toi di lam nu cuu van hang lau-Hinh-3
Tập kết hàng lậu trên lối tắt chờ “thông đường”. 
Những khoảnh khắc chết người
22h đêm, chui khỏi chiếc chăn ấm áp, khoác vội chiếc áo len, tôi cùng chị Thơm lên đường. Bước ra đường lộ, dưới ánh đèn xe loang loáng, đoàn xe máy độ lại, máy nổ phạch phạch, chở 2-3 kiện hàng nối đuôi nhau phóng như bay. Từng chiếc xe con cóc (xe Suzuki 6 chỗ -PV) cõng hàng phi vèo vèo. Chừng 200 mét lại có tốp “chim lợn” đứng gác đường.
Bước lên sườn núi, thấy tôi bật đèn pin, chị Thơm ngăn lại. Lầm lũi trên con đường mòn, đoàn nữ cửu vạn nối gót nhau trong đêm tối. Lối mòn đi buổi sáng bị chặn, chị Thảo dẫn tôi đi lối mòn khác, vừa đi vừa dặn: “Em phải đi ngay cạnh chị, dọc đường này vẫn còn mìn. Sơ sảy là tan xác. Đợt trước có cửu vạn bị lùa, sợ quá chạy lên đỉnh đồi, dẫm phải mìn, cụt mất một chân. Sợ bị bắt nên phải nói dối là bị đâm xe máy nên cụt chân”.
Đi chừng nửa đường, thấy ánh đèn pin loang loáng, đoán biên phòng tuần tra, chị Thơm kéo tôi nấp vào giữa bụi rậm. Những người khác cũng nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp cho riêng mình. Ngồi trong bụi rậm mịt mùng, nhớ đến bộ da rắn vừa lột nhìn thấy lúc sáng, tôi chợt nghĩ, nhỡ bị rắn độc cắn thì chỉ còn đường chết.
Trên đường vác hàng về, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh. Cả đoàn nữ phu nhanh tay hạ vác hàng đặt xuống ven đường. Cụ bà Lý Thị Hai (65 tuổi, Tân Mỹ) trong lúc bước trật chân, ngã lăn cả người và hàng xuống dốc. May mắn, vướng vào giàn dây leo bên đường. Người ta xúm vào đỡ bà xuống chân đồi đưa đi bệnh viện. Hơn chục phút, những người còn lại tiếp tục gù lưng cõng hàng xuống núi. “Việc trượt ngã xuống núi lúc nửa đêm như cơm bữa, nhất là vào ngày mưa gió. Bà Hai vậy là may rồi, có người rơi xuống chân đồi chết tại chỗ. Người cụt chân, cụt tay là chuyện thường”, nữ phu vác Lê Thị Văn nói.
Về đến nhà chị Thơm lúc 1h đêm, tôi mới biết mình còn sống sau chặng đường chỉ vài trăm mét nhưng tưởng dài bất tận. Đặt gọn tải hàng vào góc bếp, dùng tấm chiếu phủ lên, chị Thơm tiếp tục cuộc hành trình. Hàng lậu xuống đến nhà dân, được “cửu bay” (xe máy chở hàng lậu-PV) tập kết về các nhà kho ở thị trấn Đồng Đăng. Hàng đêm, trên các đường mòn dọc biên giới, ngoài đội nữ cửu vạn còn hàng trăm phu vác hàng từ nơi khác tràn về.
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn), đội nữ phu vác hàng từ cô gái mười tám đôi mươi đến cụ bà 70-80 tuổi. Ngoài người dân trong xã (có sổ thông hành - PV), có thêm người dân từ khu vực khác trà trộn. Trong đó có gần 60 cụ bà đã 70-80 tuổi.
(còn nữa)
Theo Tiền Phong