|
Anh Trữ bên một con cò mã làm cò mồi. |
Trắng răng thì... sạch bẫy
4 giờ sáng, khi trời còn tờ mờ, Vũ Thuấn - 22 tuổi, một tay săn cò mới nhập đội của anh Trữ đã đánh thức chúng tôi dậy. Thấy chúng tôi còn ngái ngủ, cậu trấn an: "Phải đi sớm để dựng bẫy, làm sao đến tầm 5 sáng, bẫy đã sẵn sàng để đón những đàn cò từ biển bay vào đồng tìm thức ăn".
Anh Trữ lượn lòng vòng quanh mấy khu ruộng rồi chọn thửa có lúa xanh tốt nhất để đặt bẫy. Anh giải thích: "Khi săn cò thì việc đầu tiên là phải lựa chọn bờ ruộng thẳng, phẳng, chiều rộng bằng với chiều rộng của lưới (khoảng 1,5m). Lưới đặt dọc theo bờ ruộng, chiều dài tầm 60m. Trước khi đặt bẫy phải cắt bớt cỏ ở bờ, bởi nếu cỏ quá rậm thì sẽ khó cho việc giật. Sở dĩ phải chọn như vậy là bởi đặc tính loài cò không để ướt chỏm lông tự (ẩn sau lớp lông vũ bên ngoài, tập trung ở ức và hai bên hông).
Chính vì thế mà trước khi đậu, cò thường dùng chân quệt vào lá lúa, nếu lá lúa ướt và ruộng có nhiều nước thì cò sẽ chọn một bờ ruộng rộng, thẳng để đậu và bắt mồi. Khi đó, thợ giật cò chỉ đợi cho cò đậu đúng bẫy là kéo lưới. Lựa chọn được địa điểm đặt bẫy rồi thì lại phải nghe ngóng và phán đoán hướng gió, không được đặt bẫy ngược chiều gió, nếu không khi giật lưới sẽ bị nặng và cò có cơ hội tẩu thoát".
|
Lưới bẫy cò đặt dọc theo bờ ruộng, rộng chừng 1,5m. |
Vừa thoăn thoắt gỡ lưới, cắm bốn thanh tre xuống bờ ruộng để căng lưới dựng bẫy, anh Trữ vừa giảng giải: "Thường, giật cò tầm 5 - 7h sáng (cò vào đồng tìm thức ăn) và từ khoảng 4h30 - 6h30 chiều (cò từ đồng bay ra biển tìm chỗ trú ngụ) là thuận lợi hơn cả vì khi đó, cò thường bay theo đàn, nếu trúng bẫy thì cơ hội bắt được nhiều cò hơn. Có lần, cả đàn cò sà xuống, sập lưới, tôi bắt được tới 28 con cùng lúc. Ngoài thời gian đó ra thì cò chuyền bờ, bay từng con riêng lẻ nên bắt được rất ít".
Trong lúc anh Trữ đang giăng lưới trên bờ thì Thuấn đem 5 con cò mồi cắm xung quanh chiếc bẫy lưới, cách bờ khoảng 2 - 3m để nhử những đàn cò bay từ trên không trung. "Cò mồi thường là loại cò mã, dùng để dụ đàn cò xuống ăn, được khâu mắt lại để tránh không bị chúng mổ vào người", Thuấn cho hay.
Công đoạn sau cùng là dựng lá ngụy trang cách bẫy chừng 200m làm chỗ trú ẩn cho thợ giật cò. Từ đây, có hai sợi dây cước: một được nối với thanh tre đặt cò mồi và một được nối thẳng đến bẫy, thợ chỉ cần cầm dây giật là cò đã nằm gọn trong lưới. Thuấn cho biết thêm, làm cái nghề này, cánh săn cò thường kiêng kỵ... đánh răng, dù có phải đợi hết cả buổi bởi họ tâm niệm trắng răng thì... sạch bẫy. Chẳng biết điều cậu nói đúng đến đâu song rõ ràng cách săn cò này kể cũng hơi "dị".
|
Thuấn đang dựng bụi cây ngụy trang làm chỗ ngồi giật cò. |
Ngóng... cò
Khi bẫy dựng xong là lúc trời sáng dần rõ mặt người. Chúng tôi cùng ngồi nép dưới lớp lá ngụy trang để đợi những đàn cò bay vào từ phía biển.
Anh Trữ cho hay, nghề giật cò ở cánh đồng của xã Đông Hải giáp sông Trà Lý này có từ cách đây hơn chục năm. Ngày đó, những tay giật cò từ huyện Thái Thụy, bên kia sông sang đặt bẫy bằng nhựa thông nấu cùng nhựa sung rồi quấn lên đầu các thanh tre. Cò mồi ngày ấy cũng thường quấn bằng giẻ. Thế nhưng, chừng 6, 7 năm nay, người ta bắt đầu dùng lưới vì đánh bắt cò hiệu quả hơn.
Cách chỗ bẫy của anh chừng 500m cũng có một bẫy khác. Thấy tôi băn khoăn đặt bẫy gần thế thì cò đâu cho xuể mà giật, anh xua tay: "Lo gì. Riêng cánh đồng này đã có chục cái bẫy rồi, thế mà rất ít khi chúng tôi phải trở về tay không đấy".
Thấy có đàn cò 4 con đang bay về phía chúng tôi nhưng cả anh Trữ và Thuấn đều dửng dưng, anh Trữ bảo: "Cò rang đấy. Loại này thường bay riêng lẻ, nhiều lắm chỉ 4 - 5 con/đàn và chẳng bao giờ bẫy được. Cò ruồi bay thành đàn, trắng muốt, chân duỗi thẳng, khi bay thường theo hàng cũng khó bắt. Ở đây thường chỉ bẫy được cò bợ và cò mã (cò bợ già) thôi. Loài cò này có chấm đen trên nền trắng, chân ngắn, bay rối hàng, chúng cứ nhìn thấy cò mã là sẽ xuống ngay. Đó chính là lý do để cánh giật cò thường chọn cò mã làm cò mồi".
Anh Trữ đang nói say sưa thì từ phía biển, một đàn cò bay vào. Thuấn nói như reo: "Cò bợ đấy!". Đợi cho đàn cò bay lại gần, anh Trữ giật một sợi dây cước nối tới các con cò mồi giật giật để rử. 5 con cò mồi cùng vỗ cánh bay lên cao. Ngay lập tức, đàn cò trên trời nhận thấy có tín hiệu, chúng sà xuống rồi lượn vòng quanh. Chúng tôi hồi hộp, im lặng chờ đợi. Bằng một cú giật dây dứt khoát của anh Trữ, đàn cò bay tán loạn trong khi anh chạy vội lại phía bẫy. Lúc quay lại, trên tay anh cầm theo 8 con cò bợ.
Chừng 7h sáng, khi nắng đã lên, tiết trời bắt đầu oi bức, chúng tôi cùng kéo nhau về với "chiến lợi phẩm" thu được là 13 con cò bợ. "Một ngày khá may mắn", anh Trữ vui vẻ bảo.
|
Lái buôn đến tận nơi mua cò. |
Cò vào phố
Với cánh thợ giật cò này thì chẳng bao giờ có chuyện phải đem cò vào chợ bán, bởi cứ giật được đến đâu, lái buôn vào tận nhà mua đến đấy, thậm chí họ trực sẵn ngoài cánh đồng. Giá mỗi đôi cò từ 30.000 - 35.000đ, lúc cao điểm lên tới 40.000đ. Riêng cò mã để làm cò mồi có giá đắt hơn, "cách đây gần 1 tháng, tôi mua 150.000đ/con đấy", anh Trữ cho biết.
Hỏi chuyện bà Huề - lái buôn cò ở xã Đông Trà, bà cho biết thường thu mua ở khắp cánh đồng các xã Đông Xuyên, Đông Hải, Đông Trà, Đông Long. "Chưa ngày nào tôi thu mua dưới 100 con, có hôm cao điểm lên tới cả nghìn con ấy chứ. Mỗi con cò lãi được 1.000đ, nếu vặt lông sẵn thì lãi tới 4.000 - 5.000đ, bà bảo. Số cò này bà Huề cũng chẳng phải đau đầu tìm nơi tiêu thụ bởi "bao nhiêu cũng hết. Ngày nào lái buôn trên thành phố cũng đánh xe ô tô xuống lấy hàng ở khu vực này. Họ bảo chuyển lên các nhà hàng, khách sạn ngoài Hải Phòng, Hà Nội bán. Lúc ít hàng, người ở quê cũng chẳng có cò mà ăn vì được ưu tiên chuyển hết lên phố rồi".
"Săn cò cũng như đánh bạc ấy, ngày thắng lớn, ngày trắng tay. Nhưng tính trung bình, mỗi vụ cò tôi cũng thu được chừng 2,5 - 3 triệu đồng. Với những tay săn cò lão luyện thì số tiền đó còn nhiều hơn. Mỗi năm có hai vụ săn cò: từ táng 3 - 4 âm lịch và tháng 7 - 8 âm lịch, thế nhưng vụ tháng 7 - 8 thì cò về nhiều hơn".
Anh Đỗ Văn Trữ
|
Thanh Dương