Tại chợ đầu mối, giá táo, lê, lựu Trung Quốc (TQ)... chưa đến 4.000 đồng/kg đang gây hoang mang cho người tiêu dùng về chất lượng.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, trái cây về được tập kết tại khu vực hàng lạnh. Ở đây, mỗi đầu mối có một quầy nhỏ giới thiệu mặt hàng bán từng đêm, phía sau quầy là các xe container trữ lạnh đủ loại trái cây như nho, lựu, táo, lê, mận đỏ, cam... vẫn còn đóng kiện, thùng đầy ắp.
Trái cây TQ được đóng trong các thùng cactông nặng khoảng 10kg/thùng, có hình ảnh nhãn mác bằng chữ TQ, một số thùng có thêm chữ VN. Theo ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), mỗi đêm tại đây tiếp nhận 2.800-3.000 tấn rau quả, trong đó 20-30% là trái cây ngoại nhập, chủ yếu từ TQ.
Thuyết phục mãi, ông T. - một đầu mối nhập khẩu rau quả TQ tại chợ Thủ Đức - mới cho chúng tôi xem tờ khai hải quan lô hàng mà ông vừa nhập về hồi cuối tháng 9 vừa qua. Hóa đơn ghi một đơn hàng gồm 6 tấn táo và 7 tấn lê có xuất xứ từ Vân Nam (TQ) với giá 160 USD/tấn (khoảng 3.400 đồng/kg).
Ông T. cho biết thêm đa số các loại trái cây TQ đều có giá khá mềm. Ngoài lê, táo thì lựu chỉ có 3.700 đồng/kg, còn cam khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Khi được hỏi vì sao trái cây TQ nhìn rất đều và đẹp mà lại có giá “bèo” đến vậy, ông T. chỉ giải thích giá này được các thương lái TQ chào hàng cố định từ nhiều tháng qua.
|
Giá táo Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 4.000 đồng/kg |
“Giá mua rẻ nhưng phải tốn tiền vận chuyển hơn 30 triệu đồng/xe từ biên giới về chợ nên mỗi ký trái cây phải cộng thêm ít nhất 1.200 đồng tiền xe, chưa kể các chi phí khác nên giá bán ra cũng đội lên nhiều”, ông T. cho hay. Trong khi đó, một chủ vựa tên Minh cũng tại chợ này khẳng định trái cây TQ thường có quanh năm với số lượng dồi dào là do hàng có thể trữ trong kho nhiều tháng, sau đó mới xả hàng đi các nước.
Ông T.N., một đầu mối tại chợ Hóc Môn, cho biết mỗi ngày nhập 20-30 tấn/trái cây về để bỏ mối cho các chủ vựa. Theo ông T.N., mỗi thùng hàng có thể lời 15.000-20.000 đồng (10kg). “Nhưng khi chợ ế cũng phải giảm lời xuống còn 5.000-10.000 đồng/thùng, thậm chí ký gửi bán hàng giùm cũng có”, chủ vựa này cho biết thêm.
Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, một số trái cây TQ rẻ do đang vào mùa thu hoạch. Không như ở VN, diện tích trồng các loại trái cây của TQ rất lớn nên vào mùa thu hoạch đưa ra thị trường một lượng sản phẩm khổng lồ mà thị trường nội địa không tiêu thụ hết. Trái cây TQ lượng nhiều nhưng chất lượng không cao, khó cạnh tranh được với trái cây các nước ôn đới tại các thị trường cao cấp nên họ chọn cách xuất khẩu sang các nước dễ tính và có chung đường biên giới như VN, Lào, Campuchia... với giá rẻ.
GS Nguyễn Quốc Vọng (ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ trước giá trái cây TQ. Ông Vọng cho rằng không riêng hàng nông sản mà nhiều mặt hàng TQ khác đều đi theo chính sách giá rẻ nên gây nhiều khó khăn cho hàng cùng loại tại các nước nhập khẩu. “Tuy nhiên với giá rẻ tới mức chỉ chưa đến 5.000 đồng/kg thì có thể còn do thỏa thuận giữa người mua và người bán để né thuế”, GS Vọng nhận định.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, các tờ khai hải quan tại phía VN đều ghi rõ trái cây TQ là mặt hàng không chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo cam kết về chính sách thương mại giữa Chính phủ VN và TQ. Nhưng cũng từ các tờ khai này cho thấy hầu hết các lô hàng nhập khẩu được kiểm tra cảm quan chứ không được kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Lỗ hổng quản lý
Một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM cho biết qua kiểm tra các lô hàng trái cây TQ từ các chợ đầu mối đều có bao gói, ghi nhãn, có hồ sơ (tờ khai hàng hóa nhập khẩu, hóa đơn, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm). Tuy nhiên giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ kiểm tra về cảm quan bên ngoài chứ không được kiểm tra về dư lượng các chất BVTV. Do đó cơ quan này thường xuyên phải đi lấy mẫu trái cây và rau củ tại chợ đầu mối để phân tích dư lượng hóa chất.
Một điều bất cập trong công tác quản lý chất lượng trái cây nhập khẩu là sau khi lấy mẫu thì các chủ hàng vẫn được bán bình thường. Phải mất ít nhất hai giờ sau khi lấy mẫu đoàn kiểm tra mới có kết quả phân tích định tính xem có dư chất hay không và để phân tích định lượng phải mất nhiều thời gian hơn, có khi 1-3 ngày. “Trong trường hợp phát hiện lô hàng có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép thì cũng chỉ có cách thông báo cho chủ hàng và ban quản lý chợ, còn lô hàng họ đã bán hết từ lâu”, một cán bộ Chi cục BVTV TP.HCM cho biết. |
Theo Tuổi Trẻ