Im lặng, giấu kín vì sợ mất người con gái nuôi nhầm 42
Năm 1974, bà Mai Hạnh người mẹ nuôi nhầm con 42 năm đã thất lạc đứa con ruột của mình tại nhà hộ sinh.
Sau đó, dù linh cảm không phải con mình, nhưng bà Hạnh cùng chồng vẫn hết lòng chăm sóc, yêu thương và đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1998, nỗi day dứt về việc để thất lạc con đẻ khiến bà Hạnh quyết định âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ.
Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà Hạnh giấu kín cho riêng mình. Trong suốt mấy chục năm qua, bà Hạnh đã nhiều lần quay trở lại nhà hộ sinh để dò hỏi thông tin nhưng rất tiếc việc lưu trữ hồ sơ không còn nên mọi manh mối để tìm lại người con thất lạc gần như vô vọng.
Theo bà Hạnh, sở dĩ bà chọn cách giấu kín là bởi nỗi khổ tâm sợ mất người con gái mà suốt 42 năm qua, bà yêu thương và chăm sóc còn hơn cả con đẻ.
|
Bà Hạnh bên cô "con gái" bị trao nhầm. |
Dù mang nỗi nghi ngờ từ khi ẵm chị Thu Trang về, nhưng gia đình bà Hạnh vẫn không hề vì thế mà phân biệt đối xử với chị. Mà hai bố mẹ còn có phần ưu ái hơn với người con gái nhầm này. Chị Trang kể, ngày bé chị muốn gì bố mẹ cũng đều đáp ứng, luôn đứng về phía chị khi có tranh cãi với các anh chị khác trong nhà. Cho đến khi ra riêng, kinh tế nhà chị cũng khó khăn nhất nhưng luôn được bố mẹ hỗ trợ hết sức.
"Mẹ tôi chịu không ít ấm ức vì tôi. Ngày bé khi nhà có công, có việc, là mẹ lại nghe những lời xì xầm về tôi. Có lần, chị gái nhà bác hỏi: "Sao em không giống mẹ?", bác tôi nói ngay: "Nó giống ông hàng xóm". Mẹ giận lắm, dắt tôi về luôn", chị Thu Trang chia sẻ.
Chị Thu Trang cho biết: "Công sinh không bằng công dưỡng! Với lại, tôi biết bố mẹ giấu kín cũng vì muốn tốt cho tôi. Nỗi đau của tôi đâu thể so sánh bằng nỗi đau của bố mẹ phải chịu trong suốt 42 năm qua".
Tuổi già gần đất xa trời, mong tìm lại con đẻ
Cho đến tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh đã quyết định nói ra sự thật với hi vọng con gái có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình và cũng để bản thân được thanh thản.
Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi day dứt và cảm thấy mình có lỗi với hai gia đình. Tôi có lỗi với nhà chồng khi để thất lạc giọt máu của dòng tộc, có lỗi với gia đình Trang khi để họ phải chịu cảnh lưu lạc con mà có thể đến giờ họ còn chưa biết được sự thật”.
|
Thông tin tìm con được bà Hạnh chia sẻ trên trang cá nhân. |
Suốt 5 tháng qua, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và các con trong gia đình tìm đủ cách để tìm kiếm người nhà thất lạc nhưng vô vọng. Họ đã đến nhà hộ sinh quận Ba Đình (bây giờ chuyển về số 12 Lê Trực) nhưng nhân viên đều nói sổ sách đã thất lạc. Họ đăng tin tìm kiếm người thân trên một số báo, chưa thấy hồi âm.
Họ cũng đến ủy ban nhân dân quận, xem lại giấy khai sinh và lên Sở y tế nhưng cũng bị từ chối vì lý do tương tự. Gia đình bà Hạnh chỉ còn biết cách đăng thông tin lên trang tìm người thân thất lạc, nhưng vẫn không có phản hồi nào. Đã 5 tháng trôi qua, nhưng những hy vọng tìm được người thân cứ leo lét như ngọn đèn trước gió.
Biết câu chuyện của mẹ và bà ngoại, Đào Thế Anh (1994) con trai của chị Hạnh đã giúp gia đình đăng tải thông tin lên mạng. Được báo chí vào cuộc, Thế Anh cũng hy vọng rằng mình có thể tìm được bà ngoại ruột của mình, và giúp mẹ đoàn tụ với gia đình.
Chiều 8/3, chị Thị Tạ Thị Thu Vân, con gái lớn của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, sau những thông tin đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội đang vào cuộc giúp tìm kiếm những trường hợp có ngày sinh 10/10/1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, Hà Nội 42 năm trước.
Hiện tại, bà Hạnh đang cùng các cháu du lịch nước ngoài sau những biến cố xảy ra. Tuy nhiên, hai người phụ nữ vẫn đau đáu một nỗi buồn về gốc gác của mình sau 42 năm. Và họ hy vọng rằng, kỳ tích sẽ xảy ra, dù bao lâu đi nữa.
Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực còn khi đó có địa chỉ ở phố Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội).
Khi đó, bà Hạnh được đánh số thứ tự là 33 nhưng trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ lại là 32. Thắc mắc hỏi bác sỹ thì bà chỉ nhận được câu trả lời: “Đi tắm nên bị mờ nhưng đây chắc chắn là con của chị”.
Bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn con giữa hai gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện. Thời điểm đó, tại nhà hộ sinh Ba Đình chỉ có khoảng 10 đứa trẻ nhưng không có ai đánh số 33: “Có thể, gia đình đó đã nhận con ra về nhưng cũng không loại trừ khả năng, bác sỹ trong lúc sơ ý đã đánh nhầm số thứ tự dẫn đến 2 đứa trẻ cùng mang số 32 gây ra việc nhầm lẫn hy hữu này...”, bà Hạnh phán đoán.
Ngọc Anh (Tổng hợp)