Đá vỡ vụn, da lành lặn
Nếu không tận mắt chứng kiến nữ nhi Nguyễn Thị Quyên, 10 tuổi, trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) với nước da trắng hồng, mái tóc tết dài, nụ cười duyên dáng và thân hình nhỏ nhắn, xinh xắn đi một bài đao quyền mạnh mẽ thì chắc chắn tôi không dám nhìn cảnh tượng người ta đặt đá tảng nên bụng em để đập. Sau vài phút ngồi đề khí, nín thở và gồng khí vào bụng, em nằm thẳng đơ dưới sân tập, hai tay buông xuôi theo thân mình. Hai võ sư nhẹ nhàng bê đầu và chân em đặt trên hai chiếc ghế nhựa mỏng mảnh chênh vênh. Già nửa thân mình từ vai đến chân, không có điểm tỳ nâng đỡ (lơ lửng trên không cách sàn khoảng 50cm). Tảng đá dầy 7cm được đặt lên bụng nữ nhi.
Võ sư Lê Anh Tuấn, Chưởng môn phái Bình Định gia Phúc Mậu (Hoài Đức, Hà Nội) – người có sức mạnh chống thương vào yết hầu đẩy xe tải 4,5 tấn dùng chiếc búa tạ lấy đà chuẩn bị. Chiếc búa tạ vung lên đập xuống tấm thân nhỏ bé đang nằm bất động. Tôi nín thở, rùng mình. Tiếng đá vỡ vụn rơi lả tả, nữ nhi vẫn nằm yên thanh thản. Khi các võ sư đưa xuống, em thở nhẹ thoát khí, ngồi dậy và mỉm cười tươi rói. Toàn bộ phần da bụng vẫn lành nặn hơi ửng hồng.
Võ sư Tuấn cho biết, tiết mục biểu diễn của Quyên có tên gọi là "Thiết cân áp bản" (đặt đá lên người, dùng búa tạ đập). Đây là một tiết mục nguy hiểm rất dễ gây chấn thương đòi hỏi người biểu diễn ngoài khả năng võ thuật, còn phải tập và sử dụng nội công một cách thuần thục để tránh tai nạn. Bé Quyên là một trong số rất ít môn sinh “đặc biệt” mới học võ 3 năm, có khả năng biểu diễn được tiết mục này. Với sức mạnh phi thường, em có thể chịu được ở mức đánh lớn hơn (3 tảng đá) nhưng để đảm bảo an toàn, nên để em biểu diễn ở mức độ thấp.
Đặc biệt, ngoài tiết mục này, Quyên là một võ sinh giỏi, ngoan ngoãn, chăm chỉ và đã giành được 2 huy chương bạc trong hội diễn võ thuật thành phố ở tiết mục “hầu quyền” và “mưu thể diện”. Hiện em cũng là một “trợ thủ” của thầy, cùng thầy hướng dẫn các em nhỏ tuổi tập võ.
|
Chân dung nữ nhi 10 tuổi với nước da trắng hồng, mái tóc tết dài, nụ cười duyên dáng và thân hình nhỏ nhắn, xinh xắn đi một bài đao quyền mạnh mẽ... |
Vẫn sợ bị bạn bắt nạt
Trông Quyên không có dáng mạnh mẽ và “cứng cỏi” của người học võ. Em nhút nhát và e thẹn khi mọi người trêu “giỏi võ thế này, đến trường chắc các bạn sợ lắm nhỉ”. Quyên cười bẽn lẽn: Em rất sợ bị bạn bè bắt nạt. Em kể, bố cho em đi học ở trường ngoài phố, cách xa nhà cả chục km. Đến trường em thường xuyên bị các bạn trêu khóc. Thậm trí, em nhút nhát tới mức không tự tin, có lúc cô gọi phát biểu cũng run.
Năm em lên 7 tuổi thì bố cho em đi học võ cho khoẻ và giúp em mạnh dạn hơn. Em rất thích học võ, ngoài việc 1 tuần đến võ đường học 1,5 giờ, mỗi ngày ở nhà em đều tập khoảng 30 phút - 1 tiếng. Khi em đi biểu diễn được 2 huy chương thì bố và thầy dạy em luyện thêm môn nội công, đề khí để tăng thêm sức mạnh cho võ thuật. Việc học nội công rất khó, nó bắt em phải tập trung toàn bộ ý nghĩ vào luyện tập, không được lơ là.
Đặc biệt, khi biểu diễn xung quanh có rất nhiều người, nhất là các bạn hay trêu trọc nên em phải cố gắng rất nhiều vì bố em bảo nếu em lơ đãng, không tập trung, không đề được khí tốt thì chắc chắn em sẽ bị thương, nên em cố gắng tập trung hết mức. Khi thầy dùng búa tạ đập đá trên bụng em, lần đầu em rất sợ nhưng được thầy và bố động viên “phải vượt qua nỗi sợ” và hơn nữa, em cũng đã vượt qua thử thách bằng các bài tập tạo sức mạnh cơ bụng, nên khi biểu diễn em cố gắng tập trung khí vào bụng để cho “bụng cứng” và không đau. Sau các lần biểu diễn với các viên ngói, viên gạch... thì khi đến đá xẻ em cũng thấy bình thường, thầy đập mạnh, đá vỡ vụn nhưng em cũng không thấy đau và da bụng cũng không bị đỏ.
Quyên hồn nhiên, sau khi em được 2 huy chương, các bạn ở trường biết em có võ cũng ít “bắt nạt”, nhưng khi bạn trêu hoặc đánh, em vẫn sợ không dám đánh lại vì sợ các bạn mách cô. Tuy nhiên, trong học tập và giao tiếp thì em can đảm hơn nhiều. Hiện giờ em chỉ muốn học giỏi cả văn hóa và cả võ và em rất thích sau này được là cô dậy võ.
|
Tiết mục biểu diễn của Quyên có tên gọi là "Thiết cân áp bản". |
Cho con va chạm để có bản lĩnh
Trao đổi với phóng viên về khả năng “đặc biệt” của Quyên, anh Nguyễn Xuân Tự (tổ 11 phường Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội), bố Quyên cho biết, anh chị sinh được 6 người con, Quyên là con thứ 3. Vì gia đình đông con nhiều khi không chăm sóc kỹ được, hơn nữa từ bé Quyên cũng không khoẻ, hay ốm vặt nên anh cho các con học võ để vừa rèn đức, rèn sức và cho con va chạm để con có bản lĩnh vươn lên trong cuộc sống.
Anh Tự chia sẻ, anh vốn là bộ đội trinh sát nên cũng biết về võ và có kiến thức về môn này, nhưng anh cũng bất ngờ về sự tiến bộ và khả năng “đặc biệt” của Quyên. Mỗi khi có thời gian anh thường cùng Quyên tập nội công. Anh cười, dạy trẻ “tu luyện” nội công rất khó vì khi đó tâm trí phải thật thoải mái và trẻ phải thật tập trung, không được phân tán và đặc biệt không thể cưỡng ép được. Với tuổi ham ăn, ham chơi, sự tập trung tu luyện càng khó hơn. Nhưng với Quyên mọi việc lại khá dễ dàng, chỉ sau một thời gian ngắn, Quyên đã bộc lộ được “khả năng đặc biệt” của mình.
Anh Tự cho biết, trong số hàng nghìn, hàng vạn người luyện võ, luyện nội công, người có được tấm thân “cứng hơn sắt đá” là rất hiếm và thường mỗi người lại có một điểm mạnh riêng trên cơ thể. Chẳng hạn, với Quyên điểm mạnh là nằm cách không đập đá trên bụng, nhưng chị Quyên lại có khả năng nằm trên thủy tinh uốn cong người để đá lên bụng đập và có người lại có điểm mạnh ở yết hầu, ở đầu...
“Thiết cân áp bản” là một công phu đặc dị, võ sinh có tới vài ngàn người, thì số người đạt trình độ để luyện “Thiết cân áp bản” cũng chỉ được vài người. Luyện “thiết cân áp bản” đòi hỏi kỹ thuật chính xác, luyện công cơ bản, có sự giám sát của chưởng môn. Đây là môn rất khó, nếu không cẩn thận, bắt chước... lúc tập không đề được nội khí sẽ gây chấn thương nội tạng bên trong, hoặc không phát được kình lực nhẹ sẽ gây chấn thương cơ xương, làm tụ máu, gãy xương... nặng có thể tử vong”.
Võ sư Lê Anh Tuấn
Nhật Hà