Bà đau đớn trong những kí ức, để đến bây giờ bà sống trong sự chai lì cảm xúc.
Qúy bà đẹp này chính Nguyễn Thị Thanh H. (SN 1962, trú tại Kim Liên, Hà Nội) đã trải qua “2 lần đò”. Chắc do cái số tuổi dần của mình, bà vẫn long đong với cái tướng “sát phu”. Người nào xấu miệng, họ lại xì xèo về những người chồng xấu số của bà. Nhưng cũng có những người hiểu chuyện, họ cảm thông cho một người đẹp mà bạc phận.
Phận hồng nhan với hai lần đò “yểu mệnh”
Thưở còn con gái, bà H. đã từng là hoa khôi nức tiếng, đã khiến biết bao nhiêu đàn ông phải xiêu lòng trước nhan sắc kiều diễm của bà. Bà H. có cái dáng dong dỏng cao, với nước da trắng ngần, đôi môi đỏ mọng nước cùng với đôi mắt bồ câu long lanh như giọt sương đầu xuân.
Bố mẹ bà H. ngày xưa là phường buôn bán hoa quả ở chợ Long Biên. Gia đình cũng thuộc dạng có của ăn, của để. Nhưng liệu có mấy ai đẹp cả người lẫn nếp, bà H. vốn nổi danh không chỉ sắc đẹp mà còn có tiếng hiền lành, đoan trang, ăn nói nhỏ nhẹ.
Tuy nhiên, mọi cái đẹp của bà bị làm lu mờ hết nhờ đôi gò má cao với cái tướng sát phu tuổi dần. Theo quan niệm của người Việt, con gái tuổi Dần thường được cho là cao số, khó lấy chồng, có số sát chồng, hay ít nhất cũng lấn át chồng.
|
Cho dù đã trải qua hai đời chồng, bà vẫn chưa thấy hạnh phúc. |
Không ai biết chính xác quan niệm về người phụ nữ tuổi Dần bắt nguồn từ đâu, như thế nào. Nhưng từ rất lâu, nhiều người Việt đã có quan niệm con gái tuổi Dần là cao số, có cuộc sống lứa đôi long đong lận đận.
Làm thân con gái, ai cũng muốn có gia đình êm ấm, vợ chồng hạnh phúc, con cái đề huề. Nhưng con gái tuổi dần nó đã là cái số, và bà H. cũng tự nhận số con gái tuổi dần nó “bập” vào mình.
“Từ thời con gái, yêu ai cũng không thành. Đến lúc hơn 20 tuổi mà chưa lấy chồng, bố mẹ đã sốt ruột muốn đuổi đi rồi. Vì ngày xưa, gái 20 mà chưa lấy chồng thì được coi là gái ế. Không chỉ mình bị dị nghị mà bố mẹ cũng bị mang tiếng”, bà H. kể lại.
Vậy là năm 25 tuổi, bà đành nghe theo lời sắp đặt của bố mẹ về làm vợ của người đàn ông theo đuổi bà đã lâu. Từ đầu, bà chẳng có cảm xúc gì với chồng mình. Chỉ là “phận gái lỡ làng” nương nhờ anh những lúc tuổi già. Nhưng càng về sau, bà thương chồng vì ông quá yêu bà.
Bất cứ lúc nào bà cần gì, ông cũng đều thực hiện ngay tức khắc. Bà H. như một bà hoàng được cung phụng. Tuy nhiên, sống với nhau “lửa gần rơm lâu ngày rồi sẽ bén”, bà yêu ông từ lúc nào, bà cũng chẳng biết.
Nhưng rồi, ai biết được chữ ngờ, ông ra đi chỉ sau vài năm hành phúc. Bà cũng chẳng kịp để lại cho ông một đứa con. Một lần ông đi bộ tới công sở thì không may bị tai nạn. Ông đến với bà rất bất ngờ, giờ ông bỏ ra cũng đột ngột, những đắng cay giờ bà mới thấu hiểu được đôi phần.
Mẹ chồng bà cho là bà “sát chồng”. Do là ngày xưa, ông nhất định đòi cưới bà về làm vợ chứ bố mẹ chồng nào có ưng đôi má với cái tuổi Dần sát phu. Nên giờ ông đi, bà cũng chẳng thiết tha gì bên nhà chồng ghẻ lạnh. Ngày bà đi lấy chồng, bố mẹ bà chỉ cho bà một ít của hồi môn làm lộ phí. Nhưng giờ chồng chết bà H. ra đi với hai bàn tay trắng.
Bà H. tâm sự: “Dù có khóc cũng chẳng làm được gì, nên thôi đành phải tự cứng rắn để còn sống nữa. Thời đó, bố mẹ biết chuyện cũng thương lại đưa về nhà nuôi như con gái. Nhưng lúc đó mình cũng lớn rồi, ở với bố mẹ một thời gian rồi cũng lăn ra đi làm để nuôi thân. Ngày xưa có chồng, chồng yêu, chồng chiều, giờ chẳng còn gì thì tự mình mà vực dậy”.
Gia đình bà cũng không phải dạng khó khăn nhưng bà quyết tâm gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Năm bà 30 tuổi, một mình bà ngược xuôi ở các chợ hoa quả để đi buôn lẻ từng đồng, từng hào một, chắt chiu để dành. Bà H. nguyện cuộc đời mình sẽ chẳng lấy ai nữa, sau này kiếm một đứa con nuôi, hai mẹ con rau cháu nuôi nhau.
Nhưng rồi biết đâu được chữ ngờ. Bà H. một lần nữa phải lòng một người đàn ông hơn bà 5 tuổi, chững trạc, phong độ nhưng ngặt nỗi người đàn ông đó đã có vợ.
Bà H. như một kẻ thứ 3 chen chân vào hôn nhân của người đàn ông đó và mang tiếng suốt đời là kẻ đi giật chồng người. Có nhiều lúc bà tự huyễn hoặc bản thân mình rằng tình yêu làm gì tội, bà H. mù quáng người đàn ông đó đến si mê.
“Ông ấy ga lăng, ăn nói nho nhã cho dù là phường buôn bán. Phận đàn bà, nhiều lúc đâu tránh khỏi những giây phút chạnh lòng. Dù mình có cứng rắn đến đâu, nhưng nhìn thấy cảnh gia đình nhà người ta mình lại buồn”, bà H. tâm sự khi đó mình đã 35 tuổi.
Bà H. bất chấp xã hội gọi mình là “hồ li tinh” để danh chính ngôn thuận về làm vợ người đàn ông đó. Nhưng hạnh phúc nào được như mơ, chỉ một thời gian ngắn sau bà mới đắng cay nhận ra người đàn ông mà bà H, chấp nhận bỏ đi hai từ “đức hạnh” để đoạt từ một người đàn bà khác lại là một gã đàn ông vũ phu.
Những lúc say rượu, gã lè nhè đem bà ra mua vui, nhẹ thì vài cái tát, nặng thì bầm rập chân tay, mặt mũi. Đặc biệt là những lúc “quan hệ”, bà như bị tra tấn bởi tính bạo lực của chồng khi “chăn chiếu”. PV tạm thời không kể hết những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần trong cuộc hôn nhân thứ 2 của bà H. ra đây vì nó quá khủng khiếp với một người đàn bà.
Kể cả khi bà mang bầu đứa con đầu lòng, bà cũng bị chồng hành hạ mỗi khi đêm xuống. Cho đến tháng thứ 3, bà bị sảy thai.
Cuộc đời của bà là một chuỗi ngày bĩ cực cho đến khi chồng chết do căn bệnh ung thư gan hành hạ. Vậy là bà được giải phóng, năm đó bà 46 tuổi, cuộc hôn nhân được hơn 10 năm.
Ở cái tuổi băm, bà chưa kịp cho mình một đứa con để vui vẻ. Bà lại chấp nhận cô đơn. Trong nỗi dằn vặt bà H. trải lòng: “Lần đầu thì được chồng yêu, lần sau thì yêu chồng nhưng chẳng lần nào tôi thấy mình thực sự hạnh phúc. Có lẽ tôi sinh ra đã là một bi kịch”.
Người đàn bà sống như người mộng du
Sau hai cuộc hôn nhân đắng cay, bà chọn cách sống như một người mộng du. Bà không còn hứng thú để yêu bất kì một người đàn ông nào nữa. Bà H. chọn cho mình một cuộc sống an nhàn.
Năm bà 47 tuổi, bà nhận một đứa bé bị bỏ rơi lúc lọt lòng về nuôi. Cuộc sống của hai mẹ con bà thanh đạm đến tận bây giờ. Có lẽ những giây phút đi qua cả một nửa cuộc đời, bà H. mới có những giây phút hạnh phúc cho riêng mình.
Từng ngày, bà chăm con lớn lên, bà mới thấy ý nghĩa đích thực của một người đàn bà. Tuy làm mẹ muộn, bà vẫn đủ tự tin để chăm con. Những lúc con ốm, bà lại như ngồi trên đống lửa, tình mẹ bao la cho dù đứa trẻ chẳng có máu mủ với mình.
Bà quan niệm: “Một ngày nuôi con, đã thành mẹ. Cho dù chẳng đẻ nó ra nhưng nó là con mình”. Và đến tận bây giờ, bà vẫn chưa cho đứa con bé bỏng của mình biết nó là con nuôi.
“Cháu còn bé, nhưng mai sau nó lớn tôi sẽ kể để nó tự tìm cha mẹ đẻ của mình. Vì chẳng có người mẹ nào dám bỏ con cả, chắc vì nguyên do nào đó thôi”, bà H. tâm sự.
Mọi biến cố trong cuộc sống, bà H. đành tạm cho vào quá khứ: “Giờ cuộc sống của mình yên bình lắm. Đi làm rồi về với con, khi nào rảnh lại vào chùa cho thanh tịnh”, bà H. chia sẻ cuộc sống của mình.
Cho đến bây giờ, dù chẳng mấy tin nhưng bà cũng thấm thía phần nào cái số tuổi Dần long đong. Cho dù bà vẫn tươi cười hàng ngày, nhưng PV vẫn thấy những nỗi buồn phảng phất trên khuôn mặt bà, người đàn bà không có duyên trong hôn nhân.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin