Phụ huynh sửng sốt với món ’canh gà Thọ Xương’

Google News

Kiểm tra vở Văn, phụ huynh sốc khi thấy con viết "...canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở hồ Tây. Cô không sửa sai mà vẫn cho điểm 8.

Kiểm tra vở Văn, phụ huynh sốc khi thấy con viết "tiếng chuông Trấn Vũ" là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên, còn "canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở hồ Tây. Cô không sửa sai sót này mà vẫn cho điểm 8.

Một phụ huynh có con học lớp 7A10 THCS Lomonoxop (Hà Nội) cho biết, đi học về, con gái kể những câu ca dao được cô dạy trên lớp và đòi bố mẹ đưa đi ăn món "canh gà Thọ Xương". Anh hoảng hốt hỏi "ai nói với con có món này?", thì được trả lời là "cô giáo dạy Văn".

Để khẳng định lời mình nói là đúng, cô bé đem cho bố xem vở tập làm văn có bài cảm nhận về 4 câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏa ngàn sương / Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ". Kiểm tra vở của con, anh sốc nặng khi thấy bài viết chữ nguệch ngoạc, sai cả chính tả lẫn nội dung nhưng vẫn được cô cho 8 điểm.

"Đầu tiên, cảm giác của tôi là bàng hoàng. Bài văn câu chữ không được uốn nắn. Tôi không làm nghề giáo nhưng cũng biết ý chính của cụm từ "tiếng chuông Trấn Vũ" không nghiêng hẳn về nét đẹp truyền thống của dân tộc, tôn trọng thờ kính tổ tiên. Tôi có bảo với con "nếu đây là đền Hùng" thì ý này sẽ rõ hơn. Còn đọc đến đoạn "món ăn đặc sản là canh gà Thọ Xương thì tôi không thể tin vào mắt mình nữa", vị phụ huynh bức xúc.

Anh kể, sau phút sửng sốt, anh gặng hỏi con và cháu vẫn trả lời "cô dạy thế". Cháu nói "nhiều bạn lớp con làm thế, chẳng lẽ chúng con nghĩ sai giống nhau?". Thực tế, nội dung con viết sai trong bài không được cô gạch chân, trong khi cô vẫn sửa các chữ viết tắt như "4" thành "bốn", "dc" thành "được" và cuối bài còn phê "Có ý thức làm bài...", và cho điểm 8 +.

Bài văn của học sinh lớp 7A10, ghi "canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng của Hà Nội", nhưng cô giáo không sửa mà vẫn cho điểm 8. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.
Bài văn của học sinh lớp 7A10, ghi "canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng của Hà Nội", nhưng cô giáo không sửa mà vẫn cho điểm 8. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Để kiểm tra thông tin, anh gọi điện cho một số bạn học của con gái, hỏi về bài kiểm tra. Một nam sinh kể: "Con được cô dạy như thế. Con viết nguyên vào bài và về nhà bị bố mắng".

Chung nỗi bức xúc, một phụ huynh khác cho hay, khi kiểm tra vở của con, anh cảm thấy lạ khi thấy viết "canh gà Thọ Xương" là món ẩm thực nổi tiếng của hồ Tây. Trước đó, con có nói đến điều này nhưng anh tưởng rằng cháu nói đùa. Anh phân tích rằng "canh gà Thọ Xương" là tiếng gà báo sang canh thì cháu nói "cô giáo dạy như thế".

Phụ huynh này tâm sự, không hiểu tại sao cô giáo lại có thể nhầm lẫn đến mức độ như thế được. Trong bài kiểm tra của con trai anh, cô không gạch chân chỗ cháu viết sai, mà còn cho 7 điểm và khen làm tốt. Theo anh, kể cả khi cô không dạy, đứa trẻ viết như thế thì cô phải sửa và không được cho điểm cao.

"Không phải một mình con tôi mà rất nhiều cháu nhầm lẫn như nhau. Khi chấm bài, cô không phản ứng gì chứng tỏ cô đồng tình với học sinh. Các cháu trong trắng như tờ giấy, làm sao có thể nói khác đi được", anh chia sẻ.

Còn một nữ sinh lớp 7A10 khẳng định: "Cô giáo đã dạy cho bọn con như thế. Cô dạy thế nào, chúng con làm bài tập như vậy. Khi cô chấm cũng không gạch ý này và còn cho con điểm cao".

Trao đổi với VnExpress.net, bà Ngô Thị Hà, Hiệu phó THCS Lomonoxop cho biết, khi nghe thông tin bà cũng rất sốc. Bà đã yêu cầu giáo viên thu toàn bộ vở của học sinh để kiểm tra. Chính bà cũng bất ngờ khi thấy không chỉ một, mà nhiều em đã viết "canh gà Thọ Xương" là món ăn nổi tiếng của Hà Nội.

"Người dạy văn lớp 7A10 hôm đó là cô Hà Thu Thủy. Chúng tôi đã yêu cầu cô viết bản tường trình, nói lại sự việc trước tổ Văn của trường", bà Hà nói.

Trong khi đó, cô Thủy cho hay, buổi học có bài tập cảm nhận về bốn câu thơ nêu trên diễn ra sáng 12/9 và chiều cùng ngày cả lớp ôn tập rồi làm bài kiểm tra một tiết. Cô ra hai đề trong đó có đề cảm nhận về bốn câu ca dao: "Gió đưa cành trúc la đà...".

"Tôi yêu cầu các em tự cảm nhận, cô không gợi ý, sau đó thu vở một số em để chấm. Trong khi chấm, thấy nhiều học sinh hiểu nhầm ’canh gà Thọ Xương’ là món canh gà, trong khi hiểu đúng phải là ’tiếng gà báo sang canh’", cô Thủy kể và cho hay, lúc trả bài đã nói lớp có nhiều bạn làm sai, nhưng vì bài tự cảm nhận nên các em tự sửa để cho nhớ.

Cô Thủy cũng giải thích, do lúc ấy cuối giờ, lớp khá ồn và lộn xộn nên học sinh không nhớ để sửa ngay. Cô sơ suất không kiểm tra lại vở các con và không sửa chu đáo vào ngày hôm sau.

"Tôi xin lỗi phụ huynh vì đã không sửa bài thấu đáo cho con và cảm ơn phụ huynh có phản hồi để tôi có thể nhận ra sai sót nghiệp vụ sư phạm của mình. Tôi đã khắc phục bằng cách hướng dẫn học sinh sửa và giảng lại cho các con hiểu. Bài ca dao tôi cho các con làm cũng là bài ca dao ngoài chương trình, tôi muốn các con ôn luyện để hiểu hơn nét đẹp của Hà Nội vì các con là học sinh thủ đô", cô Thủy nói.

Còn thầy Trần Trung, Tổ trưởng tổ Văn cho hay, khi nghe chuyện, thầy đã nghĩ "làm sao có cách dạy ngớ ngẩn như vậy được?". Theo thầy Trung, sai lầm lớn nhất của cô Thủy là không cắt nghĩa một cách tường minh cho học sinh biết rằng, đó là cách hiểu sai, đó là đêm năm canh ngày sáu khắc, chứ không phải món ăn.

(Theo Tin Nhanh Việt Nam)

[links()]