Phố cổ Hà Nội: Cùng cực chân than, mặt nhọ với nghề

Google News

(Kiến Thức) - Phố cổ Hà Nội, mảnh đất được định giá là tấc đất tấc vàng, là nơi hái ra tiền. Thế nhưng, cái cốt lõi đã từng làm nên giá trị của phố cổ ngày nay đang dần bị mai một.

Không ít gia đình đang dở khóc dở cười với cái nghề truyền thống đã làm nên tên tuổi của họ và của chính cái được gọi là "phố cổ"!
Nghề rèn ở phố Lò Rèn, con phố chỉ dài hơn trăm mét nhưng chứa đựng một thứ nghề nặng nhọc nhem nhuốc bậc nhất Hà Thành. Con phố nhỏ vẫn còn đấy nhưng đâu rồi những lò than rực lửa? Lọ mọ tìm, dỏng tai nghe may lắm mới thấy một tiếng búa cùng cực của người đàn ông mặt nhọ nơi góc khuất phố cổ.
Ba đời mặt bụi
Tôi tiến lại gần, người đàn ông trạc 50 tuổi ngừng gõ búa giơ tay quệt ngang mặt, than nhuyễn với mồ hôi thành một đường đen bóng nhẫy trên khuôn mặt khắc khổ. Đó là ông Nguyễn Phương Hùng, một trong ba thợ rèn hiếm hoi còn sót lại ở phố Lò Rèn. Ông bảo rằng, đừng khinh thường thợ rèn, nhìn nhọ nhem nhưng cái mắt cái tâm vẫn sáng lắm. Ông nói vậy, vì đã từng bị những đứa choai choai tỏ vẻ khinh miệt hay hất hàm ra lệnh làm cho nó thứ này thứ kia.
Mời khách ngồi bên một cái bàn nhỏ chưa đến 1m2 đặt dưới gốc cây, ông Hùng lấy hơi rít một bi thuốc lào rồi ngửa cổ phả khói, bỗng ông cất tiếng hỏi tôi: Cũng còn người quan tâm đến thứ nghề khốn nạn này sao? Tôi gật đầu, ông cười tủm bảo rằng, đây là thứ nghề cao quý khi xưa ở phố cổ, gia đình ông đã ba đời theo nghề, ba đời mặt bụi, ba đời chứ không ít.
Ông giải thích, sở dĩ nó là nghề thời thượng bởi ngày xưa đâu có ai phân biệt nghề này nghề kia như bây giờ. Người thợ rèn phải khoẻ và thần kinh thép như phi công thì mới theo nghề được. Việc quai búa nặng nhọc vô cùng, nhiều khi còn bị lửa bắn vào rát mặt, phỏng da. Nhưng những người thợ rèn chưa bao giờ coi đó là cực nhọc. điều họ mệt mỏi là phải suy tính giữ nghề gia truyền và kiếm miếng ăn từ chính thứ nghề này.
Ông nội rồi đến bố của ông Hùng đều sống bằng nghề rèn. Họ không chỉ là những nghệ nhân nức tiếng Hà Thành xưa mà còn góp phần tạo ra danh tiếng cho phố Lò Rèn thông qua các nghiệp đoàn và hợp tác xã. Ông Hùng kể rằng: "Tôi vẫn còn giữ được những vật dụng xưa mà các cụ làm ra, nhiều nhất là đồ xe ngựa và xe tay kéo. Thời chúng tôi thì cái gì cũng làm, từ búa tạ, xà beng đến bu lông, ốc vít... Cái gì mà thiên hạ cần thì tôi đều làm cả".
Ông Hùng lấy làm tự hào vì nối được nghiệp tổ tiên. Ông cho hay: "Xưa kia các cụ nhờ nghề rèn mà nuôi được con cháu. Tôi cũng nhờ nghề rèn mà làm tròn bổn phận làm cha, nuôi con cái ăn học đàng hoàng chẳng thua kém ai. Có người hỏi tôi rất lạ, là có thấy nhục khi làm thợ rèn không? Tôi bảo không, mà ngược lại, rất vinh quang vì tiền mình kiếm được là do mồ hôi công sức đổ ra".  
 Phố Lò Rèn đã vắng bóng lò rèn.
Theo nghề vì nghiệp chướng
Ba đời theo nghề quai búa như gia đình ông Hùng ở đất Hà Thành đã là một kỳ tích. Ông Hùng nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn nhiều gia đình giữ được nghề rèn, phố phường tấp nập người qua lại đặt hàng. Lửa lò nhà nào cũng sáng rực, các thợ lành nghề còn tập trung quai búa suốt ngày đêm. Thế rồi, cứ thưa dần tiếng búa, nhiều thợ rèn bỗng một ngày trở thành ông chủ nhà hàng ăn uống hoặc kinh doanh hàng hoá.
Ông Hùng thành thật, ý định bỏ nghề đã nhen nhóm trong ông đã lâu nhưng không tài nào bỏ được, âu cũng vì nghiệp chướng. Và tôi thấy, hình như đó là nghiệp chướng thật vì ở phố Lò Rèn này còn có ông Phương, một nghệ nhân son sắt với nghề. Nhưng ông Phương cũng thú nhận: "Tôi và gia đình đã hơn một lần bỏ nghề rèn sang buôn bán kiếm sống. Được hơn một năm thì dẹp buôn bán trở lại với nghề rèn, vì là nghiệp chướng nên không bỏ được".
Cuối phố Lò Rèn ở số nhà 30 vẫn còn đấy ông Nguyễn Thế Lai, người nửa thế kỷ quai búa. Bước sang tuổi 66 thì cũng ngần ấy thời gian ông gắn bó với nghề. Ông chẳng nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu cái xe tay kéo, bao nhiêu cái xe ngựa, bao nhiêu cái ốc vít... Ông chỉ nhớ, người yêu nghề rèn nhất chính là cha ông - cụ Nguyễn Thế Canh, một nghệ nhân nổi danh Hà Thành.
Ông Lai theo được nghề cũng vì nghiệp chướng. Cái nghề cha truyền con nối khiến ông lao đao bao phen nhưng chẳng dám bỏ nghề. Vì với ông, bỏ nghề là bất hiếu với tổ tiên, phụ lòng người cha đã khổ công truyền nghề cho con. Vì thế, dù có những lúc nản lòng nhưng ông cũng chẳng dám nghĩ đến việc rời xa cái bếp lò với những tiếng phì phò của bễ hơi.
Ba đời nhà ông Hùng đều gắn bó với lò rèn rộng 3m2. 
Lửa lò sắp tàn
Giữa cái nóng hừng hực của mùa hè, ông Hùng nhìn vào cái bếp lò vẻ mặt buồn bã: "Trước lúc mất, bố tôi dặn: Tao chẳng có cái gì có giá để lại cho mày, thôi thì còn cái bếp lò rèn, cố mà giữ, nó là thứ bất di bất dịch, đừng để nó nguội tàn".
Lời di chúc và món quà vô giá của người thợ rèn đến nay vẫn còn đấy, vẫn nằm giữa cửa hàng hình tam giác rộng 3m2 và trải qua 3 đời. Thế nhưng, ông Hùng khẳng định: "Tôi chết thì lửa lò này sẽ tắt, con cái chẳng đứa nào nó theo nghề rèn".
Người đau đáu với nghề như ông Lai cũng chẳng khá hơn. Ông đã già, chân đã mỏi và lưng đã hơi còng, ông chậm rãi ngồi lại bên vỉa hè đọc câu vè ngày xưa: "Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/Suốt tám giờ chân than, mặt bụi". 
Cả đời gắn bó với nghề, chứng kiến những trầm thăng đổi thay ở phố Lò Rèn, ông Lai hiểu hơn ai hết giá trị của thứ nghề nhọ nhem nơi phố cổ trầm mặc. Nhưng ông cũng đành buông thõng như một lời di chúc: "Tôi chết thì coi như nghề rèn mấy đời nhà tôi cũng mất. Biết thế đấy, khổ lắm nhưng chẳng nhẽ lại đi ép con cháu phải theo nghề. Không theo được nghề đã thất đức, ép chúng phải khổ như mình còn thất đức hơn".  
Giữa cái ồn ào phố thị, tiếng quai búa chát búa cứ đập liên hồi vào cục sắt nung đỏ như tiếng lòng của người thợ rèn cùng cực! cùng cực! 
Tổ sư của nghề rèn là người họ Lỗ tên Cao Sơn. Theo truyền tụng, thời Hùng Vương có người họ Lỗ đã lặn lội sang nước Thục học nghề rồi về truyền lại cho con cháu. Nước Nam có nghề rèn sắt là do công lao của người họ Lỗ nên sau khi ông qua đời, nhân dân tôn ông làm Tổ sư. Ngôi nhà số 1 phố Lò Rèn được xây dựng đầu thế kỷ XX là nơi cúng tế của những người thợ rèn.
Trần Hoà