Những ngày cuối năm, rất nhiều công nhân nặng trĩu nỗi lòng, quay quắt trong nỗi khao khát những ngày Tết sum vầy bên gia đình, nhớ bữa cơm tất niên ấm áp. Họ phải chấp nhận đón Tết xa nhà để có thêm chút tiền gửi về cho cha mẹ, đàn em thơ có thêm tấm áo mới xúng xính đón xuân.
Tết này có về quê không? Đó là những câu hỏi từ quê nhà, từ bạn bè trong những ngày cuối năm khiến day dứt lòng người công nhân xa xứ với đồng lương ít ỏi không đủ tiền về quê ngày Tết.
Nỗi niềm người xa quê
Những ngày cận Tết Nguyên đán, khi không khí xuân đang ngập tràn khắp con con đường, ngõ hẹp, đâu đâu cũng vang lên những ca khúc chào xuân khiến nhiều công nhân nhân xa nhà bỗng chộn rộn không khí Tết quê. Và họ cũng bận tâm hơn với những cuộc điện thoại từ quê nhà hỏi thăm: “Tết này có về quê không?!”.
|
Nhiều công nhân xa quê phải ngậm ngùi ở lại miền Nam đón Tết vì không có tiền mua vé xe về quê. |
Tết Nguyên đán càng đến gần, những người xa quê bắt đầu chộn rộn chuẩn bị về nhà đón Tết, những người ở lại nhà trọ càng cảm thấy buồn hơn. Họ ở lại đón Tết tha hương vì lương, thưởng cuối năm thấp mà vé tàu, vé xe tăng cao. Có người ở lại để tranh thủ kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình có một cái Tết được đầm ấm hơn.
Xóm trọ nằm trong KCN Sóng Thần (TX. Dĩ An, Bình Dương) dành cho công nhân, lao động nhập cư. Những người sinh sống tại đây làm đủ nghề, từ công nhân tại các xí nghiệp, nhà máy cho đến những người thu lượm ve chai, bán vé số mưu sinh…
Trời đã nhá nhem tối, mà khu phòng trọ nơi Phạm Thị Cẩm Ninh (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Trần Thị Tiên (19 tuổi, quê Nghệ An) tá túc vẫn còn tất bật với công việc mưu sinh. Những bữa cơm tối ăn muộn sau một ngày làm việc tăng ca vất vả nơi nhà máy, hai cô gái xứ Nghệ tranh thủ ăn nhanh để còn kịp đi mua chỉ màu về để hoàn thành nốt chiếc tranh thêu chữ thập gửi về quê cho cha mẹ.
|
Ninh, Tiên cùng những người bạn chung phòng trọ tranh thủ hoàn thành nốt bức tranh thêu để gửi về cho cha mẹ. |
Vào Bình Dương từ năm 18 tuổi, Ninh đi làm công nhân cho một công ty sản xuất giày tại KCN Sóng Thần, gần 3 năm đi làm, nhưng hầu như năm nào cô gái tuổi đôi mươi này đều phải ở miền Nam đón Tết, bởi mỗi lần về quê vào dịp cuối năm, tiền vé xe đi lại đã mất hơn 3 triệu.
“Tết năm nay em lại tiếp tục đón Tết ở miền Nam, vì tiền xe cuối năm cao quá, mà năm nay nghe đâu công ty em không có thưởng Tết, còn tiền lương tháng 1, họ nói qua Tết họ mới trả. Không có tiền về quê, tiền nhà trọ đằng nào thì cũng phải đóng đủ tháng, nên em để số tiền đáng lẽ phải mua vé xe về đó gửi về nhà cho cha mẹ thêm lo Tết anh à!” – Ninh chia sẻ.
Mặc dù đã sẵn sàng tâm lý ăn Tết xa nhà, nhưng Tiên vẫn không giấu nổi cảm xúc buồn khi những người bạn làm chung công ty và ở cùng dãy trọ đang tất bật chuẩn bị hành lý để chờ ngày lên xe về quê sum vầy cùng gia đình. Câu chuyện với chúng tôi thi thoảng bị đứt quãng bởi tiếng sụt sịt của cô gái 19 tuổi này.
“Tết năm rồi em ở lại Bình Dương, ngày Tết ra đường vắng lắm. Sáng mùng 1 Tết gọi điện về nhà rồi nằm khóc nguyên ngày. Năm nay, vài ngày tới các bạn í ới nhau xách vali lên xe về quê hết chắc em buồn lắm luôn anh ạ! Nhưng biết làm sao được, tiền vé xe mỗi lần đi về mất hơn tháng lương của tụi em rồi, em để dành tiền đó gửi về cho mẹ để mua quần áo cho 2 đứa em ở nhà mặc Tết” – Tiên ngậm ngùi chia sẻ.
Về quê đón Tết là điều..."xa xỉ"
Trong những ngày cuối năm, không khí đón Tết mỗi lúc một hối hả hơn, càng làm tăng thêm niềm mong mỏi được nhà sum vầy ngày xuân cùng gia đình trong mỗi người con xa xứ. Tuy vậy, hoàn cảnh cá nhân của nhiều người không cho phép niềm mong ước ấy được trọn vẹn.
Vợ chồng chị Hiền (quê Hà Tĩnh) xa quê vào miền Nam đã gần 10 năm qua, chị làm công nhân may mặc, còn chồng công nhân xưởng gỗ. Tính cả vợ chồng thu nhập tháng chưa đến 10 triệu đồng. Vì quá khó khăn nên anh chị phải gửi con cho ba mẹ ở quê chăm sóc, mấy cái tết đã qua anh chị chưa về quê, năm nay do công ty làm ăn thua lỗ, không có thưởng, lại bị nợ lương nên anh chị đành gạt nỗi nhớ con, nhớ gia đình để tiếp tục ở lại Bình Dương đón Tết.
“Cuối năm, thu nhập cả hai vợ chồng chẳng được là bao, mà đã về quê nội thì phải về quê ngoại ít ngày, trong khi đó quê nội thì ở Bình Định còn quê ngoại thì tít tận Hà Tĩnh. Chi phí cho chuyến về quê 2 bên ít nhất cũng phải mất 10 triệu. Thôi thì đành cất nỗi nhớ con vào lòng, hai vợ chồng ở lại phòng trọ ăn Tết để có thêm tiền gửi về cho con uống sữa, cho ba mẹ hai bên có thêm cặp bánh đón xuân” – chị Hiền thở dài nói.
|
Vợ chồng chị Hiền tranh thủ ngày nghỉ gọi điện về để nghe giọng nói của con. |
Khu trọ chị Hiền thuê nằm trong KCN Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương) cũng như những khu trọ công nhân tha hương mưu sinh khác, không khí Tết chỉ đến chờn vờn ngoài đường ngõ.
Không về quê, vợ chồng chị tự nhủ thôi dành dụm để lo cho con cái tươm tất hơn, gom ít tiền gửi về biếu hai bên cha mẹ ăn Tết.
Giáp Tết, chị ra chợ mua vài cân thịt, dưa muối, mấy cái bánh chưng công nghiệp, kẹo mứt ăn cho có cái gọi là Tết, ngoài ra không mua sắm gì nhiều. Xa quê, anh em, bạn bè không có nên với vợ chồng chị mùng 1 đã hết Tết.
Dù nhiều mùa Xuân qua, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều hoạt động để chăm lo Tết cho công nhân để họ có thể đón một cái Tết xa quê để họ cảm thấy vui tươi, ấm áp. Tuy nhiên, hoạt động chăm lo ý nghĩa đó vẫn còn chưa “vươn tới” được với những người lao động nhập cư khác. Họ khắc khoải, nhớ nhung cái Tết ở quê nhà, bên mâm cỗ gia tiên, bên ông bà, cha mẹ. Nhưng họ phải ở lại miền Nam thêm mùa Tết này vì cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt.
Thiên Dũng