Nỗi đau vẫn âm ỉ sau 40 năm
Trong khuôn viên của Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP HCM) có một khoảng không gian đặc biệt, nơi sẽ đem lại cảm xúc khó quên cho những người lần đầu ghé thăm. Đó là Làng Hòa Bình, nơi đang nơi điều trị và nuôi dưỡng 60 trẻ em mang di chứng của chất độc da cam từ khi lọt lòng.
|
Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ.
|
Có trực tiếp đến nơi này mới cảm nhận được nỗi đau vẫn còn hiện hữu của cuộc chiến tranh đã kết thúc 40 năm trước. Căn phòng của các em nhỏ ở Làng Hòa Bình là một thế giới lặng lẽ và đầy ám ảnh, như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống nhộn nhịp đang diễn ra bên ngoài ô cửa sổ. Đó là thế giới của những cơ thể dị dạng, những ánh mắt ngơ ngác vô hồn, những tiếng ú ớ không rõ nghĩa.
Không chỉ mang những khuyết tật hình thể bên ngoài cùng nhiều loại bệnh tật, phần lớn các em nhỏ ở nơi đây còn bị chậm phát triển trí tuệ. Có em bị bại não và phải sống một đời sống thực vật. Chỉ một phần tư trong số các trẻ em của Làng Hòa Bình có khả năng học tập như những đứa trẻ bình thường khác.
|
Một căn phòng của trẻ em khuyết tật ở Làng Hòa Bình.
|
Thành viên mới nhất của Làng Hòa Bình là một em bé sơ sinh, giờ mới 6 tháng tuối. Trong tương lai, làng có thể sẽ đón thêm nhiều sinh linh bất hạnh như vậy…
Làng Hòa Bình của bệnh viện Từ Dũ không phải là ngôi Làng Hòa Bình duy nhất của Việt Nam. Dọc theo đất nước đã chịu đựng sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, có đến 12 Làng Hòa Bình như vậy.
Ước tính, có gần 5 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra trên dải đất hình chữ S.
Hồi kết nào cho cơn ác mộng da cam?
Cuộc chiến đã kết thúc được 40 năm. Nhưng phải mất mấy thập niên nữa, hay cả thế kỷ nữa thì di chứng của chất độc da cam mới kết thúc? Có lẽ, đây là một câu hỏi làm day dứt trái tim hàng triệu người Việt.
Trao đổi với Kiến Thức, Bác sĩ Nguyễn Đắc Minh Châu, Phó khoa điều hành Khoa Phục Hồi Chức năng của Làng Hòa Bình cho biết, cho đến nay di chứng của chất độc da cam đã tác động thế hệ thứ 2 và thứ 3, thậm chí là thế hệ thứ 4 và chưa thể khẳng định được đến bao giờ mới chấm dứt. Nhưng đã có những dấu hiệu lạc quan về diễn biến của di chứng tai ác này.
Thứ nhất là sự giảm đáng kể số lượng các ca mắc di chứng chất độc da cam trong sinh nở của các sản phụ. Nếu cách đây 10 năm, tỉ lệ các ca này là 2% thì giờ đây tỉ lệ đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng 1%.
Sự suy giảm này có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là diễn biến của thời gian cùng sự thay đổi quy mô dân số, cơ cấu độ tuổi của người dân… Bên cạnh đó là sự phát triển của ngành sản khoa đã giúp sản phụ theo dõi sự phát triển của bào thai, chẩn đoán, phát hiện được dị tật từ giai đoạn sớm, qua đó tham vấn với bác sĩ để gia đình đưa ra quyết định bỏ thai hay là giữ. Đa số các trường hợp khi biết thai nhi có dị tật đều chọn lựa biện pháp bỏ thai.
|
Hài nhi dị tật do di chứng chất độc da cam được lưu giữ tại Làng Hòa Bình.
|
Thứ hai, đó là sự suy giảm về mức độ của các di chứng chất độc da cam. Cụ thể, trong những năm đầu, các em nhỏ thuộc thế hệ thứ 1, 2 thường phải chịu những khuyết tật rất nặng khi sinh ra, nhưng càng về sau thì mức độ khuyết tật càng giảm, các em có cơ hội sống sót cao hơn, khả năng phát triển về thể chất và tinh thần cũng tốt hơn so với thời kỳ trước.
Nhân đây, xin nhắc lại câu chuyện về ca phẫu thuật nổi tiếng tách rời cặp song sinh Việt - Đức được thực hiện ở Bệnh viện Từ Dũ năm 1988.
Do
di chứng chất độc da cam, anh em Nguyễn Việt – Nguyễn Đức chào đời tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) vào năm 1981 trong hoàn cảnh dính ở phần bụng, có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn. Năm 1988 đội ngũ 70 giáo sư, bác sĩ trong nước và các bác sĩ đến từ Nhật Bản đã cùng phẫu thuật tách rời hai anh em. Ca mổ thành công và được coi là một thành tựu của Việt Nam trong bối cảnh nền y tế trong nước còn thiếu thốn.
|
Anh Nguyễn Đức giờ đây là nhân viên của làng Hòa Bình.
|
Sau ca mổ, cuộc sống của Việt được kéo dài đến năm 2007 (Việt hôn mê từ trước khi mổ đến lúc mất) trong khi Đức tiếp tục trưởng thành tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Giờ đây anh trở thành một nhân viên của Làng Hòa Bình. Điều đặc biệt hơn là anh Đức đã lập gia đình từ năm 2006 và có hai con, một trai, một gái. Cho đến thời điểm này các con anh vẫn phát triển bình thường.
Trường hợp của anh Đức cũng làm sáng thêm hi vọng về một tương lai gần, cơn ác mộng da cam ở Việt Nam sẽ kết thúc vĩnh viễn.
Quốc Lê