Những giải đáp về chứng minh thư mới

Google News

Chứng minh nhân dân là giấy tờ quan trọng. Việc đổi giấy mới có 12 số thay cho 9 số gặp phải không ít những thắc mắc của người dân.

- Chứng minh nhân dân (CMND) là giấy tờ quan trọng. Việc đổi giấy mới có 12 số thay cho 9 số gặp phải không ít những thắc mắc của người dân.
 
[links()]
 
Khó làm giả

Từ ngày 21/9, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp CMND mẫu mới tại 4 điểm thuộc TP Hà Nội, gồm các quận, huyện Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai và Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHCTTATXH).

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHCTTATXH, Bộ Công an cho biết, CMND mới có chế độ bảo mật hiện đại, khó làm giả. Việc làm CMND mới đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu lưu giữ vân tay nối mạng trong toàn quốc nên thuận tiện cho việc xác định danh tính của mỗi công dân, không thể xảy ra trường hợp một người có 2 - 3 CMND.
 
Ngoài ra, việc thay đổi mẫu CMND mới sẽ góp phần phục vụ công tác điều tra, giúp lực lượng công an đấu tranh phòng, chống tội phạm khi cần tra cứu nhanh một số thông tin cá nhân và vân tay tội phạm tại hiện trường gây án.

“CMND cũ và mới có điểm khác nhau là 9 số và 12 số nhưng đều có giá trị như nhau, tồn tại song song, không có bất cứ sự phân biệt nào”, thiếu tướng Vệ khẳng định.

Lấy dấu vân tay để làm CMND mới (arnh: Hoàng Trang).
Lấy dấu vân tay để làm CMND mới (arnh: Hoàng Trang).

Đã xuất hiện một số băn khoăn thắc mắc từ người dân về sổ đỏ. Nhiều người cho rằng không hiểu việc thay đổi này có ảnh hưởng gì đến các giao dịch sổ đỏ trước đây. Một số người thì bày tỏ băn khoăn khi trước đây họ thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng bằng CMND 9 số, nếu giờ sử dụng CMND 12 số thì có thực hiện được các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền... hay không?

Giải đáp những vấn đề trên, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, từ ngày 21/9, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng thông báo việc tồn tại hai loại giấy CMND và cùng có hiệu lực như nhau. Trong từng lĩnh vực cụ thể, các ngành sẽ có những hướng dẫn chỉ đạo riêng.

Hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư

Trong dự án luật Hộ tịch đang soạn thảo và dự kiến được Quốc hội thông qua vào thời gian tới có đưa ra ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính... và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người (căn cứ vào con số này có thể biết tất cả các sự kiện trong đời của họ).
 
Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý).

Ngoài ra, để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn...) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.

Theo thiếu tướng Trần Văn Vệ, dự thảo luật Hộ tịch có nêu số định danh cá nhân và giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm.
 
“Chúng tôi đã tính đến chuyện đó nên mới làm số CMND 12 số. Sau này sẽ hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi con người sinh ra thì sẽ cấp số định danh này, đến 14 tuổi sẽ làm CMND theo số này. Số này sẽ theo suốt cuộc đời một con người và đây là số chính thức của người dân. Dù có luật Hộ tịch thì cũng không thể bỏ CMND vì đây là căn cước, là mã số công dân xác nhận về một con người. CMND và hộ tịch là hai cái khác nhau nhưng cùng tồn tại”, ông Vệ nói.

T. Hợp (ghi)