Những người vợ “hổ báo”…
Phiên tòa hôm ấy, chừng gần chục người bên phía gia đình nạn nhân dự khán. Ít người nhưng “nóng”….“Nó không xứng đáng làm mẹ”, “cần tuyên buộc nó bồi hoàn thật nhiều để còn lo cho con nó”… đó chính là lời của gia đình bị hại nói ở phiên tòa. Vì sao họ giận dữ?
Phạm Thị Tứ (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) và chồng thuê phòng trọ ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Một ngày, chồng Tứ kiểm tra thông tin tài khoản trên thẻ ATM của Tứ thì phát hiện có 1,1 triệu đồng. Nghi ngờ vợ giấu tiền riêng, người chồng truy vấn Tứ về nguồn gốc số tiền thì nảy sinh mâu thuẫn.
|
Những ông chồng, bà vợ "nói chuyện’"bằng dao: Nguyễn Văn Anh, Phạm Thị Tứ và Trần Tiến Thắng (từ trái sang phải). Ảnh: Tân Châu |
Cơn giận dữ cao trào ,người chồng dùng tay đánh nhiều cái vào mặt Tứ. Chưa thỏa cơn giận, người chồng tiếp tục dùng cây chày đâm tiêu bằng gỗ đánh vào đầu vợ.
Tứ một tay bế con, một tay nhặt con dao, truy sát chồng. Người chồng tháo chạy ra ngoài phòng trọ. Tứ vội đặt con xuống đất, vội vàng cùng hàng xóm đưa chồng đi cấp cứu. Nhưng nhát dao đó đem lại đoạn kết buồn, chồng tử vong, còn Tứ bị Tòa phúc thẩm cấp cao tại TP.HCM mới đây tuyên án tù.
Suốt phiên tòa, chủ tọa nhiều lần cắt lời gia đình bị hại, vị chủ tọa nhiều lần nhắc nội quy phiên tòa, ông cũng không quên nói “Sẽ ra lệnh cảnh sát tư pháp bắt ngay ai có hành vi, cử chỉ gây mất trật tự phiên tòa”. Qua diễn biến, ai cũng thấy, gia đình chồng không còn coi Tứ là dâu, chỉ tội nghiệp cho đứa con nhỏ, chưa đủ nhận thức để biết về bi kịch gia đình.
Một phiên xử khác, cũng là án mạng bắt nguồn từ chuyện người vợ chồng dùng dao động thủ khi nói chuyện với nhau.
Trần Tiến Thắng (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân), chung sống với vợ tại quận Bình Tân.
Như bao cuộc sống vợ chồng khác, một ngày, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Người vợ của Thắng vào bếp lấy một con dao cầm trên tay. Thắng chạy theo ôm giữ vợ từ phía sau.
Trong lúc giằng co, người vợ vung dao ra phía sau đâm trúng vào bụng và ngực của Thắng rồi bỏ chạy ra ngoài.
Không phải vừa, Thắng quyết “ăn thua” với cô vợ. Anh ta vào bếp lấy con dao để trên kệ bếp đuổi theo, rồi phi thẳng con dao trúng vào ngực trái vợ, khiến vợ ngã gục xuống đất và tử vong.
Sau mạng, gia đình bên vợ có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Thắng. Và Thắng chỉ lãnh 13 năm tù.
Những đứa trẻ mang bao tội tình sau… vụ án
Nguyễn Văn Anh (34 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), kết hôn với cô vợ trẻ hơn mình gần 10 tuổi. Ngày thành duyên, nhiều người chúc phúc cho Anh, ai cũng hoan hỉ cho “số đỏ” của chú rể, đã một đời vợ, nay lại lấy cô vợ trẻ, đẹp, có ăn học, lại làm kế toán cho 1 doanh nghiệp tên tuổi.
Cưới nhau xong, cô vợ trẻ từ quận 10, TP.HCM theo chồng về Biên Hòa sinh sống, họ cũng có 1 đứa con chung. Vợ chồng cứ mâu thuẫn liên miên bởi tính hay ghen tuông của Anh. Cô vợ từng nhiều lần bế con về nhà cha mẹ ruột sống tạm.
Một thời gian sau ngày vợ bỏ về nhà cha mẹ, Anh đi hàn gắn với vợ và không quên mang theo… con dao Thái Lan. Chẳng mấy khó khăn, Anh đã hẹn được cô vợ ẵm con ra khách sạn để gặp.
Đêm hôm đó, trong một khách sạn trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Trong lúc vợ chồng tiếp tục mâu thuẫn, Anh dùng dao Thái Lan mang theo đâm một nhát trúng vào ngực trái của chị vợ, khiến chị này tử vong. Anh còn bế đứa con gái bé bỏng, đưa vào nhà tăm, xả nước vào mặt, toan giết con…
Gây án xong, Anh bỏ trốn mãi hai tuần sau mới đến công an Đồng Nai đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Mới đây, Anh bị tòa phúc thẩm cấp cao tuyên án tù chung thân. Đằng sau vụ án, ai cũng thương cho đứa trẻ con chung của hai người. Đứa trẻ đó sẽ như thế nào, khi lớn lên biết được sự thật về người cha đã giết mẹ và toan kết liễu cuộc đời nó khi nó chưa biết cuộc đời là gì.
Và dư luận cũng thường tỏ ra cảm thông, chia sẻ với những đứa trẻ trong những gia đình cha mẹ ly hôn. Mấy ai thấu hiểu hết những xót xa, cám cảnh của những đứa trẻ đằng sau những vụ án gia đình.
Trong 3 vụ án nói trên, tất cả điều có con nhỏ. Trường hợp của vợ chồng Nguyễn Văn Anh, vào thời điểm xảy ra vụ án, đứa con chung của 2 người vừa 8 tháng tuổi. Gặp người viết tại sân tòa hôm xét xử, gia đình nạn nhân nói “giọt máu của người ta (ý nói bên nội cháu bé – P.V), người ta xin nuôi, mình chấp nhận thôi”.
Vụ án Trần Tiến Thắng, gia đình bên vợ dù con gái đã tử vong, nhưng cũng chia sẻ với Thắng. Họ nói rằng con gái họ cũng có một phần lỗi và đã xin giảm hình phạt cho Thắng, với mong muốn “cho nó về sớm để nuôi con, hiện tại bên ngoại vẫn đang nuôi con nó”.
Khác với hai trường hợp trên, vụ án Phạm Thị Tứ giết chồng đã gây căm phẩn gia đình nạn nhân. Họ nói Tứ không xứng làm mẹ, cần cách ly khỏi đời sống xã hội và dứt định không giao con cho Tứ nuôi, ngay cả khi bị cáo này thụ lý xong án tù…
Sau những vụ án gia đình, những đứa trẻ có lý lịch “đen” này sẽ hội nhập vào cuộc sống xã hội ra sao?
Khi đem câu hỏi này với ngay chính một vị thẩm phán đứng ra xét xử những vụ án gia đình. Vị này lắc đầu… chào thua! Ông nói rằng, ông “thấy” hình ảnh những đứa trẻ trong lúc ông xử và ông cảm nhận “xót xa” cho những đứa trẻ này’.
Tuy nhiên, khi người viết hỏi ông, liệu những đứa trẻ bơ vơ này có tác động tới quyết định xét xử của ông hay không? vị thẩm phán chần chừ khá lâu rồi nói… “tòa xử theo luật”…
Mời quý độc giả xem thêm video (Nguồn Youtube):
Theo Phununews