Tháng tư này, chàng trai sinh năm 1975 Phạm Đình Nguyên tròn 40 tuổi. Ra đời vào thời khắc đất nước thống nhất, ở tuổi 40 chàng trai gốc Sài Gòn này đã làm được nhiều điều khiến không ít người mơ ước. Không chỉ nổi danh ở quê hương, ông giờ là chủ nhân của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford sau khi đấu giá thành công với số tiền gần 1 triệu USD.
|
Biển hiệu của thị trấn là PhinDeli với điểm nhấn là cảnh trồng, sản xuất và chế biến cà phê phong cách Việt Nam. Ảnh: P.Đ.N |
American dream - Giấc mơ Mỹ!
Bang Wyoming- miền Trung nước Mỹ một ngày đầu tháng 4 năm 2012. Tiết trời lạnh giá nhưng trên con đường độc đạo băng qua “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” Buford, nơi nối liền hai thành phố lớn NewYork và San Francisco, dòng người vẫn tấp nập kéo đến. Họ đến từ 146 quốc gia để xem và tham gia đấu giá thị trấn này. Phạm Đình Nguyên, một chàng trai người Việt nằm trong số đó.
“Hàng loạt hãng thông tấn báo chí nổi tiếng của Mỹ và các nước như BBC, CNN hay Telegraph... đã có mặt tại thị trấn nhỏ này”- Phạm Đình Nguyên kể lại hình ảnh đầu tiên mà anh nhìn thấy khi bước vào khu vực đấu giá được tổ chức bởi công ty độc lập danh giá Williams & Williams. Don Sammons, 61 tuổi- ông chủ của thị trấn Buford có tuổi gần 150 năm ra bắt tay chào đón mọi người. Không biết ai trong dòng người này sẽ được ông trao lại vùng đất. Ông là thị trưởng và là công dân duy nhất của thị trấn Buford có diện tích khoảng 10ha, sở hữu một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà nhỏ và một tiệm tạp hóa kiêm cà phê. Dù đã tìm hiểu qua mạng về thị trấn Buford trước khi tham gia đấu giá, nhưng hình ảnh thực tế ở thị trấn đã làm Phạm Đình Nguyên thấy “hụt hẫng”.
“Tôi được phụ nữ người Mỹ tốt bụng làm môi giới, hướng dẫn tận tình các thủ tục để tham gia buổi đấu giá trực tiếp thị trấn này”- Phạm Đình Nguyên kể, họ đã giúp tôi hiểu rõ hơn về Buford, nhưng thực sự tôi không hình dung được nỗi buồn khi đặt chân đến đây. Tuy nhiên, giờ nó đã khác - Nơi ấy là quê hương thứ 2 của tôi. Ông nói, từ nhỏ đã có ước mơ làm một điều gì đó. Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng marketing, ông đã trải qua nhiều công việc ở các tập đoàn lớn rồi dừng chân với công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế IDS do mình làm chủ ở TPHCM.
|
PV Tiền Phong với ông Phạm Đình Nguyên ở Sài Gòn. Ảnh: L.N |
“American dream - Giấc mơ Mỹ!”- tôi hỏi đó có phải là động lực thôi thúc ông tới đất nước hợp chủng này?”. Phạm Đình Nguyên nói ông chưa có cơ hội đến Mỹ dù rất thích từ nhỏ, cho đến khi đọc một bài báo nói về cuộc đấu giá thị trấn Buford. “Lúc ấy tôi đã rất phấn khích. Tôi quyết định tới Wyoming để trực tiếp tham gia. Đến Wyoming là một quãng đường dài đầy thử thách nhưng cuối cùng tôi cũng đã tới được đích”- Phạm Đình Nguyên tự hào và cho rằng: “Sở hữu được một chút tài sản ở quốc gia đứng đầu thế giới này là giấc mơ của tôi”.
Phiên đấu giá thị trấn đầu tiên trong lịch sử Mỹ được ông chủ Don Sammons khởi điểm với giá đưa ra là 100.000 USD. Cuộc đấu giá kết thúc sau 12 phút, cũng được cho là dài nhất lịch sử Mỹ đến hồi kết với phần thắng vào tay người Việt Phạm Đình Nguyên khi ông trả giá cho thị trấn này 900.000 USD.
Don Sammons tận tay trao lại chiếc chìa khóa tượng trưng cho doanh nhân đến từ Việt Nam với niềm vui sướng. Buford được Don Sammons mua lại năm 1980. Ông cùng vợ và con trai chuyển tới sinh sống tại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này và trở thành ông chủ kiêm thị trưởng cho đến khi phiên đấu giá diễn ra vào tháng 4 kết thúc. “32 năm nay, kể từ lúc vợ ông Don Sammons mất và con trai chuyển đi nơi khác, ông trở thành công dân duy nhất của thị trấn nhỏ. Tôi tự hào khi kế thừa phần tài sản từ tay Don”- Phạm Đình Nguyên phấn chấn.
“Quốc hồn quốc túy” trên đất Mỹ
Những tấm biển hiệu gắn với cái tên cũ đã được thay thế bằng cái PhinDeli vào ngày 3/9/2013. Phạm Đình Nguyên nói muốn gắn tên thị trấn như vậy để mọi người biết đến một thương hiệu “cà phê phin” vốn là đặc sản của người Việt. “Phin là công cụ pha cà phê của người Việt, còn Deli là Deliciuos- nghĩa là ngon. “Ly cà phê ngon”. Tôi muốn tạo ra một câu chuyện hay và hấp dẫn ở thị trấn của mình và xa hơn nữa là cả nước Mỹ”- Phạm Đình Nguyên nói về lý do đổi tên thị trấn. Ngay khi đổi tên thị trấn, một góc ở cửa hàng tiện lợi, quán cà phê PhinDeli cũng được khai trương. Trên mảng tường dài 10m, Phạm Đình Nguyên tạo nên một điểm nhấn bằng bức tranh vẽ các hoạt động trồng, thu hoạch, chế biến và thưởng thức cà phê theo phong cách Việt Nam.
|
Phạm Đình Nguyên gặp gỡ những cư dân đi qua thị trấn PhinDeli trong ngày khai trương. Ảnh: P.Đ.N |
Ngoài tên thị trấn đã thay đổi, hầu như mọi thứ vốn đã tồn tại hơn 30 năm qua của Don Sammons vẫn còn vẹn nguyên. Mã bưu chính, căn nhà ba phòng ngủ, ngôi trường cùng nguồn thu duy nhất của thị trấn là một trạm xăng và một cửa hàng tiện ích, đã được tân trang lại chút ít mang dấu ấn, phong cách Việt.
Người đàn ông 40 tuổi này nói rằng mỗi ngày có khoảng 2.000 người dừng chân tại thị trấn, một phần họ dừng lại để sở thị thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ có gì thú vị, phần khác họ đến để đổ xăng, ghé vào uống cà phê chế bằng phin miễn phí và mua các sản phẩm đến từ Việt Nam tại cửa hàng tiện lợi của ông.
Hơn một năm qua từ khi cửa hàng tiện lợi này mở trở lại, Phạm Đình Nguyên dành tâm huyết để tìm hiểu thị hiếu và đưa những sản vật được xem là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam sang thị trấn nhỏ này. Nước mắm Phú Quốc, gốm sứ Minh Long, sữa đặc Vinamilk để pha với cà phê hay đĩa nhạc của Đặng Thái Sơn, cà phê chế bằng phin, đặc sản chả giò, bánh kẹo, đặc sản các vùng hay những tập sách giới thiệu về văn hóa đất nước con người Việt Nam qua tranh ảnh...
Từ ngày Don Sammons bàn giao thị trấn lại cho Phạm Đình Nguyên, ông chủ kiêm thị trưởng khu phi hành chính này đã thuê một người Mỹ quản gia cho tất cả hoạt động của thị trấn. Người đó đã soán ngôi Don Sammons để trở thành công dân độc nhất nơi đây.
“Mọi hoạt động tại thị trấn vẫn được tôi kiểm soát dù mỗi năm tôi qua đó chỉ 1 đến 2 lần. Ở Mỹ mọi thứ rất rạch ròi, không phải lo lắng với người giúp việc cho mình” - Phạm Đình Nguyên cho hay.
Ngày đổi tên thị trấn, những cư dân sống sát với thị trấn ngồi nhâm nhi cà phê pha phin được Phạm Đình Nguyên tự tay chế. “Nhiều người trong số họ mang quà đến cám ơn tôi. Tôi thấy lạ vì thông thường mình phải tặng quà và cám ơn người ta mới đúng. Lúc ấy tôi mới biết họ cám ơn vì mình đã mở lại thị trấn sau nhiều năm Don Sammons đóng cửa”- Phạm Đình Nguyên nhớ lại.
Theo Tiền phong