Phó Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Thị Hà cho hay, độ tuổi của người bán dâm trẻ hóa, có sự tham gia của cả học sinh, sinh viên. Thu nhập trung bình của những "chân dài" này rất cao khiến tệ nạn càng phức tạp.
- Xin bà cho biết kết quả điều tra tình hình mại dâm ở ba thành phố lớn mà Cục phòng chống tệ nạn xã hội vừa điều tra?
|
Cục phó Lê Thị Hà. |
- Tình hình mại dâm tại Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng, nói chung rất phức tạp. Tồn tại ở các tụ điểm mại dâm công cộng và trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong xã hội xuất hiện các chủ doanh nghiệp thu nhập cao, có nhu cầu trao đổi. Kéo theo đó, xuất hiện lượng người mẫu, hoa khôi (hay gọi là "chân dài") bán dâm cũng gia tăng theo. Kết quả điều tra cho thấy, thu nhập của gái bán dâm rất cao, nếu tính bình quân, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân ngày càng nhiều người mẫu, diễn viên bán dâm như thời gian qua?
- Tình hình mại dâm 6 tháng đầu năm cho thấy, độ tuổi của người bán dâm trẻ hoá, có sự tham gia của cả học sinh và sinh viên. Nguyên nhân khiến người mẫu, diễn viên, hoa khôi bán dâm thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính là do thu nhập từ mỗi lần bán dâm rất cao. Các vụ việc vừa được phanh phui cho thấy, có người đẹp thu được vài nghìn USD mỗi lần bán dâm.
- Ngoài mại dâm truyền thống, mới xuất hiện cả mại dâm đồng giới. Việc này ngăn chặn và xử lý ra sao?
- Mại dâm công cộng đã giảm. Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều loại hình mại dâm mới như mại dâm đồng giới; gái bán dâm tự đứng ra môi giới, thành lập các nhóm mại dâm mà không phải các đường dây lớn.
Ngoài ra, cũng xuất hiện tình trạng bóc lột tình dục ở trẻ em; trẻ vị thành niên tham gia các đường dây mại dâm; mua dâm trẻ em... Qua sáu tháng đầu năm, mại dâm trẻ em, mua bán trẻ em vì mục đích thương mại tình dục chưa được ngăn chặn. Mại dâm và quan hệ tình dục không an toàn đang trở thành một trong những nguyên nhân chính lây truyền HIV/AIDS.
|
Hoa hậu khu vực Nam Mê Kông 2009 Võ Thị Mỹ Xuân vừa bị bắt vì bán dâm cho các đại gia |
- Theo bà, nên chăng cần tính tới việc quản lý những người làm nghề mại dâm giống như một số nước?
- Mại dâm là vấn đề xã hội và để giải quyết được vấn nạn này cần phải có giải pháp đồng bộ, có sự tham gia của toàn xã hội. Về việc quản lý mại dâm, ở Việt Nam cũng phải cần tính toán, cân nhắc kỹ trên cơ sở phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, ý thức tuân thủ pháp luật và lối sống của thế hệ trẻ, hậu quả để lại của vấn nạn mại dâm. Cho nên việc có khoanh vùng người hoạt động dâm hay không thì chúng ta còn nghiên cứu.
Kinh nghiệm giải quyết một số vấn đề như ở Thái Lan mở các show diễn, đã không quản lý được mại dâm mà cũng không giải quyết được triệt để các vấn đề xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với con người và xã hội. Theo công bố tại hội nghị phòng chống AIDS toàn cầu vừa diễn ra tại Mỹ, trên thế giới còn 160 nước có những văn bản pháp luật hạn chế mại dâm.
- Vậy cần thực hiện biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng mại dâm đang có chiều hướng tăng?
- Việc cần làm là tập trung rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng chống mại dâm; nghiên cứu hướng dẫn triển khai các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tới đây, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh phòng chống mại dâm, để bổ sung quy định nhằm phòng ngừa và xử lý đối với hình thức mại dâm đồng giới và một số hành vi mới như: kích dục, lưu trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em trên mạng, kết hợp phòng chống mại dâm với phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Tại cuộc họp báo về kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), lãnh đạo Cục này cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, qua thanh tra 26.307 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, phát hiện 8.360 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo là 3.976 cơ sở; phạt tiền 2.472 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 94 cơ sở; chuyển cơ quan chức năng xử lý 10 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm.
|
(Theo Tiền Phong)
[links()]