Chuyện huyền bí về Linh Lang Đại vương
Theo thần phả được lưu giữ tại đền Voi phục thì Linh Lang Đại vương được sinh ra trong một sự tích rất huyền bí.
|
Cổng vào đền Voi Phục. |
Chuyện kể rằng, năm 19 tuổi, mẹ Linh Lang được Vua Lý Thánh Tông để mắt tới và thầm thương cô gái xinh đẹp ở làng Bồng Lai. Bà được Nhà Vua rước về làm cung phi và xây cho một cung điện ở Thị Trại (khu vực Thủ Lệ ngày nay). 4 năm sau bà vẫn chưa có thai. Một hôm, vào ngày mùa hè nóng bức, bà cùng các cung phi, thị nữ ra tắm ở hồ Tây. Tự nhiên trời đất tối sầm, nước hồ cuộn sóng, con thuồng luồng dài hơn 10 thước xuất hiện, ôm quấn lấy bà và phun dãi dớt đầy người khiến bà hoảng sợ. Nhưng chỉ một lát sau, trời đất quang tạnh, sóng lặng gió yên, thuồng luồng cũng biến mất.
Bà trở về cung vẫn còn bàng hoàng, liền nói hết sự thật với Vua. Sau đó bà có thai, mang thai 13 tháng thì sinh được một người con trai đặt tên Hoàng Lang. Hoàng Lang khôi ngô, tuấn tú, thân hình to lớn, sau lưng có 28 vết hằn trông như vảy rồng và trên ngực có bảy hàng chấm, óng ánh như hạt ngọc...
Ba năm sau, giặc Vĩnh Trinh nổi lên làm loạn ở vùng núi phía Bắc. Quân giặc hùng hậu, ai ai cũng khiếp sợ, Nhà Vua bèn cho lập đàn cầu trời. Bỗng trên đám mây trắng có ông tiên giáng đàn bảo Vua rằng: “Thế nước gieo neo có thánh tài/Vận trời đã định há lo hoài/Nếu cầu người giỏi nơi phường Trại/Giặc Vĩnh Trinh kia chết chẳng sai”.
Vua Lý Thánh Tông đã sai người đến Thị Trại cầu người tài giỏi để giúp Vua giữ yên đất nước. Khi ấy, Hoàng Lang nghe tiếng quan rao bỗng nhiên ngồi dậy, cất tiếng gọi mẹ mời xá nhân vào và nói rằng: “Ngươi hãy mau mau về báo với Nhà Vua, xin sắm sửa cho ta một lá cờ dài 10 thước và một con voi thật lớn, rồi mang lại ngay cho ta, một mình ta đánh giặc, xin Nhà Vua đừng lo ngại gì cả”.
Nghe vậy, xá nhân về bẩm lại với Vua, Vua hết sức vui mừng, ngay hôm sau sai người mang đến đủ mọi thứ như yêu cầu cùng 5.000 binh lính chiêu mộ được, cho làm gia thần. Ở Thị Trại chọn được mười hai người và có hai tì tướng theo giúp, ngoài ra còn có các họ khác cũng xin đi theo để đánh giặc. Thế là Hoàng Lang liền nghiêng mình lắc mạnh, thân hình bỗng nhiên cao lớn đến chừng chín thước, tay cầm lá cờ lớn 10 thước nhảy lên lưng voi và vung cờ thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Con voi lồng lên chạy như bay, lao như tên bắn thẳng đến đồn giặc. Tướng giặc Vĩnh Trinh nhìn thấy sợ ngã lăn ra, quân lính thì chạy tán loạn vì khiếp sợ.
Dẹp được giặc giã, Nhà Vua vui mừng mở tiệc lớn chiêu đãi binh sĩ. Mấy tháng sau, Vua có ý định nhường ngôi cho Hoàng Lang nhưng ngài từ chối. Lúc này, Hoàng Lang bị mắc bệnh đậu mùa đã được ba tháng, không sao chữa khỏi.
Nhà Vua ngự tới cung Hoàng Lang an ủi nhưng Hoàng Lang nói: “Thần vốn không phải con Nhà Vua mà là con của Long Quân. Do thấy thế nước gian nguy nên vâng theo thiên hạ, thần thác sinh làm Hoàng tử để dẹp giặc, nay giặc giã đã dẹp yên, thần xin được trở về thủy quốc. Xin Vua cho ra Thạch Bàn ở hồ Tây, cầm lá cờ sắt tung lên trời, rồi cờ bay về phương nào, cho thần hưởng tự ở nơi đó”. Sau đó Hoàng Lang nằm trên phiến đá hoá thành một con rắn trắng rồi bò xuống hồ Tây.
|
Hình tượng voi phục ở đền Voi Phục. |
Linh Lang là một nhân thần…
Mặc dù rất nhiều thần phả về Linh Lang có cốt truyện gần giống như Thánh Gióng nhưng biên niên lịch sử Việt Nam lại khẳng định Linh Lang là một nhân thần, không phải thiên thần. Theo cuốn Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin) thì Linh Lang là con của Vua Lý Thái Tông và Hoàng phi họ Nguyễn (tên thường gọi là Hạo nương, người làng Bồng Lai).
Theo đó, Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, được đặt tên là Hoàng tử Linh Lang (tên thường gọi là Hoằng Chân). Tương truyền, Hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, Hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ). Ở tuổi 14, Linh Lang đã cùng trai tráng trong vùng chuyên cần luyện tập võ nghệ. Lớn lên, Linh Lang tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn, theo vua cha đánh giặc Chiêm Thành, đuổi giặc tới tận thành Đồ Bàn (ở Quy Nhơn, Bình Định).
Năm 1069, Linh Lang theo anh là Lý Thánh Tông tiến quân về phía Nam Hải (Bến Hải – Quảng Trị) đánh bại quân Vĩnh Trinh. Năm 1076 - 1077, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta, tướng Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy mọi lực lượng kỵ binh, bộ binh, thủy binh, giao cho Linh Lang đảm nhiệm lực lượng thủy quân, từ Vạn Xuân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt cụm quân của Chánh tướng Quách Quỳ, rồi phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt phản công mạnh mẽ vào lực lượng của phó tướng giặc là Triệu Tiết khiến cho quân Tống bị thương vong rất nhiều, không thể chống đỡ được trên tuyến sông Như Nguyệt (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) nên phải cầu hòa và rút quân về nước.
Trong trận quyết chiến này, Hoàng tử Linh Lang đã chiến đấu rất mưu lược, ngoan cường, đánh bại kẻ địch nhưng sau đó đã anh dũng hy sinh. Nhà Vua biết tin đã xúc động và ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại vương thượng đẳng tối linh thần và truyền cho tất cả những nơi Linh Lang đã đi qua đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao.
Sau này, khi nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông và nhà Lê tiễu trừ Mạc Thị, các vị tướng xuất trận tới đền thờ Linh Lang Đại vương cầu đảo và đều giành thắng lợi. Vua Trần Thái Tông hàm ơn bèn sắc phong thêm 5 chữ: “Bình Mông Vương Thượng Đẳng”. Triều Lê Trung Hưng phong thêm 8 chữ: “Phối Đồng Thiên Địa – Vạn Cổ Lưu Truyền”. Trải qua các triều đại từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn sau này đều phong ngài làm “Thượng Đẳng Thần”.
Cũng có sách lại ghi rằng, sau những chiến tích vang dội của mình, Hoàng tử Linh Lang được Nhà Vua phong thưởng rất nhiều, nhưng Ngài đều đem phần thưởng đó phân phát cho dân. Linh Lang chỉ xin Nhà Vua cho tung cờ lên, cờ bay đến đâu thì làm nhà ở đó. Cờ bay đến trại Thủ Lệ, Vua cho xây cung điện ở đó, Linh Lang ở được một thời gian ngắn thì không bệnh mà hóa (ngày 12 tháng 2 âm lịch). Nhà Vua phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương. Sắc phong cho hai làng Thụy Khuê và Thủ Lệ lập đền thờ làm Thành hoàng.
Như vậy, Hoàng tử Linh Lang đã ba lần cưỡi voi ra trận đánh tan giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Lần thứ nhất đánh giặc Chiêm Thành (năm 1044), lần thứ hai đánh giặc Vĩnh Trinh (năm 1069), lần thứ ba đánh giặc Tống (năm 1077). Đặc biệt, Hoàng tử còn có công hóa phép làm mưa, giải trừ đại hạn, giúp cho mùa màng tươi tốt. Do vậy, Linh Lang được người người yêu mến, tôn thờ và kể những câu chuyện huyền bí để thần thánh hóa vị Hoàng tử luôn cống hiến sức mình để bảo vệ bờ cõi, giữ ấm no cho dân nước Việt. Chính vì vậy, trong các ngôi đền thờ Linh Lang luôn có câu đối:
“Đông cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích
Trấn tây mãi mãi có Voi Phục, muôn thuở vững miếu thờ”.
Theo Báo Pháp Luật