Ngỡ ngàng tháp Chăm

Google News

(Kiến Thức) - Tháp Chăm là biểu tượng kiến trúc độc đáo của người Chàm, được điêu khắc rất tinh xảo xen lẫn sự sâu sắc gửi gắm trong mỗi ngôi bảo tháp kỳ diệu.

Từ thánh địa Mỹ Sơn
Từ TP Đà Nẵng, chúng tôi vượt 70 cây số là chạm đến thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam). Có thể nói, từ vạch đất này trở vào trong là những huyền bí của một nền văn hoá cổ xưa còn sót lại, mà theo đánh giá của cố GS Trần Quốc Vượng thì đó là "những linh hồn bất tử dù thân xác có nguội lạnh".
Thực tình, trước đây tôi không hiểu lắm về ý nghĩa câu nói ấy của một nhà sử học tài danh. Nhưng khi vừa đặt chân tới thánh địa Mỹ Sơn, những ngọn tháp đỏ quánh màu mật là nơi người Chàm "gửi linh hồn" mình vào đó để họ cũng được bất tử với thời gian.
Theo như lời kể của các hướng dẫn viên thì từ những năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong những di sản thế giới. Đồng thời, thánh địa Mỹ Sơn tuyệt diệu này cũng được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng ngang hàng với 22 di tích nổi tiếng khác của cả nước. 
Tháp bà Ponagar. 
Thế mới hay sự vô giá của những bảo tháp vốn là nơi tổ chức cúng tế của vua quan Chăm Pa xưa. Đồng thời, giá trị của thánh địa Mỹ Sơn còn được khẳng định qua sự so sánh với những kiệt tác khác của thế giới trong tổ hợp đền đài như Borobudur, Pagan, Angkor Wat và Ayutthaya.
Người cao niên nhất ở thánh địa Mỹ Sơn là cụ Đàng Năng Thống (99 tuổi) cũng là người gần gũi và hiểu một cách ngọn ngành về nơi này cho hay, những ngọn bảo tháp được xây vào thế kỷ thứ IV. Đây là nơi chôn cất vua chúa Chăm Pa và các thầy tu cao cấp. Ngoài ra, với người Chàm, đây còn là nơi hành hương gặp gỡ thánh thần vào mỗi dịp lễ hội.
Trên 15 thế kỷ đã trôi qua, màu thời gian cũng đã phủ rêu phong trên những ngọn bảo tháp. "Theo quy luật mọi thứ cũ đi theo thời gian, còn tháp Chăm lại thêm linh thiêng và trở nên vô giá đối với tất cả mọi người", TS Ngô Văn Doanh thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét khi nghiên cứu về thánh địa Mỹ Sơn.  
Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu Xóm Bóng, Nha Trang. 
Đến Tháp bà Ponagar
Từ thánh địa Mỹ Sơn vượt qua Quảng Ngãi, Phú Yên với một chặng đường dài nhưng chúng tôi vẫn không thấy mệt mỏi, có lẽ bởi sự háo hức khi nghe về tháp bà Ponagar toạ lạc ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hoà). Ponagar là một huyền thoại, có lẽ chỉ xếp sau Mỹ Sơn nhưng hệ thống 22 trụ tháp mà Ponagar có được thì không đâu sánh bằng.
Nha Trang thơ mộng càng thêm mộng mơ bởi bảo tháp màu mật Ponagar lấp ló bên những tán cây cổ thụ trên đồi Cù Lao ven con sông Cái hiền hòa. Nhưng từ cây cầu Xóm Bóng ngước lên, Ponagar như một lâu đài cổ vĩ đại - nơi người Mẹ xứ sở dân tộc Chăm trú ngụ trên 1.200 năm qua.
Theo truyền thuyết, nữ thần Ponagar được tạo ra bởi áng mây trời và bọt biển. Mẹ Ponagar tạo dựng sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh. Vì thế, Ponagar không bao giờ vắng bóng người Chăm. Họ đến để cúng tế, hát nhạc và dâng lên vị thần của mình những gì tinh tuý nhất.
Người dân tộc Chăm hát tế lễ dưới tháp cổ. 
Cũng giống với hệ thống kiến trúc tháp Chàm khác, Ponagar vĩ đại còn giữ nguyên được các tháp chính và tháp Đông - Tây - Nam - Bắc. Và kỳ diệu hơn là 22 trụ tháp được gọi là cột Tiền đình hay nhà tịnh tâm gây ấn tượng mạnh với bất kỳ ai bước vào.
Những cột tháp xây bằng gạch hình bát giác xếp ngay ngắn hai bên bậc thềm dẫn lên tháp chính. Cho đến nay, chưa có một lý giải thích đáng nào về ý nghĩa thật và cung cách xây dựng 22 trụ tháp ấy. Nhưng người Chăm tin rằng, đó là những cột tháp chống trời vì với họ, Ponagar là mái nhà chung của con dân Chămpa.
Ponagar còn ẩn chứa những bí mật bất ngờ về những tấm bia ký cổ khắc bằng chữ Sanskrit của Ấn Độ, chữ Chăm Pa trên đá, gạch và cả thân tượng. 20 bộ bia ký một thời bị lưu lạc nhưng đến nay được quy tụ tại Ponagar là những "nhân chứng" sống động về lịch sử, văn hoá, lai lịch vua chúa Chăm Pa xưa.
Tượng thần Ponagar. 
Kỳ thú con số 13 
Và một bí mật mà chúng tôi vô tình được nghe khi tìm hiểu về những tầng tháp Chăm độc đáo là con số 13. Với quan niệm của nhiều nơi trên thế giới, 13 là con số đen đủi nhưng với người Chăm Pa, đó lại là con số lớn nhất, thể hiện cho sự giàu có và may mắn.
Chúng tôi thắc mắc tại sao ý nghĩa con số này của người Chăm lại không được bất kỳ sổ sách nào ghi chép? Thì ra đó là một bí mật mang tính tâm linh, rằng nếu không ai hỏi thì nhất quyết không thể nói ra. Có lẽ vì thế, mà ngay cả những người Chăm sống lâu năm cũng ít biết về con số này.
Nhưng nếu tinh ý, chúng ta sẽ phát hiện ra ở những ngọn tháp Chăm có sự hiển hiện về con số may mắn ấy. Tất cả các tháp đều có thứ tự trụ vòm trên tháp từ 1 - 13. Cho đến nay, không có một ngọn tháp nào có số trụ vòm vượt trên 13 hoặc kém hơn. Đồng thời, trong 13 trụ vòm tháp ấy cũng tồn tại thiên đàng và địa ngục. Tầng cao nhất, tức là đỉnh tháp là sự ngự trị vĩnh hằng của thần thánh, tầng cuối cùng là địa ngục dành cho những kẻ gây nhiều tội ác phải bị trừng trị.
Ông Trần Văn Bình nhận trách nhiệm quản lý di tích tháp bà Ponagar đã lâu năm nhưng cũng chưa bao giờ được biết bí mật ấy. "Những bí mật về khu bảo tháp Ponagar là cả một kho cổ tích. Một trong những bí mật tôi biết mà đến nay chưa ai khai mở là những đường hầm chứa kho báu dưới chân tháp cổ", ông Bình tiết lộ.
"Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, vương quốc cổ Chăm Pa đã từ lâu không còn tồn tại. Thế nhưng, những di sản nghệ thuật và kiến trúc văn hoá mà họ để lại có giá trị đặc biệt với Việt Nam và thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà thánh địa Mỹ Sơn được đưa vào danh sách di sản văn hoá thế giới, rồi cả những tổ hợp hệ thống các tháp khác như Ponagar, Poklongarai... là những viên ngọc vô giá còn lại cần lưu giữ cẩn thận".
TS Ngô Văn Doanh
Quách Hoà