Mở nhà hàng, vợ chồng cùng… “chén”
|
Ảnh minh họa |
Sau đây là tổng kết 3 tháng kể từ lúc vợ chồng Bảo – Liên khai trương nhà hàng trên một con phố khá lớn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội để kiếm thu nhập ngoài giờ: tiền “âm” gần 400 triệu đồng, cân nặng của hai vợ chồng tăng tổng cộng 8,5 kg, ngoài ra còn một lợi ích phi vật chất là được trải nghiệm rất nhiều loại đặc sản, chế biến theo đủ kiểu ngon lành mà trước đó họ chưa từng nếm.
Vợ là biên tập viên nhà xuất bản, chồng là nhân viên IT, mấy năm nay trong khi giá cả, chi tiêu tăng vù vù thì thu nhập của họ chẳng những không tăng mà còn giảm theo đà suy thoái kinh tế. “Phi thương bất phú, phải làm ăn thôi em ạ”, Bảo bàn với vợ. “Không có gì lãi đậm bằng bán hàng ăn. Dân Việt Nam mình thích ăn, thích nhậu, mình cứ mở quán có nhiều món ngon, món độc là thắng”.
“Chỉ cần qua được 3 tháng đầu là khỏe re. Mình bạn bè nhiều, nguồn khách không thiếu, cứ thuê được đầu bếp tốt, giá hợp lý là được”, Bảo nói chắc như đinh đóng cột.
Suốt tháng khai trương, hai vợ chồng mặt mày nở nang khi nhà hàng ngày nào cũng có khách. Toàn người quen, bạn bè. Doanh thu tháng đó được 70 triệu đồng. “Vừa đủ bù chi trong tháng, nhưng ban đầu mà được như vậy thì sau này kiểu gì chả lãi”, Bảo phấn khởi. Thế nhưng đến tháng thứ hai, cả chủ lẫn nhân viên bắt đầu ngáp và đuổi ruồi. Bạn bè sau khi đến ăn ủng hộ một lượt đều không thấy quay lại. “Đang đói bỏ xừ, có lai rai thì cũng chỉ bún đậu mắm tôm thôi chứ tiền đâu mà đi ăn tôm hùm, vịt giời, lợn mán của mày”, mấy ông bạn nói.
Để thu hút khách và khuếch trương tên tuổi nhà hàng, Liên nghĩ ra chiêu bán voucher giảm giá trên mấy trang mua theo nhóm trên mạng. Một set ăn cho 2 người giá 300.000 đồng, họ chỉ bán 140.000 đồng, coi như chỉ thu tiền nguyên liệu, mắm muối, cốt để khách biết đến mình là chính. Tin quảng cáo vừa đăng lên, trong ngày đầu đã bán được mấy chục phiếu, khách gọi điện đặt bàn ầm ầm. Cả chủ lẫn nhân viên bận tíu tít. Nhưng hễ cứ phục vụ hết đợt voucher là quán lại vắng như chùa Bà Đanh.
Khách mua voucher toàn chị em văn phòng, quen tính tiết kiệm, ngoài vài chai nước khoáng ra dứt khoát không gọi thêm món gì khác. Ăn xong, họ đi săn voucher giảm giá chỗ khác chứ chẳng thèm quay lại. Mấy con vịt giời, nhím, dúi nhốt trong chuồng để gây ấn tượng với khách cứ ngày một gầy mòn. Mấy con tôm hùm bơi trong cái bể tiền triệu và trong làn nước biển mà họ phải mất cả đống tiền thuê chở về, cũng ngày một lờ đờ, dụ mãi mà chả khách nào dám ăn.
Thế là cứ vài ngày, Bảo lại sai nhân viên mang một con đặc sản ra thịt, xào nấu tưng bừng đủ món, vợ chồng cùng thưởng thức, đôi khi rủ thêm vài đứa bạn thân, gọi là cho biết của ngon vật lạ trên đời. Đồ ăn ngon không có rượu thì phí, mấy chai rượu ngoại cũng bị Bảo hứng chi khui ra nốt.
Sau 3 tháng, chủ nhà đòi tiền thuê địa điểm quý tới. Số tiền quá lớn trong khi vốn của hai vợ chồng đã gần cạn. Liên phát hoảng: “Cứ đà này, chắc phải nuôi không cái nhà hàng cả năm nữa mới có lãi, mỗi tháng mất mấy chục triệu, mà nhà mình cạn vốn mất rồi, còn hơn trăm triệu đồng phải để dành phòng thân kẻo con ốm con đau chẳng biết dựa vào đâu”. Bàn đi tính lại, họ quyết định giải tán, mất toi gần 400 triệu đồng đầu tư.
Kem dưỡng da mặt, mời cả họ bôi… chân
Không hoành tráng như vợ chồng Liên – Bảo, Thủy quyết định buôn bán “cò con” để kiếm thêm chút tiền mắm muối dưa cà. Hùa theo phong trào kinh doanh qua mạng đồ dùng làm đẹp cho phụ nữ, cô quyết định nhập mỹ phẩm Hàn Quốc về bán, nhân dịp có người quen giới thiệu mối hàng xách tay.
Thủy mở các topic của mình trên vài trang bán hàng online, cập nhật lên cả Facebook. Để hút khách, cô quyết định ăn lãi thật ít, thế nhưng ngoài bạn bè, người quen mua cho vài món, còn thì rất ít khi có khách lạ. “Giá bán em ghi rõ ràng dưới ảnh mỗi sản phẩm mà khách cứ vào mặc cả, rồi chê đắt hơn chỗ khác. Em không hiểu nổi sao người ta có thể bán rẻ hơn cả giá em nhập như thế”, Thủy than thở.
Nghiên cứu kỹ hơn, Thủy nhận ra những người bán rẻ đó nhập hàng từ nguồn không đáng tin cậy, nói thẳng ra là hàng fake. Khi có khách thắc mắc về giá trên topic của mình, cô giải thích y như vậy. Dù Thủy không nêu đích danh ai nhưng ngay lập tức, cả mấy đối thủ kia lôi cả họ hàng hang hốc ra hè nhau “ném đá” cô. Chủ đề bán hàng của Thủy tràn ngập những câu mắng mỏ, lăng mạ và bôi nhọ.
“Lúc đầu em không hiểu tại sao nhiều nick không bán hàng, không thù oán gì em mà cứ mắng em, vu oan cho em không kể gì lý lẽ, sau mới biết đó đều là chân gỗ của những kẻ cạnh tranh kia. Họ đánh hội đồng một hồi, hóa ra em lại là kẻ bán hàng giả với giá cao. Khách hàng bị họ làm cho rối tinh rối mù, chả biết tin ai, nên tốt nhất là chạy cho nó lành. Em chả còn khách nữa”, Thủy kể.
Uất ức mà không làm gì được, suốt cả tuần, tối nào Thủy cũng khóc. Cuối cùng cô quyết định “dẹp tiệm”, hàng còn lại bán lỗ nốt cho xong. Nhưng vừa đăng giá thanh lý rẻ bèo, các đối thủ cạnh tranh càng được thể xông vào bảo cô lòi đuôi bán hàng giả. Tức mình, Thủy không thanh lý nữa. Người quen ai mua giúp hộp nào thì mua, chỗ còn lại cô đem cho hết, lại phát cho cả hai bên nội ngoại. Thế là họ hàng của Thủy nhiều người cả đời không sờ đến mỹ phẩm cũng tranh thủ bôi quệt cho đỡ phí. Kem dưỡng da mặt, họ đem ra bôi cả chân tay mà mãi vẫn không hết.
Cũng tập tọng bán hàng xách tay nhưng Mai Trang không bó hẹp trong mỹ phẩm mà còn nhập cả thực phẩm chức năng, thuốc bổ… Được cái cô có nguồn hàng rẻ nên bán giá mềm, khách cũng khá đông. Nhưng chỉ được vài tháng, một khách hàng phản ánh trên mạng là bôi kem, đánh phấn của cô bị dị ứng. Mấy người khác vào nói mình cũng bị tương tự.
Chuyện đâm ra ồn ào, dù Trang khẳng định cô làm ăn tử tế, không bán rẻ lương tâm vì mấy đồng tiền còm. Mấy ngày sau, một trong những người tố cáo đưa ra bằng chứng hàng của cô là giả, kèm theo cả ảnh chụp hàng thật, so sánh từng chi tiết trên nhãn mác. Người này còn đăng lên cả email phản hồi của hãng sản xuất chứng minh điều đó. Trang trở thành tội đồ. Cô tá hỏa điều tra về nguồn hàng mình vẫn nhập, mới hay đó cũng chỉ là một “lò” cung cấp hàng giả dưới cái mác xách tay.
Trang tâm sự: “Em hỏi một chị cũng bán hàng trên mạng, vốn hay qua lại up bài giúp nhau. Khi biết em nhập hàng của ai, chị ấy kêu trời ơi sao ngốc vậy, chỗ đó thì chị em buôn bán trên này ai chẳng biết là hàng fake. Chị ấy bảo nhiều người cũng nhập về bán, nhưng biết rõ đó là hàng giả, cố ý lừa khách hàng, chứ ai như em, đi buôn mà hàng của mình giả hay thật cũng không biết, bị chửi cũng đáng lắm”.
Vụ đó, Trang phải muối mặt xin lỗi khách hàng, giải thích sự nhầm lẫn của mình. Cũng có vài người thông cảm, nhưng đa số phản hồi vẫn là “ném đá”. Họ không tin cô, cho rằng cô hết đường chối cãi thì phải kiếm người để đổ tội. Sau khi mất một đống tiền để trả lại cho những khách đã mua mà không cứu vãn được danh dự, Trang tự nhủ từ nay cạch đến già chuyện buôn bán, phải biết phận mình, đã lớ ngớ thì đừng có học đòi kinh doanh.
Đúng là kiếm được đồng tiền chẳng dễ chút nào. Song cũng không phải ai cũng thất bại. Cũng có một số người thành công rực rỡ với công cuộc đi buôn, kiếm thêm thu nhập của mình.
Thành công nhờ đam mê kiếm tiền
Là một 9X bỏ việc đi buôn đã thu được nhiều thành công nhất định, Phạm Thùy Dung (24 tuổi, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Hà Nội, chủ một shop hàng phụ kiện thời trang trên phố Giảng Võ) chia sẻ, bí quyết lớn nhất để thành công chính là phải yêu thích và kiên trì với nghề mình chọn và đặc biệt phải có đam mê kiếm tiền. Tốt nghiệp đại học, Dung vào làm ở một công ty truyền thông. Nhưng chỉ vài tháng sau, cô nàng cảm thấy mất dần hứng thú với công việc do áp lực nên đã viết đơn nghỉ việc để mở cửa hàng kinh doanh.
Nhờ vốn ăn nói, con mắt thẩm mỹ tốt bắt kịp xu hướng của giới trẻ và một chút may mắn, Dung đã biến cửa hàng be bé của mình trở thành một trong những điểm mua sắm yêu thích của dân teen và nhiều chị em công sở. Đến giờ thu nhập của Dung đã ổn định với mức thu khoảng 30 - 35 triệu/tháng.
“Lúc mới bỏ việc, em cũng gặp nhiều áp lực từ mọi phía, cũng mệt với những bài ca của bố mẹ lắm. Nhưng em rất thích nghề thời trang. Hồi đi học, em cũng hay ngồi hí hoáy vẽ mẫu quần áo váy ngắn váy dài lắm. Bây giờ mở cửa hàng, em bán cả hàng nhập khẩu, hàng trong nước và hàng tự tay thiết kế và may lấy. Thời gian đầu thì đúng là vất vả thật, tự tay làm hết mọi thứ. Nhưng giờ em có thêm một nhân viên, hai chị em cùng nhau làm. Có thời điểm khách đặt hàng đông, em làm không xuể, gần 1 giờ sáng mới đi ngủ”, Dung cười nói.
Những ngày đó, đối với Dung thì dù mệt nhưng vô cùng hạnh phúc bởi doanh thu bán hàng tăng vọt. Khách mua hàng online cũng nhiều. Khi đã đủ mức độ tin tưởng, nhiều khách ở xa cũng chỉ cần chuyển khoản rồi Dung thuê ship hàng tới tận nơi.
“Hiện giờ cửa hàng nhiều, muôn màu muôn vẻ, nếu mình không có gì độc đáo để cạnh tranh thì khó “sống sót” lắm. Em cũng là đứa tham kiếm tiền (cười), cứ có khách đặt hàng là em gấp rút may trong đêm, không có vải thì sáng hôm sau em đã vội vã đi lấy, để kịp ngày hẹn của khách. Nhiều khi họ không tới lấy đúng hẹn được, nhưng nếu mình giao trễ thì cảm thấy có lỗi lắm”, Dung thật lòng chia sẻ.
Dung kể, cô nàng cũng gặp không ít phiền phức bởi nhiều khách rất khó tính. Họ đòi hỏi rất nhiều, thêm cái này, bớt cái kia, chê bai đủ thứ. Thậm chí có khách tới cửa hàng, thử đi thử lại hàng chục bộ nhưng cuối cùng chẳng mua thứ gì. Dung vẫn cười tiễn chân họ một cách vui vẻ và hẹn lần sau hy vọng có mẫu họ ưng ý. Cô nàng cũng nói, cuộc sống dạy cho Dung biết cách để làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nếu mình không như vậy, có thể sẽ đánh mất khách hàng tiềm năng trong chốc lát.
Thành công của Dung khiến những người từng là đồng nghiệp cũng phải tấm tắc khen ngợi. Bởi một cô gái trẻ như vậy, giữa xã hội thất nghiệp đầy rẫy, mà lại dám bỏ việc để chuyển hướng kinh doanh, đúng là một con người có quyết tâm phi thường. Đến mẹ của Dung hiện giờ nhìn con gái ổn định được như vậy, cũng không càm ràm gì nữa.
Theo LA/Phununews