Với thâm niên chơi đồ cổ trên 30 năm, ông Nguyễn Ẩn, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận nổi tiếng khắp vùng vì "máu" chơi đồ cổ không ai sánh bằng.
Bị lừa vẫn "máu" chơi đồ cổ
Chúng tôi tình cờ tạt ngang qua ngôi nhà nhỏ của lão nông Nguyễn Ẩn nằm bên QL 1A, cạnh ba tháp Chăm cổ để tránh cái nắng như rang của dải đất miền Trung giữa buổi thu tàn. Căn nhà chỉ rộng chừng 2 gian nhưng được trưng bày rất nhiều đồ cổ, từ những chiếc vòng, chiếc nhẫn với nhiều chất liệu như đá, đồng, bạc cho đến những tượng linga, tượng trâu, bò bằng đất nung, đồng... tất thảy đều được ông để hết ở đây.
Hỏi ra mới biết, những đồ vật cổ này được ông Ẩn cất công sưu tầm suốt hơn 30 năm trời. Câu chuyện bén duyên với đồ cổ có lẽ phải kể đến thời gian năm 1981, lúc đó, ở vùng Bắc Phong rộ lên phong trào đào đầm nuôi tôm. Hồi đó, người dân tộc Rắc Lây trong lúc đào đầm tôm đã vô tình khai quật được những thứ đồ cổ như ốp tay đồng, mũi tên đồng, tượng linga bằng gốm...
Có vài người đào được đồ cổ liền vứt đi, ông đi ngang qua thấy lạ nên nhặt về vứt vào góc bếp, thỉnh thoảng lôi ra xem. Hành động tò mò của ông dần trở thành thói quen, hễ nghe nói nhà ai đào được đồ cổ là ông đến xem bằng được, xin họ không cho thì gạ mua hoặc đổi lấy thóc... Mặc dù lúc đó ông cũng chẳng biết những thứ đồ mục nát kia có giá trị thế nào, mà chính ông cũng không quan tâm đến điều đó, chỉ đơn giản là tậu về chơi như người ta vẫn chơi cây cảnh, chơi chim.
|
Ông Ẩn bên một bình gốm cổ. |
Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Ẩn dần trở nên rôm rả, vài người dân xung quanh cũng kéo tới tụ tập uống trà, đàm luận về đồ cổ, ai cũng tỏ ra khoái chí, tiếng cười ồn ã náo động một góc làng Ba Tháp. Một người hàng xóm của ông Ẩn khoái chí bảo: "Thế ổng đã kể cho các chú nghe vô số lần bị lừa chưa?". Không để cho hảo hữu nói hết ý, ông Ẩn cắt lời: "Tôi bị lừa nhiều lắm! Đó là cái thời từ khoảng năm 1996 trở lại đây, khi đó phong trào chơi đồ cổ đã bắt đầu rầm rộ, dân nhiều nơi nghe tiếng tôi thu mua đồ cổ liền đem đến bán, thậm chí họ còn làm giả rồi bán cho mình.
Chẳng hạn như tôi đã mua phải một cái vòng giả làm bằng đồng, người ta đem cái vòng đó chôn xuống đất một, hai năm cho cái vòng có vẻ cổ đi rồi đem bán cho mình với giá cao, vì hồi đó chưa hiểu biết lắm về đồ cổ thì mua vậy, sau này tôi bán lại cho dân chơi đồ cổ thực thụ thì mới biết đó là hàng giả, rồi họ mách tôi cách phân biệt đồ thật, đồ giả... ấy thế mà vẫn cứ bị lừa dài dài. Nhưng... tôi vẫn khoái chơi đồ cổ, càng say mê mấy cái thứ này thì lại càng phải học tập để có thể nhận dạng, phân biệt được hàng thật hàng giả".
Câu chuyện của những lão nông mê đồ cổ cứ giòn giã, cứ kéo dài như vô tận. ông Ẩn tiếp cục đà cao hứng kể về mấy vụ bị cánh thanh niên nghiện ngập đem đồ cổ đến lừa, chúng đưa cho ông vài chiếc lư đồng, vài đồng bạc giả rồi gằm ghè đòi giá rất cao. Vừa trông thấy những món đồ vớ vẩn đó, mặt ông đã dằn dữ, ánh mắt sắc như dao, đỏ lừ như mãnh hổ găm thẳng ánh nhìn vào mặt quân lừa đảo, tay rút điện thoại gọi cảnh sát đến bắt. Khiếp sợ trước tinh uy của ông, mấy gã nghiện thi nhau bỏ chạy, từ đó không dám bén mảng đến mồi chài ông mua đồ cổ nữa.
Thấy chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn những món đồ cổ, nào rìu đá, rìu đồng, nào tên đồng, nhẫn đá... ông Ẩn liền đặt vội chén trà uống dở trên môi xuống rồi lấy chìa khóa mở tủ lôi những món đồ mới tậu được ra khoe, đó là một chiếc vòng tay bằng đồng của một người dân khác trong làng đào được cách đây vài tháng đem bán cho ông với giá 200.000đ. Không ngờ, chỉ vài hôm sau khi một đoàn cán bộ của Bảo tàng Hà Nội ghé qua chơi có người trả 1,5 triệu đồng. Vậy là lãi to, ông có thêm tiền để gửi cho con cái ăn học nơi phồn hoa phố thị.
|
Linga bằng đất nung khai quật được ở làng Ba Tháp. |
Bán bò thật, mua bò giả
Cách đây gần chục năm, ông Nguyễn Ẩn đem cả gia tài của mình là một con bò đực mộng đi đổi lấy một con bò giả. Ông Ẩn kể lại: "Hồi đó tôi thấy mấy người Rắc Lây đào được con bò bằng đồng bé như nắm tay mà mê quá, trong túi thì không còn lấy một xu, nếu mình không mua sợ người khác nẫng mất, thế là tôi liền dắt con bò đực mộng đi bán với giá gần chục triệu, tiền thu được tôi đem mua con bò đồng. Đến tối vợ đi làm ruộng về thấy bò không còn trong chuồng nữa thì té tát đi tìm, tôi bảo là bán mua bò giả rồi. Chỉ nghe có vậy bà ấy đã tru lên, khiến tôi sau đó cũng nghi ngờ chính sự quyết đoán của mình, không biết làm vậy có thiệt không nữa. Mãi mấy năm sau nhà tôi mới lại dồn tiền mua được con bò khác để cày cấy, vợ, con đỡ vất vả".
Con bò giả nằm trong nhà ông Ẩn gần 10 năm, suốt thời gian đó, ông vẫn chưa hết nghi ngờ về độ thật giả của con bò bằng đồng đến đâu. Rồi đầu năm 2013, một đoàn công tác của Bảo tàng Hà Nội ghé vào nhà ông xem đồ cổ, sau đó một người nói là giáo sư khảo cổ đã mua lại con bò với giá rất cao, ông thở phào nhẹ nhõm vì giá trị của con bò giả đã được khẳng định. Khi chúng tôi hỏi về số tiền cụ thể thu được, ông Ẩn tỏ ra ỡm ờ, ông bảo: "Cái đó cho tôi giữ bí mật vì nhiều lý do không chỉ cho riêng tôi", thế nhưng theo một số người dân xung quanh thì con bò giả đó đã được ông bán với giá khoảng 40 - 50 triệu đồng.
|
Một chiếc vòng bằng đồng ông Ẩn vừa tậu được. |
Theo ông Ẩn thì việc bán con bò giả bằng đồng với giá cao là cái gì đó rất đột biến kể từ khi ông sưu tầm đồ cổ năm 1981, vì từ trước đến nay, người ta thường săn lùng những món đồ dùng của vua chúa, quan chức ngày xưa, còn những thứ như con trâu, con bò... là thuộc tầng lớp nông dân, không thể hiện được đẳng cấp, độ chơi của dân đồ cổ.
Mặc dù đã hơn 30 năm sưu tầm đồ cổ, nhưng lão nông xứ Ba Tháp vẫn phải thừa nhận: "Nhiều khi tôi thấy đồ hay, độc đáo thì mua vậy chứ thực tình chẳng biết giá trị thực của nó đến đâu, lịch sử của nó cũng rất mơ hồ hoặc không biết, sau này, nghe mấy ông giáo sư giải thích ý nghĩa của từng món đồ cổ thì lòng dạ mới sáng tỏ. Khi có người hỏi mua thì tôi cứ bán, ai trả giá cao hơn thì bán cho người đó. Hằng ngày, để tránh mua phải hàng giả, tôi thường chỉ mua đồ của những người nông dân chân chất, chứ không mua lại của cánh lái buôn, vì nhiều người trong đám này làm ăn lừa lọc, tôi bị lừa mãi rồi nên phải cạch mặt".
"Hiện tôi đã đem gần hết những thứ đồ cổ sưu tầm trong hơn 30 năm qua ra bán, ai mua cái gì tôi bán cái đó, đôi khi còn cho hoặc tặng người có tâm huyết với đồ cổ. Tôi già rồi, giữ lại cũng chẳng để làm gì nên bán đi lấy tiền chi tiêu trong gia đình".
Ông Nguyễn Ẩn
Dương Hòa