Lớp học bên cái ao bèo cạnh... Phú Mỹ Hưng

Google News

Bên kia ánh hào quang của khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại và đẹp nhất nhì Việt Nam, những đứa trẻ địa phương túm tụm chơi với nhau...

Bên kia ánh hào quang của khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại và đẹp nhất nhì Việt Nam, những đứa trẻ địa phương túm tụm chơi với nhau bên những cái ao nhỏ xíu còn sót lại và không biết chữ.

Những ngôi trường trong quận đã nô nức khai giảng năm học mới, riêng 3 lớp học của bà Năm không kèn không trống lặng lẽ lôi bàn ghế ra bên cái ao bèo. Năm học 2012-1013 của con em công nhân nghèo bắt đầu bằng việc chia nhau những cây bút cũ và từng cuốn vở nhàu nhĩ.

"Bà Năm dạy cháu với!"

Khu phố 4, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM có lẽ điển hình cho một sự phát triển không đều của quá trình đô thị hóa. Cánh đồng của làng đã được trưng thu để xây dựng nên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại và đẹp nhất nhì Việt Nam.

Những người dân bản địa giờ đây sống co cụm lại trong xóm nhỏ của họ, đường sá quanh co, cây cỏ còn vương sót lại với vô số muỗi và sình lầy.

Một đường điện cao áp chạy bổ qua xóm và có lẽ đó là dấu hiệu duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của thời đại điện khí hóa ở xóm nghèo này.

Bà Năm dạy lớp hai…
Bà Năm dạy lớp hai…
Bố mẹ bọn nhỏ thường xé hàng rào người ta dựng lên ngăn làng với Khu đô thị, để sang Phú Mỹ Hưng làm phụ hồ, lượm rác, cắt cỏ trong các tòa biệt thự hàng triệu đô la và quét dọn những ngôi trường được xây như thư viện khổng lồ.

Họ thường kể cho nhau nghe về lễ hội cầu mùa, về cánh đồng xưa của làng mênh mông thơm ngát mùi lúa non như thế nào. Tất cả giờ đây đã thành cổ tích. Trong khi đó, con cái của họ ở nhà túm tụm chơi với nhau bên những cái ao nhỏ xíu còn sót lại và không biết chữ.

Cách đây 3 năm, có cặp vợ chồng đi làm phụ hồ đem con gửi cho bà Năm, một cô giáo mới về hưu. Họ nói: “Chúng cháu không có đủ tiền cho các cháu đi học ở trường bà ạ. Nhờ bà Năm dạy cho các cháu được chữ nào hay chữ nấy”.

Bà Năm, tên thật là Nguyễn Thị Lan, ở khu phố 4, phường Tân Phú. Bà gầy yếu, lại đang nuôi cháu nội một tuổi, nhưng là cô giáo nên bà không nỡ từ chối một lời nhờ vả như thế.

Bà kể: “Không ngờ người này đồn đại với người kia, sáng sớm tôi mở cửa ra, trời ơi, vài chục đứa con nít đứng chờ sẵn và đồng thanh nói: Bà Năm dạy cho cháu với!”.

… rồi chạy qua dạy lớp vỡ lòng
… rồi chạy qua dạy lớp vỡ lòng

 

Nhà của bà Năm nhanh chóng quá tải bởi những đứa học sinh lem luốc nhưng hiếu học kéo tới đầy nhà. Chúng phải chờ khi nào bà ru xong đứa cháu nội ngủ thì mới rón rén vào học. Chẳng còn cách nào khác, bà Năm đến nhà ông tổ trưởng xin trợ giúp.

Ông này sinh hoạt cùng tổ dân phố với bên Phú Mỹ Hưng, nhưng nhà ông thì không lấy gì làm khá giả, chỉ lợp mái bằng, nhưng còn được mảnh sân khá rộng, nơi vợ ông bán hàng tạp hóa linh tinh cạnh cái ao tù. Vợ chồng ông bèn cho bà Năm mượn cái sân. Kể từ đó lớp học bà Năm ngày càng thêm sức hút.

Con muốn biết chữ

Bà Năm chia bọn trẻ ra ba trình độ, vỡ lòng, lớp một và lớp hai. Mỗi lớp có hơn chục học sinh.

Cháu ông tổ trưởng đang học lớp vỡ lòng. Đứa bé thể hình khá nhỏ nhưng nhanh nhẹn. Ông tổ trưởng tên Trần Văn Út nói: “Phường có trường mầm non nhưng quá tải. Tôi bèn gửi cháu vào đây, cho biết chữ, để sang năm xin vào lớp một”.

Ông nói thêm: “Các cháu theo học không chỉ ở tổ 27 này mà còn đến từ mấy tổ dân cư khác”.

Bé Thi 10 tuổi đã ra dáng vẻ thiếu nhi rồi nhưng cũng học lớp vỡ lòng. “Bố cháu làm thợ hồ còn mẹ đi quét rác”- bé nói.
Bé Thi 10 tuổi đang học lớp vỡ lòng.
Bé Thi 10 tuổi đang học lớp vỡ lòng.
Ông Út bảo tôi: “Hệ thống giáo dục giờ nhận theo độ tuổi. Gia đình nào khó khăn, các cháu không đến trường vài ba năm thì bị quá tuổi, nhà trường không nhận nữa”.

Ông bảo: “Phường cũng có lớp học tình thương, nhưng lại ở khá xa, các cháu đều còn nhỏ nên không tự đi đến lớp được”.

Đầu năm học, ở các trường giáo viên mặc áo dài trang điểm đẹp, riêng bà Năm ăn mặc đồ giản dị kiểu ở nhà, đi tới đi lui vừa trông vừa dạy bọn trẻ.

Bà Năm nói với tôi: “Các cháu học ở đây đều con em Sài Gòn, chỉ số ít các em là người ngoại tỉnh”.

Tú, 13 tuổi, đang theo học trình độ lớp hai. Tú đi học đeo ba lô, mặc áo phông in chữ cỡ lớn. Tú nói: “Hồi trước con đi học trường của phường, nhưng làm biếng bỏ học. Giờ con muốn biết chữ”.

Bố của Tú làm bảo vệ còn mẹ làm nghề quét dọn. Công việc nhiều nên họ không kèm cho Tú đến lớp thường xuyên được khiến việc học của cháu bị lỡ cỡ.

Hai chị em Trúc và Thắm người Kiên Giang, bố mẹ lên thành phố kiếm sống. Hai chị em cùng học lớp hai, cô chị đã 14 tuổi nên ngồi bàn sau, cô em ngồi bàn trước. Thỉnh thoảng cô chị chạy lên chỉ bảo cho em mình.

Tôi hỏi bà Năm: “Ngày 5/9 cả nước khai giảng, lớp học của bà có khai giảng không?”. Bà Năm lắc đầu: “Chúng tôi còn vất vả quá nên chưa nghĩ đến chuyện khai giảng. Cho các cháu nghỉ hè 2 tuần, bây giờ cho các cháu học lại. Đang lo vận động sách bút cho các cháu”.

Cô giáo ở đâu

Lớp học của bà Năm đã nhận được một vài sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện thông qua lực lượng thanh niên tình nguyện ở địa phương. Lớp đã có được một số bàn ghế và hai tấm vải bạt lớn để học vào mùa mưa.

Ba lớp học nhưng phải học ba ca, bởi nhiều hôm bà Năm mệt quá không “chạy sô” nổi. Ông Út kể: “Học ca đêm từ 6 giờ tới 8 giờ tối. Các cháu kêu: bà Năm ơi, muỗi quá. Thế là phải mua một cái quạt để xua muỗi”.

Bút, vở, sách giáo khoa đều đi xin từ các gia đình và các trường trong vùng. Tất cả đem về cho vào cái tủ nhỏ khóa lại. Thỉnh thoảng bà Năm lại lấy giấy bút ra và bảo: “Bà Năm cho con”.

Bọn trẻ mừng rỡ cầm lấy những cuốn vở đã ố vàng. Bà Năm dạy cho lớp hai bài tập đọc. Dưới cái mái lều trống hoác bên ao bèo, trên đầu treo lồng chim dưới chân đàn chó chạy, có những đứa học trò bồng cả em đến lớp để được học. Chúng đồng thanh đọc: “Lớp ta hôm nay sạch sẽ quá”.

Trong khi bọn nhỏ tập đọc, bà Năm chạy sang lớp vỡ lòng ở nhà kế bên. Bọn nhỏ quần tụ bên hai cái bàn, dưới tấm ni lông căng trước cửa ngôi nhà nhỏ.

Bà Năm dạy cho chúng bài cách giữ vệ sinh bàn tay. Tôi hỏi: “Thế lớp 1 học ở đâu?”. Bà Năm bảo: “Mình tôi dạy không xuể, ngày mai lớp 1 mới học”.

Thỉnh thoảng các sinh viên tình nguyện đến giúp bà Năm đứng lớp. Họ còn nhiều việc, nhà lại xa xôi, bữa đến bữa không. Mọi thù lao, kể cả tiền đổ xăng cho giáo viên, cũng không có.

Bà Năm nhận dạy chỉ vì “không thể để các cháu đứng ngoài cửa cả ngày” chứ bà không phải nhà tài trợ. Bà không giàu có gì: “Ban đầu tôi chỉ nhận dạy hai đứa thôi”. Giờ bà không biết phải làm sao, bọn trẻ ngày càng đông và càng say sưa học. Chúng không muốn nghỉ buổi học nào. Do thiếu giáo viên nên bà Năm chỉ cho các lớp học cách nhật.

“Sau hè, hiện giờ chỉ còn cô Thủy Tiên và thầy Thuận nhận dạy. Cô Thủy Tiên sắp tới cũng nghỉ do bận việc cơ quan – bà Năm nói với tôi - Chú có cách gì đăng tin lên, tìm giáo viên giùm các cháu”.

Ông Út thì lưu ý: “Anh phải ghi rõ cần tìm giáo viên dạy từ thiện, hoàn toàn không có tiền thu nhập gì nhé. Lớp học không thu của bố mẹ các cháu đồng nào cả”.

(Theo Tiền Phong)