Xứ sở Tây Nguyên huyền bí không những được thu hút bởi những nóc nhà rông, nhà dài, cồng chiêng quanh ngọn lửa, mà còn bởi liên hoàn tuyệt thác khắp các buôn làng ẩn sâu trong cánh rừng già.
Thác chung thủy
Đó là ngọn tác tuyệt diệu có tên gọi chính thức là Đray Sap ở xã Nam Hà, huyện Krông Nô. Theo tiếng Ê đê, Đray Sáp có nghĩa là sương khói bởi vẻ đẹp ẩn hiện trong làn sương trắng bao phủ khắp ngọn thác và cây cỏ.
Có thể nói, tất cả các ngọn thác của Tây nguyên đều gắn với một truyền thuyết lạ. Thác Đray Sap cũng vậy, thác là biểu tượng tình yêu chung thủy của nàng H'mi và người yêu. Nàng H'mi là thiếu nữ Êđê xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai hiền lành, nghèo khổ. Ai đến với nàng cũng đều bị cự tuyệt nhưng con quái vật lại quyết bắt được nàng.
Một hôm, trong lúc nàng H'mi đi vào rừng hái củi thì bất ngờ con quái vật xuất hiện. Từ trên cao, nó lao xuống dùng chiếc miệng hút nước sông, quật mạnh tạo thành một cột nước khổng lồ quét nàng theo. Chàng trai thương người yêu nên ngồi khóc một mình cho đến khi kiệt sức mới hóa thân thành cây bám rễ vào tảng đá.
Thác Đray Sap cao khoảng 50m và trải dài chặn ngang dòng sông Sêrêpôk huyền thoại. Nhiều người nhận định đây là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Thác chung thuỷ cũng là nơi mà các du khách tìm đến để cảm nhận những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đó là cảm giác phiêu lưu khi đi bộ dưới tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Rồi sự hồi hộp đến nghẹt thở khi vượt qua bãi đá rêu phong giữa lòng suối. Những ai ưa mạo hiểm có thể leo trèo luồn lách hoặc quăng mình dưới các hốc đá lởm chởm phía bên trong các hang động kỳ bí.
|
Vẻ đẹp của thác Đray Sap. |
Thác tẽ sợi chỉ
Nằm trên địa phận xã Đăk R'Til, huyện Tuy Đức, thác Đăk G'Lun tuyệt đẹp trải dài ở độ cao gần 60m rồi tẽ ra thành những dòng nước thả xuống trắng xoá trên vách đá. Dòng thác trông xa như những sợi chỉ nên bà con dân tộc địa phương quen gọi với cái tên thác Chỉ.
Thác Chỉ không mạnh mẽ ồn ào nhưng duyên dáng hấp dẫn vô cùng. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn bằng phẳng trông như những tấm thảm trải rộng để các dòng chảy ngày đêm đi qua bào mòn xuyên cả cánh rừng rậm. Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với đủ mọi kiểu dáng và hình dạng. Vì thế, khi thác đổ xuống tạo ra những âm thanh điệu đàng khó tả.
Thác Chỉ khiến những người ưa vẻ đẹp dịu dàng cảm thấy thanh bình tinh khiết hơn khi chiêm ngắm. Điều đó lại khác với thác Len Gun mới được phát hiện ở Đăk Nông. Ngọn thác đó còn có tên gọi khác là Bảy Tầng, vì dòng nước phải chảy qua bảy tầng đá cao trước khi đổ mình xuống dòng suối mẹ phía cánh rừng nguyên sinh.
Thác Bảy Tầng được phát hiện bởi những kiểm lâm viên. Trong một lần tuần rừng, họ khát nước mà lại nghe thấy tiếng nước chảy nhưng tìm cả ngày cũng không phát hiện ra. Mãi sau này người ta mới biết âm thanh của thác chảy qua bảy tầng nên không cố định khu vực. Các kiểm lâm cũng thú nhận, từ ngày phát hiện ra họ mới đặt chân đến vài ba lần vì thác nằm ở nơi quá heo hút.
Muốn khám phá một phần cụm thác này, bắt buộc chúng tôi phải sử dụng xe máy kết hợp đi bộ xuyên rừng với tổng chiều dài gần 20 cây số. Anh hướng dẫn viên tên Quang, đồng thời là kiểm lâm nhận định: "Ai cũng khẳng định ngọn thác quá đẹp. Tuy nhiên, chỉ có thể đi một lần mà không dám có lần hai vì đường đi quá xa".
|
Dòng nước như sợi chỉ trắng của thác Đăk G'Lun. |
Thác của những trinh nữ
Và một ngọn thác tuyệt diệu nữa của Tây Nguyên có tên là thác Trinh Nữ ở địa phận huyện Cư Jút mang vẻ đẹp thuần khiết mà người ta biết đến 10 năm nay. Thác chảy miệt mài êm ả trên dòng sông Krông Ana và được công nhận là Công viên đá địa chất quốc gia.
Các già làng ở Cư Jút kể rằng, xưa kia có chàng trai và cô gái sống ở hai buôn làng Êđê cạnh nhau và đem lòng yêu tha thiết. Họ thề non hẹn biển sẽ sống với nhau tới ngày cái tóc trên đầu trắng xoá như bọt nước. Thế nhưng, điều trắc trở xảy ra khiến hai làng thù ghét nhau muôn đời. Luật buôn làng rất nghiêm khiến những người yêu làng bên kia sẽ bị xử nặng như tên ăn trộm phải ngâm mình dưới nước cho đến khi chết.
Không tìm ra lối thoát cho mối tình, cô gái đã gieo mình xuống thác nước sau bao chiều thẫn thờ trông ngóng bóng hình chàng trai. Cái chết ấy của nàng đã thức tỉnh hai làng khỏi những thù ghét. Những uẩn khúc khổ đau trong lòng người con gái cũng tung bọt trắng xoá cho đến bây giờ không tan đi được.
Chẳng biết vì tò mò muốn tìm đến tận nơi để được nghe huyền thoại tình yêu hay vì cảnh đẹp nên thơ mà thác Trinh Nữ luôn cuốn hút du khách gần xa. Khuất sau những vách đá kín đáo còn có cả một bãi tắm trong vắt, mát lành. Các già làng bảo, nếu muốn các bạn có thể tắm theo kiểu của người Êđê: Tắm tiên.
Người Êđê cho rằng, đến thác Trinh Nữ để tắm tiên là gột bỏ ưu sầu, thù hận. Có lẽ vì thế, mà bao đời nay thác luôn là điểm đến cầu duyên và sự may mắn của những thiếu nữ Êđê. Ngày nay, thác Trinh Nữ không còn là bảo vật riêng của người Êđê nữa, mà tất cả những thiếu nữ trong vùng đều có thể đến mong duyên phận an lành.
|
Những loài cây mọc ôm vách đá ở thác Trinh Nữ. |
Theo quan sát của chúng tôi, những tảng đá lớn nhỏ xếp lởm chởm bên nhau tạo thành những khe lạch lớn nhỏ. Nước từ đầu nguồn theo khe lạch kẽ đá chảy uốn lượn suốt đêm ngày. Có những chỗ tạo thành dòng xoáy tròn xoe sâu hoắm xuống dưới rất kỳ thú.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Lãm, Trưởng phòng Văn hoá huyện Cư Jút thì thác Trinh Nữ đã bớt xinh đẹp đi rồi. Nguyên nhân mà ông Lãm đưa ra là bởi các nhà máy thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện Buôn Kuốp hình thành từ năm 2004 đã ngăn chặn dòng chảy. Thác Trinh Nữ vốn ầm ào tung bọt trắng xoá suốt đêm ngày thì bây giờ chỉ róc rách luồn qua khe đá.
Chưa hết, phía công ty khai thác du lịch quản lý thác Trinh Nữ bỗng dưng phá sản khiến khu du lịch trở nên hoang tàn. Hiện, chính quyền huyện Cư Jút đã giao cho công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
"Đăk Nông có liên hoàn tuyệt thác thuộc loại đẹp nhất của Tây Nguyên. Những ngọn thác ấy ngoài vẻ đẹp thì còn gắn liền với truyền thuyết, huyền thoại của các dân tộc trên địa bàn. Chúng tôi đã và đang xây dựng đề án du lịch để du khách được chiêm ngắm những tuyệt phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tây Nguyên".
Ông Huỳnh Quang Vỵ (cán bộ Sở VH -TT&DL tỉnh Đăk Nông)
Quách Hoà