Đầu năm, dọc đèo Hải Vân, thỉnh thoảng lại bắt gặp một nhóm người đi đường dừng lại vội vã thắp vài nén hương cho những ngôi mộ hoang không tên tuổi được đắp vội dọc hai bên đèo. Phần lớn những sinh linh bé bỏng bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ. Cứ vậy, suốt hàng chục năm qua, những sinh linh bất hạnh ấy chỉ nằm dưới một gò đất nhỏ nơi đèo thiêng hoang lạnh. Điểm xác định chính là chân hương cháy còn sót lại mà lữ khách và người dân địa phương rủ lòng thương ban phước thắp lên.
|
Dưới gò đất này là một sinh bé nhỏ. |
Chỉ tính hai bên đèo Hải Vân thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, đã có hàng chục nấm mộ hoang như thế cứ vậy mọc lên ngày một dày dần với thời gian. Hầu hết những ngôi mộ này không đề tên tuổi, không quê quán, không xác định thời gian chôn cất... mà quá nhỏ, chỉ thể hiện sự sơ sài, vội vã mà những người không ruột thịt xây cất lên.
Chủ một quán nước trên lừng chừng đèo Hải Vân cho biết, chị đã lấy quãng đèo nguy hiểm này làm nơi sinh sống suốt gần 20 năm qua. Gia đình chị cũng đã một vài lần chứng kiến cảnh đau thương xảy ra trên đèo Hải Vân. Một lần vào sáng tinh sương cuối năm 2005, như mọi ngày, chị thức dậy từ rất sớm để xuống Đà Nẵng lấy hàng về bán cho khách qua đèo. Xe xuôi được vài cây số, bỗng bị thủng săm khiến phải dừng lại, tạt vào lề đèo. Trong lúc chờ chồng đem đồ xuống vá, chị bước qua lan can vào bên trong ngồi để tránh xe qua lại, thì chứng kiến cảnh tượng kinh hãi mà từ trước đến nay chỉ nghe, chứ chưa bào giờ gặp phải.
|
Dọc hai bên đèo Hải Vân có hàng chục ngôi mộ thế này |
Trước mắt chị là một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cuộn tròn trong tã lót. Làn da non mỏng của đứa trẻ tím đen, lạnh ngắt, đôi mắt nhỏ nhắm hờ, những con kiến đánh hơi được mùi sữa đã bắt đầu kéo lại… chị biết đứa trẻ đã chết vì đói khát và cái lạnh như cắt trên lưng chừng đèo mùa đông. Cha mẹ đứa trẻ sơ sinh không để lại thông tin gì nên gia đình chị không thể xác định được người nhà ở đâu để báo tin. Và chính chị cũng thừa biết, kẻ đã sinh ra đứa bé thiếu may mắn này không còn tình người, không muốn con minh sống nên mới đem đến nơi đèo vắng hoang lạnh này để bỏ lại.
Ban đầu gia đình chị quyết định đưa về gần quán chôn cất để tiện bề trông coi hương khói. Thế nhưng, lúc chuẩn bị đưa đứa trẻ về không hiểu sao chồng chị lại nảy sinh ý định chôn ngay tại chỗ. Bởi theo chồng chị, chôn tại đây sau này cha mẹ đứa trẻ có nghĩ tới đứa con rơi của mình nhẫn tâm vứt bỏ, còn tìm thấy mộ để thắp cho nó nén hương. Vậy là nấm mộ nhỏ được gia đình chị cất lên ngay bên cạnh lan can đèo, hằng năm lấy ngày phát hiện thi thể đứa bé làm ngày giỗ, thắp hương cầu nguyện.
|
Những ngôi mộ không xác định tên tuổi. |
Theo những người buôn bán dọc đèo, phần lớn các sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi trên đèo Hải Vân dẫn đến tử vong là kết quả của những mối tình nông nổi đang ở tuổi tới trường. Bậc cha mẹ chính là sinh viên, học sinh lúc bấy giờ đang theo học tại các trường ở TP Đà Nẵng. Vì trót có thai quá ngày không thể tới các cơ sở y tế phá bỏ, họ đành chờ ngày sinh nở, rồi đem một phần máu mủ mà chính mình vừa dứt ruột sinh ra lên đèo Hải Vân bỏ lại, để không phải chịu tiếng xấu từ người đời.
Bà Nguyễn Thị Nông, một tiều phu đã có vài chục năm kiếm sống trên đèo Hải Vân cho biết, những đứa trẻ này đều bị bỏ rơi khi bóng tối đã buông xuống. Sau một đêm nằm dưới sương khuya lạnh buốt, đói khát, khóc khàn cổ, sáng hôm sau khi được người đi đường phát hiện thì đứa trẻ đã chết.
|
Chăm lo hương khói cho những ngôi mộ hoang là người dân địa phương và khách đi đường. |
Để linh hồn những đứa trẻ này được siêu thoát, người dân địa phương vào những ngày rằm, đầu tháng hoặc lễ tết, họ thường lui tới thắp hương cầu nguyện. Còn với người đi đường, khi hay biết các ngôi mồ hoang này là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trước khi lên đèo không ít người đã dừng lại mua thêm vài bó hương. Họ lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ thắp hương khấn vái, cầu nguyện cho các sinh linh vô tội yên lòng nằm nghỉ nơi con đèo chia đôi bắc nam này.
Khắc Lịch