LTS: Như bóng ma ẩn hiện trên những đỉnh đèo quanh năm mù sương bạc tóc, những kẻ “săn” người đủ mọi khuôn mặt, len lỏi đánh thức từng giấc ngủ của người dân đồng bào vùng cao.
Chúng sẵn sàng cướp đi từng em bé đỏ hỏn nằm trên tay người mẹ, người vợ còn chưa quyện hơi chồng và những người đàn ông khỏe mạnh... để bán đơn thuần như một thứ hàng hóa. Chưa bao giờ bức tranh toàn cảnh về nạn buôn người vùng cao lại chứa nhiều gam mầu tối đến như vậy với muôn loại thành phần phạm tội.
Hàng “độc” về vùng cao
Cách TP. Hà Giang gần 100 km trên cung đường uốn lượn bao phủ một màn sương mù đậm đặc, Đồn biên phòng Bạch Đích hiện diện trên lưng chừng dốc thuộc xã Bạch Đích (huyện Yên Minh, Hà Giang) như một điểm tựa kiên định cho người dân từ bao năm nay.
Sau 2 ngày ẩn mình tránh cơn mưa rừng đang trút xối xả lên dải đất vùng cao này, cánh PV chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã đặt chân lên tới Bạch Đích - nơi được coi là tâm điểm trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn bán người hiện nay.
|
Bạch Đích luôn là tâm điểm của nạn buôn người. |
Qua cuộc vật lộn với chặn đường đầy thử thách, tôi mới nghiệm ra sự ví von của một đồng nghiệp người bản xứ: “Những con đường của vùng sơn cước như những sợi chỉ vắt ngang lưng chừng trời, nơi những áng mây sà trên vai người lữ khách và cũng là nơi những khúc cua tròn xe với một bên là bờ vực thẳm”.
Chẳng thế mà, suốt chặng đường từ TP. Hà Giang lên Đồn biên phòng Bạch Đích, Cường - một cán bộ thuộc đội ĐTTP ma túy của đồn, được lệnh sư trưởng về dưới đón tôi một mực khẳng định: “Lên Bạch Đích cũng có nghĩa là đến với cái khó nhất của vùng cao. Giờ còn đỡ, chừng độ một tháng nữa xem, đố ai dám mò lên trốn này”.
Lạnh là vậy, nhưng tình trạng buôn người nơi đây thì nóng đến dữ, chỉ cần nhẩm tính sơ sơ, trong đầu, Cường cũng có thể kể tên vanh vánh hàng chục vụ từ đầu năm đến nay. Con số đưa ra so với Cường nó còn là khiêm nhường vì thời gian gần đây do lực lượng chức năng đẩy mạnh truy quét nên tình hình cũng giảm.
“Nói vậy, không có nghĩa là chủ quan, bởi thực chất, bọn tội phạm trong lĩnh vực này đang hoạt động ngày một tinh vi với nhiều thủ đoạn mới rất khó phát hiện”, Cường cho biết.
Vừa đến nơi, ngay lập tức chúng tôi được Trung tá Phan Hồng Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bạch Đích kéo vào phòng tâm sự, với lý do “lâu lắm rồi mới thấy nhà báo lên chơi với anh em”.
|
Trung tá Phan Hồng Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bạch Đích. |
Trong câu chuyện hàn huyên bên chén trà chưa kịp nhấp môi đã nguội, Trung tá Sơn bất ngờ thổ lộ: “Nếu nhà báo lên tìm hiểu về nạn buôn bán người vùng này thì không thể bỏ qua một vụ đặc biệt của chúng tôi, mới về mọi mặt mà với thâm niên làm điều tra không biết bao năm, tôi còn phải gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác”.
Bất ngờ đầu tiên là nhân vật Vàng Thị Sen (SN 1994, xã Na Khê, Yên Minh, Hà Giang), nếu gọi đúng ra thì đây phải là “sát thủ” chứa khuôn mặt “trẻ thơ”.
Trái ngược với câu chuyện về những mảng đời phụ nữ trẻ người non dạ đang lũ lượt bị bán sang biên giới thì Sen lại đủ bản lĩnh tính chuyện cao tay hơn: lừa bán đàn ông sang Trung Quốc.
Chưa thể xác minh rõ, Sen đã lừa bao gã trai bản ngồn ngộn sức xuân, nhưng chỉ kinh qua một vụ với nạn nhân là anh Lù Sen Ch. (SN 1989, dân tộc Nùng, cùng xã với Sen) cũng cho thấy mưu đồ và sự lão luyện đến mức nào của một má mì tuổi 17.
Dùng tình lừa giai đi... bán
Biết rất rõ Lù Seo Ch. đã có vợ và một đứa con cộng với bản tính chân thật, chất phác, tiếng kinh chỉ bập bõm vài ba từ, Vàng Thị Sen đã lui đến làm quen rồi dùng tình cảm đưa đẩy, lôi kéo Ch. về phía mình.
Khi biết “cá đã cắn câu”, Sen lần lừa rủ C. đi chơi, nhưng lấy cớ sợ vợ tình địch phát hiện, Sen đòi Ch. đưa qua biên giới và phải đi đường cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), chứ không theo những con đường mòn giáp biên ở Hà Giang như người dân thường đi lại.
Ấn định thời điểm lên đường, khoảng 22h đêm ngày 15/6/2011, Lù Seo Ch. đi xe máy đến điểm hẹn gặp Sen. Qua một đêm tâm sự, sáng hôm sau, cả hai gửi xe máy lại và bắt xe khách xuống TP. Hà Giang.
|
Các chiến sĩ BĐBP đang lấy lời khai của đối tượng buôn người. |
Tại đây, để thể hiện sự quan tâm tới gã trai bản ngô nghê, Sen đã mua cho Ch. quần áo chỉnh tể cho chuyến hành trình chứa đậm tình yêu xuyên biên giới. Tuy nhiên, đổi lại, toàn bộ tiền bạc, điện thoại của mình, Ch. phải đưa cho Sen cất giữ như lời khẳng định về niềm tin với người yêu. Từ Hà Giang, đôi trai gái bắt xe đi Thái Nguyên nghỉ lại một đêm rồi lên thẳng Cao Bằng.
Sau hai đêm nằm trên cửa khẩu Tà Lùng, Ch. cũng không thể hiểu nổi tại sao mình với Sen lại lên đây, chỉ biết rằng, liên tục, Ch. thấy người tình của mình bốc máy điện thoại nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Hỏi thì Sen trả lời, đang nhờ người quen tìm chỗ cho cả hai qua kiếm việc, với thu nhập cao.
Đến sáng Chủ nhật (ngày 19/6/2011), sau nhiều cuộc điện thoại với đối tác, Sen bất ngờ kêu Ch. dậy để cùng sang Trung Quốc. Nhưng chưa kịp qua, cả hai đã bị Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng bắt và xử phạt hành chính vì không có giấy tờ hợp pháp khi qua cửa khẩu.
Ngay sau khi được thả, Lù Seo Ch. nhận thấy sự khác lạ trong chuyến đi này nên đã đòi về. Biết không còn cách nào khác, Sen phải chấp nhận, nhưng trên đường trở về nhà, sợ Ch. tố giác với người nhà, giữa đường Sen đã tự ý xuống xe bỏ trốn.
Hiến cả thân xác để đạt được mục đích
Trở về nhà trong trạng thái còn chưa hoàn hồn, nhận ra dã tâm đen tối của người phụ nữ ghê sợ mà có lúc được gọi là tình yêu, Lù Seo Ch. quyết định trình báo toàn bộ sự việc với các cán bộ bộ đội biên phòng đông Bạch Đích.
Theo lời bộc bạch của Ch., trên hành trình kéo dài 3 ngày 5 đêm với người tình, Sen đã cho Ch. quan hệ tình dục 4 lần (Thái Nguyên 2 lần và cửa khẩu Tà Lùng 2 lần) với những lời hứa hẹn về một tương lai tràn ngập hạnh phúc, tiền bạc và quan trọng là được sống trong sung sướng không phải lo nghĩ đến cơm ăn, áo mặc mà Ch. vốn đang phải chịu.
Trong lúc câu chuyện đang bon bon, bất ngờ Trung tá Sơn ngừng lại, nhấp một ly trà, đầy sự trầm ngâm rồi lại tiếp mạch chảy với sự bất ngờ thứ hai của nhân vật Vàng Thị Sen.
Sự là, khi được các cơ quan chức năng triệu tập lên để làm rõ hành vi của mình. Thay vì thái độ sợ sệt, Sen ung dung lật ngược thế cờ, rồi quay ra tố lại Ch. có mưu đồ đưa mình lên cửa khẩu để bán.
Thậm chí, để chứng minh mình mới là bị hại, Sen còn bịa ra hàng loạt dẫn chứng như: bị Ch. ép xóa số điện thoại người nhà, thu giữ máy điện thoại rồi liên lạc với người bên Trung Quốc để đưa mình sang,...
Vậy nhưng, lần thứ ba được gọi lên để lấy lời khai, người ta đã không tìm thấy Sen đâu nữa. Hỏi ra mới biết, ả đã cao chạy xa bay khỏi nơi cu trú từ sau ngày lấy lời khai thứ hai.
“Từ lâu, nhắc đến chuyện buôn người, người ta chỉ nghĩ đến nạn nhân là những người phụ nữ ngây thơ, vì cả tin mà mắc bẫy, còn hung thủ ắt phải là những ngã đàn ông xảo quyệt hay những mụ tú bà độc ác. Nhưng giờ đây, chuyện đã đổi vần, đàn ông, nhất là những trai tráng khỏe mạnh cũng có thể trở thành miếng mồi béo bở cho các tú bà tuổi mới ghé tuổi trăng rằm.
Việc phụ nữ bị đàn ông lừa tình đã nghe, thấy nhiều, nhưng nói đến phụ nữ lừa lại đàn ông để đi bán thì hiếm gặp. Hầu như, những người đàn ông bị lừa bán Trung Quốc đều phục vụ cho công việc khổ ải mà chính người Trung Quốc không làm được”, Trung tá Sơn bộc bạch.
Cũng theo Trung tá Sơn, mặc dù chưa có thống kê cụ thể, xong những trường hợp như Vàng Thị Sen bây giờ không còn là hiếm, nó đang dần hình thành một cách thức mới nhằm qua mặt các quan chức năng.
Thông thường, các đối tượng này tập chung vào đa số con trai đã có vợ, cho quan hệ tình dục cộng với yêu đương rồi lừa đưa sang biên giới để bán. Có những người, khi bị bán vào sâu lục địa Trung Quốc vẫn không hề hay biết, mà cứ nghĩ là được đưa sang làm thuê với mức lương hậu hĩnh.
Thậm chí, có trường hợp, trốn về nhà được, vì sĩ diện không lên chính quyền tố giác kẻ lừa mình, càng khiến cho loại hình tội phạm mới này hoạt động mạnh hơn.
(Còn tiếp)
>>> Xem clip "Thực hư tin đồn kiều nữ cưỡng dâm hàng loạt tài xế taxi ở Hải Dương" (Nguồn: VTC14):
Theo Người đưa tin