Cái chết “bắt đắc kỳ tử”
Dù đã 17 năm trôi qua nhưng Ông Trần Khoảnh (thôn 5), vẫn nhớ như in cái buổi sáng kinh hoàng ấy. Lúc đó khoảng 4 giờ ngày 27/6/1998, khi đang còn mơ ngủ thì gia đình ông nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Mở cửa ra, ông Khoảnh thấy người cháu ruột là Trần Trung Thuấn (SN 1951, cùng thôn) đang đứng trước cửa với bộ dạng đau khổ. Ông Thuấn báo cho người bác biết rằng vợ ông đã tử vong do bị bệnh. Ngay lập tức, ông Khoảnh chạy sang nhà người cháu thì nhìn thấy bà Đề đang nằm bất động dưới đất nên liền hô hoán.
|
Ông Trần Trung Dụng đau xót nhớ lại chuyện gia đình anh ruột. |
Tiếng la thất thanh của ông Khoảnh khi trời còn chưa tỏ đã đánh thức cả xóm cùng dậy và chạy sang nhà ông Thuấn. Trước mắt mọi người, bà Đề nằm sõng soài trên nền nhà, bên cạnh là chiếc giường ngủ đã bị xô lệch. Kiểm tra thân thể bà Đề không ai nhìn thấy dấu vết gì ngoài một ít máu dính trên quần nạn nhân ở gần vị trí vùng kín.
Như lẽ thường, mọi người đến chia buồn đều hỏi ông Thuấn tại sao bà Đề lại chết “bất ngờ” như thế vì nhiều người còn nhớ rõ buổi chiều trước đó, họ vẫn thấy bà Đề đi làm đồng và nói cười vui vẻ. Nghe hỏi vậy, ông Thuấn chỉ trả lời rằng vợ chết vì bệnh, nhưng bệnh gì thì ông lại lúng túng, không giải thích rành mạch được.
Sự thật của tội ác
Nhận được tin báo của người dân, phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Quảng Nam cùng công an huyện Thăng Bình lập tức có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc.
Theo lời khai của ông Thuấn, khuya hôm đó khi bà Đề đi vệ sinh xong trở vào nhà để chuẩn bị lên giường tiếp tục ngủ thì bỗng nhiên bà ngã lăn xuống đất. Đến lúc ông Thuấn phát hiện sự việc thì vợ đã tắt thở.
Ông Thuấn cho rằng có thể bà Đề bị trúng gió độc nên tử vong. Còn vết máu ở vùng kín của bà Đề, ông Thuấn cho biết, hôm đó là ngày "phụ nữ" của bà.
Tuy nhiên, khi khám nghiệm tử thi phần phụ khoa, các giám định viên bất ngờ vì nạn nhân bị vết thương gây rách thành sâu âm đạo. Chính vết thương này đã làm nạn nhân choáng mất máu, trụy tuần hoàn không hồi phục và dẫn đến tử vong.
Lúc này, cơ quan công an xác định, nạn nhân Võ Thị Đề tử vong là do bị sát hại chứ không phải do bệnh lý và người chồng Trần Trung Thuấn là nghi can chính của vụ án.
Tuy nhiên, Thuấn vẫn một mực cho rằng mình không liên quan đến cái chết của vợ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau một thời gian ngắn cơ quan công an đã thu thập đầy đủ thông tin, chứng cứ xác định hung thủ giết chết nạn nhân chính là người chồng.
Trước cơ quan điều tra, Trần Trung Thuấn vẫn quanh co chối cãi. Chỉ đến khi các điều tra viên đưa ra các tang vật, chứng cứ của vụ án thì Thuấn mới cúi đầu khai nhận hành vi sát hại vợ của mình.
|
Ông Nguyễn Đức Đáng trước ngôi nhà đã bỏ hoang của vợ chồng ông Thuấn, bà Đề. |
Theo đó, khoảng 10 giờ ngày 26/6/1998, vợ chồng ông Thuấn xảy ra mâu thuẫn. Bà Đề chửi ông Thuấn về thói trăng hoa theo hết người đàn bà này đến người đàn bà khác, không lo làm ăn. Còn ông Thuấn thì chửi vợ không biết đẻ, lại xấu tính, thường xuyên ghen ghét với những người phụ nữ mà ông qua lại.
Sau hồi cự cãi nhau, ông Thuấn đã dùng chân đánh và đạp bà Đề. Cảm thấy vợ là bức tường ngăn cản chuyện vợ bé và con cái nối dõi của mình nên ông Thuấn nảy sinh ý định sát hại bà Đề. Nghĩ là làm, đợi lúc bà Đề ngủ say, ông rút cây chống cửa bằng tre, đâm mạnh vào người vợ cho đến khi người phụ nữ này tử vong.
Sau khi bà Đề tắt thở, người chồng độc ác che đậy người thân và lực lượng Công an bằng cách lấy nước rửa các vết máu trên người vợ rồi mặc quần vào cho nạn nhân. Còn cây chống cửa-công cụ gây án, y mang giấu tại cây rơm sau nhà. Tiếp đó hắn chạy sang nhà bác ruột gần nhà báo tin vợ chết do bị bệnh.
Người đàn bà bất hạnh
Ông Trần Trung Dụng (SN 1957, em ruột ông Thuấn) cho biết, vợ chồng ông Thuấn lấy nhau nhưng không có con, sau nhiều năm biết mình bị vô sinh, bà Đề đành lòng để chồng đi tìm vợ lẽ. Năm 1983, ông Thuấn dẫn về một người phụ nữ tên N. ngụ ở thôn 2, cùng xã và nói rằng muốn lấy bà N. làm vợ. Vì phận không sinh nở được, bà Đề cắn răng đi sắm lễ rước bà N. về làm vợ cho chồng. Tuy nhiên chỉ ở được thời gian ngắn thì “cơm không lành, canh không ngọt” nên bà N. ra riêng và sinh với ông Thuấn một người con gái.
Sau khi chia tay với bà N, năm 1994, ông Thuấn lại quan hệ với một phụ nữ và sinh được một bé trai. Khi đứa trẻ này chưa tròn tháng thì người mẹ giao cháu bé cho vợ chồng ông Thuấn bà Đề nuôi. Tuy nhiên, sau đó đứa bé yểu mạng nên qua đời. Cũng từ đó, ông Thuấn thường xuyên đánh đập bà Đề hơn.
Trước đó, Thuấn có ý nghĩ quen nhiều phụ nữ để kiếm con vì vợ không sinh được. Nhưng đến khi quen bà T., Thuấn muốn ly dị vợ để chung sống hợp pháp với người đàn bà này. Bà Đề biết chuyện nên đã nhiều lần khuyên can Thuấn cũng như tình địch nhưng không có kết quả. Ngược lại, mâu thuẫn giữa bà và chồng ngày một thêm sâu sắc. Cho rằng vợ không biết đẻ lại ngăn cản chuyện yêu đương của mình nên Thuấn thường xuyên bạo hành vợ.
Ông Nguyễn Đức Đáng (SN 1934, hàng xóm của vợ chồng ông Thuấn) chia sẻ, đối với hàng xóm, họ chưa có gây gổ hay làm mất lòng ai. Tuy nhiên, chuyện họ cãi cọ, đánh nhau làng trên xóm dưới đều biết. Nguyên nhân chủ yếu là do ông Thuấn đi bồ bịch bên ngoài nên bà Đề ghen tuông. Ban đầu, thấy họ đánh chửi nhau mọi người có đến khuyên can. Về sau, chuyện diễn ra như cơm bữa nên không ai can thiệp nữa. Do vậy, khi bà Đề tử vong, dù ông Thuấn bảo rằng nguyên nhân là do bệnh lý nhưng người dân không tin điều ấy.
Ngày 26/9/1998, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa công khai xét xử và tuyên phạt Trần Trung Thuấn mức án cao nhất là tử hình. Nghe chủ tọa đọc cáo trạng, hàng trăm người dân òa khóc vì thương cho người phụ nữ bất hạnh. Vụ án khép lại nhưng mãi mãi là bài học về tình chồng nghĩa vợ và đạo lý làm người.
Theo Công Lý