Kiến ba khoang chỉ thích cắn... người thành phố?

Google News

"Tôi nghĩ chỉ người dân thành phố mới sợ kiến ba khoang chứ ở quê tôi, thấy đó là bình thường. Cũng chả có ai bị cắn hay đốt, chích gì cả..."

- Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà khoa học cảnh báo khá nhiều về kiến ba khoang và coi đây là một mối đe dọa đối với sức khỏe của con người khi bị chúng đốt. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, người dân “sống chung” với kiến ba khoang lại cho rằng kiến ba khoang hoàn toàn… vô hại với họ.

“Sống chung” với kiến ba khoang

Dù “sống chung” với kiến ba khoang nhưng nhiều người dân sống ở nông thôn cho rằng chưa hề nhận thấy kiến ba khoang nguy hiểm.
 
Nhiều người nông dân cho rằng: Kiến ba khoang không hề nguy hiểm với họ (Ảnh: kiến ba khoang ở cánh đồng xã Đốc Tín, Mỹ Đức, Hà Nội).
Bà Đỗ Thị Hoài (Đốc Tín, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua chúng tôi thấy đài báo nói nhiều về sự nguy hiểm của kiến ba khoang nên cũng hơi lo. Tuy nhiên, từ nhiều chục năm nay chúng tôi vẫn phải “sống chung” với kiến ba khoang mà có thấy nguy hiểm gì đâu. Kiến ba khoang hoàn toàn vô hại với chúng tôi”.

Theo bà Hoài, ở các vùng nông thôn, kiến ba khoang không hề xa lạ đối với bà con. Vào ngày mùa, khi gặt lúa đem từ ngoài đồng về, kiến ba khoang bám theo lúa về nhà, bò khắp nơi nhưng không cắn hay chích người.

Kiến ba khoang đang đi kiếm mồi. (Ảnh: kiến ba khoang ở Đốc Tín, Mỹ Đức, HN).
 
“Khi chúng tôi ôm lúa từ dưới ruộng để chất lên xe, rất nhiều kiến ba khoang từ các bó lúa bò lên đầu, lên gáy, lên vai, thậm chí chui cả vào lưng nhưng chỉ gây cảm giác ngứa vì kiến bò chứ bị cắn, bị chích hay khiến da bị ngứa, phồng rộp lên thì không hề có”, bà Hoài khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh (Thanh Oai, Hà Nội) cũng khẳng định ông đã rất “bất ngờ”. Hóa ra con kiến ba khoang mà các nhà khoa học đang nói đến chính là những con côn trùng màu đỏ pha đen bé xíu đang bò lổm ngổm… trong nhà mình.

 Kiến ba khoang ở cánh đồng xã Đốc Tín, Mỹ Đức, HN.
 
“Tôi thực sự bất ngờ trước thông tin này bởi tưởng loài côn trùng gì xa lạ chứ kiến ba khoang thì ở các vùng nông thôn nhiều lắm. Nhà tôi ở gần cánh đồng nên kiến ba khoang bò vào thường xuyên. Mỗi khi thấy kiến ba khoang bò vào nhà nhiều quá tôi lại dùng thuốc diệt gián phun vào rồi dùng chổi quét ra ngoài. Thực ra quét ra là vì nó làm bẩn nhà thôi, chứ không phải vì nó cắn hay chích gì cả”, ông Thanh cho biết.

Là người “bạn tốt” của nông dân

Cụ Nguyễn Hữu Thập, 76 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã chừng này tuổi đầu rồi nhưng từ trước đến nay có nghe ai nói bị con kiến ba khoang cắn hay đốt bao giờ đâu. Nó sống ở ngoài đồng nhiều lắm, tập trung ở dưới các gốc rạ. Nó bé nên cũng chẳng mấy ai để ý làm gì. Có điều mà các nhà khoa học “quên” không nói đến đó là kiến ba khoang là bạn của người nông dân đấy”.

Nhiều trẻ em ở vùng nông thôn hiện nay vẫn hay ra đồng tìm bắt kiến ba khoang...
Cụ Thập giải thích: Tại sao kiến ba khoang lại chỉ sống nhiều ở ngoài đồng, dưới gốc rạ hoặc các đống rác, lá cây mục ẩm là có lý do của nó. Thức ăn chủ yếu của kiến ba khoang là rệp, rầy, các loài ấu trùng nhỏ mà những môi trường đó có nhiều thức ăn nên kiến ba khoang mới sống tập trung.

 Trẻ em ở xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang đi bắt kiến ba khoang làm mồi cho chim sâu ăn.
 
Ngày xưa, người nông dân làm ruộng không có thuốc trừ sâu để dùng như bây giờ nên khi trồng lúa, trải qua thời gian, bằng quan sát thực tế của mình các cụ đã rút ra nhận xét rằng: Hễ ruộng lúa nào khi gặt có nhiều kiến ba khoang thì ruộng lúa đó chắc chắn đạt năng suất cao. Sở dĩ như vậy vì kiến ba khoang là côn trùng có ích, thức ăn chính của nó là rầy nâu và rệp. Ruộng nào kiến ba khoang nhiều thì rệp và rầy nâu sẽ ít, khi lúa trổ và làm đòng thì không bị rầy, rệp phá hoại.

Cụ Thập nói vui: “Tôi nghĩ chỉ người dân thành phố mới sợ kiến ba khoang chứ ở quê tôi, thấy đó là bình thường. Cũng chả có ai bị cắn hay đốt, chích gì cả. Ngày mùa, kiến ba khoang theo lúa về bò lổm nhổm khắp nơi nhưng sau đó chính nó lại làm mồi cho gà, rồi chim sẻ ăn hết nên còn đâu mà đốt với chả chích. Hồi xưa khi còn nhỏ, tôi với đám trẻ nuôi chim sâu chơi còn thường xuyên ra ruộng bắt kiến ba khoang về làm mồi mớm cho chim ăn, nếu bị ngứa hay phỏng da thì chúng tôi đã… bị từ lâu rồi”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội: Kiến ba khoang không phải là loại mới có, nhưng có thể do điều kiện môi trường thuận lợi nên có xu thế xuất hiện gia tăng. Đặc biệt trong các tháng 9, 10, 11 là thời kỳ sinh sản của loại côn trùng này nên xuất hiện với mật độ nhiều hơn. Những khu tập thể gần cánh đồng thấy nhiều kiến ba khoang vì chúng thích bay vào ánh đèn ban đêm. Kiến ba khoang có thể gây khó chịu và bỏng trên da người, nhưng chưa phát hiện loại kiến này có khả năng truyền bệnh.

Hoàng Sơn
 
Bài đọc nhiều:
 
 
 
[links()]