Hồi ức nữ cảnh vệ đầu tiên của Bác Hồ

Google News

Đại tá Thuận, nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về những năm tháng bảo vệ các lãnh đạo cấp cao.

Ở căn nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ tại Hà Nội, đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên là Phó Cục trưởng thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an) vẫn minh mẫn, khỏe mạnh dù năm nay đã ngoài 90 tuổi. Trong số những cán bộ được vinh dự bảo vệ Bác, bà là nữ cảnh vệ được đào tạo chuyên nghiệp đầu tiên.

Lần đầu gặp Bác Hồ

Bà Thuận kể, lần đầu được thấy Bác là trong ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. “Tôi nhìn Bác chăm chú, nhớ ra đã thấy ảnh Bác in trong sách do mật thám Pháp in để nghiên cứu, tìm hiểu Đảng cộng sản Đông Dương. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp có một người bạn đưa cho tôi xem, nhưng lúc ấy tôi đâu biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận. 

Lần thứ hai bà Thuận được gặp Bác là lần chúc tết Bác dịp tết Bính Tuất năm 1946, Tết đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập. 

“Lúc đó tôi và một chị nữa tranh nhau đứng cạnh Bác. Lúc ấy, Bác rất tinh tế khi đứng giữa hai chị em chúng tôi rồi chụp ảnh. Một cử chỉ tuy nhỏ nhưng khiến chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Người”, bà Thuận nói.

Khép kín, tuyệt mật

Theo bà Thuận, rất nhiều nguyên tắc và phương pháp bảo vệ của ngành công an sau này đều thừa hưởng từ điều mà Bác dạy: “Không ngừng học hỏi và luôn dựa vào nhân dân, vào đồng chí, cơ quan. Học những phương pháp của nước ngoài là tốt, nhưng phải ứng biến, vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

Năm 1961, bà Thuận là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên ở Đại học Y Dược với tấm bằng đỏ. 

Nhận nhiệm vụ từ ông Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng bộ Công an khi đó, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thuận được chuyển sang làm công tác Cảnh vệ. 

Trong lần đầu được điều động làm công tác bảo vệ an ninh cho Đại hội Đảng lần thứ 3, bà Thuận làm việc cùng một nữ cảnh vệ chuyên trách an ninh cho Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc. 

Nữ chuyên gia Trung Quốc tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước những phương pháp kiểm định thực phẩm cực nhanh và chuẩn của bà Thuận. 

Nếu dùng phương pháp kiểm định chính quy, thường phải 1 tuần mới cho kết quả, trong khi bà Thuận chỉ mất vài giờ đồng hồ để cho kết quả tuyệt đối khớp với chuyên gia Trung Quốc.

“Lúc đó tôi làm bằng phương pháp nghiệp vụ kết hợp kiến thức khoa học, vẫn đảm bảo tính an toàn nhưng quan trọng là phải nhanh, chuẩn trong điều kiện Việt Nam chưa có nhiều tiềm lực tài chính để mua sắm trang thiết bị đắt tiền”, bà Thuận nói.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối về thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng kỹ thuật bảo vệ trong ngành công an. 

Ít ai biết rằng, bà Thuận là một trong những chiến sĩ có công đầu trong việc vận chuyển những bó hoa lay ơn tươi rói sang cho Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô (cũ) lần thứ 22, được tổ chức năm 1962.

 Đại tá Thuận là nữ cảnh vệ đầu tiên của Bác Hồ. 

Lần đó, bà Thuận đứng đầu đội cán bộ đưa những củ hoa lay ơn đã qua chọn lọc xuống trồng tại Hải Dương. Đến ngày thu hoạch, bà Thuận lại xuống tận nơi, kiểm tra từng bông hoa một để đảm bảo tuyệt đối an toàn rồi sau đó “áp tải” hoa sang tận Matxcơva.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô đã vô cùng bất ngờ và thích thú khi thấy những bông hoa lay ơn rực rỡ khoe sắc trong phòng họp giữa mùa đông giá lạnh ở Matxcơva.

Bà Thuận cũng từng trực tiếp làm việc với nhiều chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô trong đội ngũ bảo vệ Mao Trạch Đông, Stalin. Năm 1962, bà được cử sang Liên Xô làm việc cùng các chuyên gia cao cấp trong đội bảo vệ Stalin. Tại đây, bà Thuận có dịp tiếp xúc những kỹ thuật tối tân của thế giới thời đó. 

Cảm phục sự thông minh, chăm chỉ của nữ chiến sĩ cảnh vệ Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô tặng bà quyển sổ tay ghi chép những biện pháp tuyệt mật về những khâu kiểm định an toàn. Kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Liên Xô sau này được bà vận dụng rất thành công và truyền dạy lại cho những thế hệ cán bộ tiếp theo.

“Cho đến nay, lực lượng cảnh vệ nói chung và lực lượng kỹ thuật bảo vệ nói riêng chưa từng để xảy ra sai sót nào đáng kể, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lãnh đạo trong những chuyến công tác trong và ngoài nước”, bà Thuận nói với giọng tự hào. 

Nhân chứng lịch sử


Đầu tháng 1/1947, trước Tết Nguyên đán Tân Hợi, bà Thuận được giao nhiệm vụ “mã” bức thư đánh qua điện đài mật của Trung ương vào mặt trận Liên khu I. 

Đó là bức thư của Bác Hồ: "... Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. 
 Nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ - bà Nguyễn Thị Bích Thuận

Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...”.

Trong kháng chiến chống Pháp, bà được mã hóa bức điện Bác gửi vào cho cán bộ chiến sỹ mặt trận Liên khu I. Bức điện lịch sử được gửi đi từ cơ sở bí mật tại Mễ Trì, Hà Nội. 

Nội dung là lời Bác căn dặn chiến sỹ quyết tâm bảo vệ nền độc lập nước nhà: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 

Câu nói ấy sau này qua nhiều lần hội thảo, qua nhiều lần xác nhận, đã được UBND TP Hà Nội xây dựng đài tưởng niệm tại Vườn hoa Hàng Đậu xưa, nay là Vườn hoa Vạn Xuân...

Theo nguyên tắc giữ bí mật, bà Thuận không được lưu giữ bức điện và các công văn, giấy tờ khác. 

Sau đó, bà Thuận lại “dịch” bức điện của Liên khu I hứa với Trung ương Đảng và Bác Hồ, thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thể hiện quyết tâm hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Ít người biết rằng, bà Thuận là người sau này đã kiên trì 8 năm liên tục kiến nghị để sửa lại câu khẩu hiệu cho đúng như lời của Bác Hồ là: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 

“Bác viết là “để”, chứ không phải là “cho”, hoặc “để cho”, vì Bác Hồ của chúng ta là người làm việc vì dân, vì Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng. 

Bác không bao giờ lấy cương vị Chủ tịch nước, lãnh tụ Đảng để đặt mình cao trên Tổ quốc, trên nhân dân. 
Vì vậy, Bác không dùng từ “cho”, hoặc “để cho” - từ thường dùng của người bề trên với kẻ dưới. Bác dùng từ chuẩn xác, trọn nghĩa, dễ thấm, dễ hiểu, hợp với đức “vì mọi người” của Bác”, bà Thuận kể lại với giọng xúc động.

TIN LIÊN QUAN


Theo VTC