Hầu đồng ở hành lang chung cư: Lợi dụng tâm linh để lừa đảo?

Google News

“Có người mất tiền thì phải có người được tiền. Không ít trường hợp lợi dụng hầu đồng cốt để lừa đảo”.

Gần đây, nhiều hộ gia đình sống tại tầng 12 tòa nhà CT12A chung cư Kim Văn – Kim Lũ (Hà Nội) phản ánh tình trạng, một căn hộ ở tầng này thường xuyên tổ chức hầu đồng, bật nhạc ầm ĩ, chiếm dụng hành lang chung cư để đặt vàng mã, đốt hương khói nghi ngút… gây ảnh hưởng đến đời sống của những người đang sinh sống trong chung cư này.
Hau dong o hanh lang chung cu: Loi dung tam linh de lua dao?
Bên trong căn hộ trên tầng 12 toà nhà CT12A chung cư Kim Văn-Kim Lũ, nơi thường xuyên được chủ nhà tổ chức mở phủ hầu đồng. 
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu về hầu đồng, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển, Chủ tịch Hội Phong thủy Việt Nam cho hay: Lên đồng là nét truyền thống văn hóa của người Việt. Người dân cho rằng, con người có liên thông với thần thánh bằng việc lên đồng. Tuy nhiên, có không ít trường hợp người đi theo đồng cốt tán gia bại sản, bởi mỗi lần hầu đồng mất cả trăm triệu đồng.
“Bản chất hình thức diễn xướng hầu đồng là không sai và không ai có quyền ngăn cấm nhưng lợi dụng diễn xướng để kinh doanh là hoàn toàn sai trái. Có người mất tiền thì phải có người được tiền, vì vậy có không ít trường hợp lợi dụng đồng cốt để lừa đảo”, ông Vịnh nói.
Ông Vịnh cho biết thêm, thường sẽ có một vài đền, phủ linh thiêng mà người dân hay đến và những đền, phủ này chỉ mở vào dịp nhất định chứ không phải lúc nào cũng mở. "Việc mở phủ, lập điện tại một căn hộ chung cư mới như vậy không biết có linh thiêng hay không. Không loại trừ khả năng là lợi dụng câu chuyện mọi người say mê đồng cốt nên lấy luôn nhà làm nơi kinh doanh", ông Vịnh nói.
“Việc mở phủ hầu đồng thường gây tiếng ồn lớn, vì vậy cần tổ chức ở những nơi riêng biệt hoặc không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Không ai có quyền ngăn cấm hầu đồng nhưng trường hợp hầu đồng ở chung cư, chiếm dụng hành lang chung cư có thể mang màu sắc lợi dụng tâm linh để kinh doanh, đây là một hành vi không hợp pháp. Chính quyền hoàn toàn có thể can thiệp”, Chủ tịch Hội Phong thủy Việt Nam chia sẻ.
Cùng quan điểm với tiến sĩ Vịnh, Giáo sư Nguyễn Chí Bền – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết: Quyền tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người dân nhưng việc tín ngưỡng ấy phải được cộng đồng cư dân chấp nhận. Việc mở phủ hầu đồng ở chung cư là điều không nên. Các cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp để đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Giáo sư Bền chia sẻ: “Khu chung cư là một dạng khác của khu dân cư, đó là nơi sinh sống của một cộng đồng người. Mỗi gia đình có thể lập điện thờ cũng giống như bàn thờ tổ. Nhưng việc mở điện hầu đồng thực hiện các nghĩ lễ thì cần có cung văn, lời ca, tiếng nhạc… sẽ ảnh hưởng đến người khác, vì vậy đây là việc làm khó chấp nhận được”.
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết thêm, việc mở phủ hầu đồng không thể cấm đoán nhưng hầu đồng gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, hương khói tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...
“Chung cư cần phải xây dựng quy chế riêng để đảm bảo an ninh trật tự cho cộng đồng cư dân sống tại đó. Nếu người nào vi phạm thì cần phải xử lý. Tuy nhiên, việc mở phủ hầu đồng có lợi dụng kinh doanh “buôn thần bán thánh” hay không thì cần phải có bằng chứng. Trước tiên, Ban Quản lý tòa nhà nên vận động gia đình đó không nên tổ chức hầu đồng ở chung cư để không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh”, ông Bền nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quang – Ban Quản lý tòa nhà CT12A cho biết: “Ban Quản lý đã mời công an khu vực đến làm việc với gia đình chị H. (người hầu đồng) và chị H. đã kí vào biên bản cam kết về an toàn phòng chống cháy nổ, không gây tiếng ồn và lấn chiếm hành lang chung cư. Nếu gia đình chị H. vẫn tiếp tục tái phạm, chúng tôi sẽ xử lý bằng việc cắt nước, cắt điện”.
Mời quý độc giả xem thêm video tại đây (Nguồn Youtube): 
Theo Dân Việt