Câu chuyện của hai người đàn bà đẹp, mỗi người có một số phận éo le khác nhau. Có người từ nạn nhân của một vụ buôn người sau đó trở thành bị án của một vụ buôn bán tiền giả. Còn người kia là vợ của một kẻ giết người.
Họ đều thầm cảm ơn một thiếu tá công an tỉnh Quảng Ninh bởi những ứng xử nhân văn, đầy tình người của anh. Hiện tại, vết thương lòng của họ dần lành miệng và cuộc sống của họ đã thực sự đổi thay…
1. Hồng nhan bạc mệnh - câu nói đó có lẽ đã ứng vào số phận cuộc đời của chị P.T.M. (SN 1975, trú tại TP Ninh Bình). Từ khi còn là học sinh phổ thông, chị M. đã bị lừa bán sang nước ngoài. Đoạn trường làm "vợ khắp người ta" chỉ chấm dứt khi chị tham gia vào một vụ buôn bán tiền giả, bị bắt và gặp được một cán bộ công an tốt bụng. Cũng phải cho đến khi bị Công an Việt Nam bắt, thì chị mới được gặp lại gia đình sau hơn 15 năm lưu lạc nơi xứ người.
Năm 1992, khi chị M. đang là học sinh lớp 11 tại Ninh Bình thì được một người bạn rủ đi chơi. Phải nói là M. có một nhan sắc hiếm có. Dáng người cao ráo, làn da trắng cùng nụ cười hút hồn đã khiến bao chàng trai quanh vùng ước mơ được làm người tri kỷ.
Tin bạn một cách ngây thơ, M. đi tàu ra Hà Nội rồi đi ôtô lên một tỉnh biên giới. Đi suốt mấy ngày như thế, rồi M. đặt chân đến một vùng đất còn rất hoang vu, cô quạnh. Lúc ấy có mấy người địa phương nói tiếng "xủng xoẻng", M. mới chột dạ phát hiện ra mình không còn ở Việt Nam nữa. Và lúc bấy giờ người bạn mới hiện nguyên hình là kẻ buôn người. M. đã bị bán lấy vài ngàn nhân dân tệ.
Kể sao cho thấu những ngày M. phải chịu cảnh tủi nhục nơi đất khách quê người. Sau những kháng cự ban đầu, chẳng chịu nổi những trận đòn thừa sống thiếu chết, đói khát hành hạ, M. đành chấp nhận số phận. M. liên tiếp tìm cách trốn về Việt Nam, nhưng do không thuộc thông thổ nên đều bị bắt lại. Cô phải chịu những màn tra tấn ghê gớm của bọn chủ chứa. Cũng vì trốn nhiều quá, M. đã bị bán làm vợ cho một lão già khú đế.
Khốn nạn hơn cứ một vài năm, cô lại bị "sang tay" cho một gã khác. Cho đến người chồng thứ tư thì cuộc sống của M. mới tạm ổn. Vì anh ta thực sự yêu thương M., và dang rộng vòng tay đón mấy mẹ con cô về chung sống. Nhưng cũng thật bất hạnh, sống với người chồng thứ tư được vài năm, thì anh ta bị đột tử. Bố mẹ chồng đã tống cổ cả năm mẹ con cô ra đường. Cầu bất cầu bơ, M. tiếp tục phải lao vào cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.
Khi phát hiện con gái mất tích, hàng chục năm trời ông P.V.C. (bố chị M.) lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm phải tìm bằng được con. Ông chạy vạy khắp nơi hỏi tung tích con gái, rồi lặn lội sang tận xứ người để tìm. Nhiều năm liên tục tiền bạc, của nả cạn dần mà gần như tin tức của chị M. vẫn chẳng có gì sáng sủa. Có những đêm, ông ôm mặt khóc giữa căn phòng lạnh lẽo nơi xứ người vì cảm thấy mình bất lực.
Cuối năm 2007, M. được một người bạn nhờ "chuyển đồ" từ Trung Quốc về Việt Nam. Chẳng ngờ, món đồ ấy là hàng trăm triệu đồng tiền giả. M. bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt tại khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Thụ lý vụ án này là Thiếu tá Lê Mạnh Hùng, cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Tiếp xúc với hồ sơ vụ án, đồng thời biết được đoạn trường 15 năm của người đàn bà đa truân. Đồng thời nghe câu chuyện tìm con của ông C. Thiếu tá Hùng cảm thấy thực sự xúc động. Anh cũng rất lo lắng giờ đây chị M. bị bắt, thì bốn đứa trẻ (trong đó có một cháu bé mới được vài tháng tuổi) sẽ sống thế nào. Chính vì thế, Hùng đã tìm mọi cách giúp đỡ.
Qua nhiều tác động từ Hùng tới cơ quan chức năng, cuối cùng bốn đứa trẻ cũng được về Việt Nam và được gia đình nhà ngoại đón nhận. Khi lập hồ sơ vụ án của P.T.M, Hùng cũng chú ý đến tình tiết chị M. bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Trong vụ án buôn tiền giả, M. cũng vì tin người nên mới sa vào vòng lao lý. Suốt quá trình điều tra, xét xử chị M. luôn khai báo thành khẩn nên được Tòa án xử 7 năm tù giam. Thụ án được 5 năm thì chị được đặc xá, tha về trước thời hạn.
Hiện tại, chị M. vẫn tham gia buôn bán nhỏ. Các con đều được đi học hành đầy đủ tại Ninh Bình. Năm nào ông C. cũng mang những sản vật quê hương đến thăm người công an tốt bụng.
2. Chị Lê Thúy H. (SN 1978, trú tại Văn Bàn, Lào Cai) - một hồng nhan quê gốc Quảng Ninh - cũng có một cuộc đời gian truân chẳng kém.
|
Ngôi nhà anh Đ. chị H. "mai danh ẩn tích" gần 20 năm. |
Năm 1991, theo tiếng gọi của tình yêu H. bỏ lại tất cả để tìm lên chốn rừng thiêng nước độc huyện Văn Bàn. Trước đó, người yêu của chị (anh tên Đ.Q.Đ, cũng quê Quảng Ninh) vì ghen tuông mà dùng súng bắn người. Sau đó anh trốn biệt tích lên Lào Cai.
Mấy chục năm qua ngôi nhà nhỏ, vách đất trộn rơm, mái lá tuềnh toàng nằm giữa một khu đất rìa thị trấn Văn Bàn là nơi cưu mang hai kẻ "cùng đường". Mới hơn 20 tuổi đầu lại là chị cả, H. thật sự đau đớn như đứt từng khúc ruột khi phải rời bỏ gia đình để theo Đ. Chị H. nghĩ, mình đi thì đã đành, nhưng ở nhà còn cha mẹ già, em nhỏ. Hơn nữa, mình lên trên ấy thì chả ai biết, chỉ thương cha mẹ ở nhà phải chịu tiếng xấu, rằng "không biết dạy con", rằng "có đứa con gái thì chạy theo giai...".
|
Gia đình hạnh phúc của anh Đ., chị H.. |
Trước mắt là tương lai mờ mịt với những khó khăn chồng chất, song chị H. vẫn ra đi theo tiếng gọi của con tim. Ngồi trên chiếc xe ca bò từng đoạn đường toàn đá hộc từ thị trấn Bảo Hà lên Khánh Yên, H. không khỏi hoang mang về một tương lai bất định. Giữa chốn rừng hoang núi thẳm kia, hai đứa biết sẽ lấy gì để sống đây?
Với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng chị H. chỉ biết nương tựa vào bà con dân bản để sống. Sau khi được người dân dựng cho căn nhà vách đất, vợ chồng dùng nó mở một cơ sở làm bánh tráng. Cả ngày đầu tắt mặt tối, đôi trẻ thay nhau xay gạo, tráng bánh.
Được vài kilôgam thì một người lại xách bộ ra thị trấn giao hàng bỏ mối. H. bảo, được ở bên người mình yêu thương dĩ nhiên là một niềm hạnh phúc không gì so sánh được, nhưng nỗi nhớ nhà, thương bố mẹ già cùng hai đứa em nhỏ dại cũng luôn giày vò tâm can chị. H. chỉ biết dồn tất cả sức lực vào công việc, phần để chung tay với Đ. tích cóp đồng nào hay đồng ấy lo cho tương lai, nhưng chủ yếu là lao vào công việc để vơi bớt nỗi nhớ nhung.
Cuộc sống của họ kín đáo, thời gian cứ dần trôi. Cơ duyên đến với đôi trẻ khi năm 1994, UBND thị trấn Văn Bàn có nhu cầu tuyển y sĩ. Vốn có bằng trung cấp, Đ. đã nộp đơn xin vào công tác tại Trường mầm non Hoa Hồng với chức danh thủ quỹ kiêm y sĩ. Năm 1995, đến lượt H. nộp đơn đi học lớp 12+6 tháng để trở thành giáo viên mầm non, rồi giáo viên tiểu học. Ngay cả khi hai người có công ăn việc làm ổn định rồi thì công việc tráng bánh phở vẫn được họ duy trì.
Trước đó, năm 1993 đứa con trai đầu lòng của hai anh chị ra đời. Cả hai cứ ngày đi làm, đêm lại tiếp tục tráng bánh. Mỗi đêm hai "vợ chồng" phải cố tráng được 30kg bánh để kiếm thêm tiền nuôi con. Năm 1997, đứa con thứ hai ra đời, H. tiếp tục phấn đấu đi học lên cao đẳng. Đến năm 2007 thì H. được chuyển về Trường tiểu học Khánh Yên Trung đồng thời tiếp tục được cử đi học đại học.
Nhưng rồi, Đ. cũng không trốn tránh pháp luật được mãi.
|
Thiếu tá Lê Mạnh Hùng trong một chuyến đi công tác tại vùng cao Tây Bắc. |
Cuối năm 2007, Thiếu tá Hùng nhận nhiệm vụ lập kế hoạch bắt 5 đối tượng có lệnh truy nã lâu năm, trong đó có y sĩ Đ.Q.Đ. Sau thời gian tiến hành điều tra, với năng lực sẵn có cùng sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của đồng đội và Công an huyện Văn Bàn (Lào Cai) Hùng đã phát hiện ra nơi ẩn náu của đối tượng trong lệnh truy nã khẩn cấp của Công an tỉnh Quảng Ninh từ năm 1991.
Ngày 3/1/2008, Thiếu tá Hùng cùng các trinh sát có mặt tại thị trấn Khánh Yên để tiến hành bắt giữ Đ.Q.Đ.. Theo kế hoạch, tổ công tác sẽ tiến hành bắt giữ đối tượng vào thời điểm chiều tối. Hùng cùng đồng đội lặng lẽ bao vây ngôi nhà được cho là đối tượng đang ẩn náu. Một số trinh sát trẻ rất nóng lòng, muốn đạp cửa xông vào trói nghiến lấy tên tội phạm để hoàn thành công việc. Song Hùng là tổ trưởng, mọi việc đều phải theo lệnh của anh.
Sau chừng 5 phút, Hùng đột ngột ra hiệu lệnh cho đồng đội rút lui, tiếp tục thực hiện phương án hai. Các trinh sát có vẻ hơi khó chịu, bởi họ đã cùng nhau "trồng cây đến ngày hái quả" rồi mà lại chưa được hái.
Thắc mắc hành động đó của anh, Hùng tâm sự, rằng cái giây phút chuẩn bị xông vào bắt giữ đối tượng truy nã, Mạnh Hùng bỗng khựng lại, vì anh nghe thấy tiếng trẻ con đang nô đùa rất vui vẻ trong nhà. Hùng nghĩ, nếu ta mà ập vào bắt lúc này, sẽ là rất thuận tiện vì đối tượng sẽ bị bất ngờ và không thể chống cự, song sự việc cũng sẽ khiến cho những đứa trẻ trong nhà bị một ấn tượng xấu về người cha của nó mà không dễ gì gột rửa được...
Sáng hôm sau, Hùng cùng đồng đội có mặt tại Trường mầm non Hoa Hồng, nơi đối tượng làm việc để tổ chức tiến hành bắt giữ. Sau khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, Hùng cùng các đồng đội tiếp tục thực hiện lệnh khám nhà. Trong quá trình điều tra truy bắt Đ.Q.Đ., Lê Mạnh Hùng đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là những cố gắng hoàn thành nghĩa vụ công dân của Đ. và gia đình.
Cũng như thẩm phán Nguyễn Hữu Nhượng, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án "Giết người" của bị cáo Đ.Q.Đ., Hùng cảm thấy hành vi dùng súng bắn tình địch của Đ. chỉ là bột phát. Sau khi gây ra vụ việc cũng có ý thức sửa chữa lỗi lầm. Việc bị cáo bỏ trốn cũng là vạn bất đắc dĩ. Hùng cảm thấy mình phải có trách nhiệm giúp Viện Kiểm sát, Tòa án có những bằng chứng để xử vụ án này một cách công minh, có lý, có tình và thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật. Hùng lặng lẽ sao lại các bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận gia đình văn hóa... của gia đình Đ..
Khi anh Đ. chấp hành xong án phạt tù, cũng chính Hùng đã cậy cục người quen để thu xếp công việc cho anh Đ. ngay tại Quảng Ninh. Khoảng 2 năm trước, anh Đ. đã trở về Lào Cai để đoàn tụ cùng vợ con. Thỉnh thoảng hai vợ chồng anh Đ. về quê thăm gia đình đều không quên qua nhà người công an tốt bụng mà giờ họ coi là ân nhân.
Theo Minh Tiến/ An ninh thế giới