Anh hùng từ thời niên thiếu
Tiếp chúng tôi tại căn phòng nhỏ (khu tập thể Bộ Xây dựng, ngõ Hòa Bình 7, đường Minh Khai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), lần đầu gặp ông ít ai biết được năm nay ông đã bước sang tuổi 97. Tự tay ông pha cho tôi cốc cà phê, ông bảo, ông cao số lắm, chết hụt nhiều lần, chỉ có "trời" mới có thể bảo vệ tính mạng của ông.
Đã sống trên đời gần 1 thế kỷ, nhưng sức khoẻ và trí tuệ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm đã diễn ra cách đây vài chục năm về trước. Ông sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống nho giáo. Ngày nhỏ ông Việt được bố đưa vào học tại trường Quốc học Huế. Ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia nhiều các hoạt động đấu tranh, biểu tình chống sự đô hộ của thực dân Pháp.
Để phản đối tư tưởng cầu hòa của nhà Nguyễn, khiến nhân dân trong cảnh lầm than, cơ cực, năm 1942, ông Việt đã tổ chức các nhóm học sinh đi diễu hành. Trước cổng Ngọ Môn nội thành Huế, chàng thanh niên Đặng Văn Việt đã trèo lên cột cờ, hạ lá cờ triều đình nhà Nguyễn xuống, treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh lên cao trước sự bất ngờ của vua quan nhà Nguyễn. Ông Việt chưa kịp xuống thì mấy chục tên lính giương mũi súng hướng về phía mình, họ chỉ chờ lệnh của vua Bảo Đại để bóp cò. Vua Bảo Đại hô vang: "Đừng bắn, đừng bắn, các anh bắn nó thì tôi cũng chết". Hành động đó của vua Bảo Đại, đến bây giờ ông Việt vẫn còn cảm thấy bất ngờ. Ông chỉ giải thích được rằng, khi đó vua Bảo Đại rất sợ Việt Minh, sợ sau khi giết ông Việt sẽ tạo làn sóng đấu tranh biểu tình khủng khiếp hơn.
|
Sách do ông viết đạt nhiều giải thưởng cao quý. |
"Con hùm xám" trên đường số 4
Trong sử sách viết về chiến dịch Biên Giới năm 1950 nói rất nhiều chiến công của quân và dân ta. Nhưng khi tôi được gặp ông Đặng Văn Việt mới biết ông là người chỉ huy nhiều trận đánh trong chiến dịch này. Trước năm 1950, con đường số 4, chạy dọc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn bị quân Pháp độc chiếm, bọn chúng xây dựng các khu quân sự kiên cố, với ý đồ nghiền nát ý chí của quân ta và cắt đứt sự chi viện của quân ta. Ông Việt kể: "Để hướng tới chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950, quân ta chủ động mở chiến dịch Đông Khê 1, Đông Khê 2 do tôi làm chỉ huy. Dựa vào địa hình hiểm trở, tôi cùng với các tiểu đội xung kích, bắn phá vào các khu căn cứ quân sự kiên cố của kẻ thù. Do được tập luyện kỹ càng, chiến lược đánh úp rất nhanh chóng, khiến quân địch không kịp trở tay. Nhiều pháo đài của địch đã bị quân ta san phẳng".
Sau này theo thống kê của chỉ huy Pháp, năm 1948, ông Việt chỉ huy tất cả 80 trận đánh lớn nhỏ trên đường số 4 và đều giành được thắng lợi. Quân đội Pháp đã phải họp bàn, điều cả những tướng lĩnh tài ba nhất để tổ chức càn quét lại quân ta. Bọn chúng giăng ra rất nhiều bẫy để bắt "con hùm xám". Chừng nào chưa bắt được "Con hùm xám Đặng Văn Việt" thì bọn chúng còn bị tổn thất nhiều. Nhưng rồi kế hoạch đó thất bại trước sự mưu trí, dũng cảm của ông Việt.
"Nhiều người hỏi tôi rằng, tôi chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về quân đội, nhưng lại có mưu lược tài tình, đánh đâu thắng đó. Tôi cười bảo, dòng máu cách mạng, chiến đấu vì dân tộc luôn chảy trong cơ thể tôi. Vì thế, khi tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng tiêu diệt quân địch, tôi phải nỗ lực, dù phải hy sinh tính mạng của bản thân. Đó là chiến thắng của toàn thể nhân dân chứ không riêng gì cá nhân tôi", ông Việt cho biết.
Ông Việt bảo, trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết nó mong manh lắm. Tính tổng cộng ông có hơn 30 lần chết hụt, những mảnh đạn, vết thương vẫn còn hằn trên cơ thể của ông. Trong những giây phút lâm nguy, chỉ có may mắn mới giúp ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
|
Ông Việt ôn lại kỷ niệm xưa. |
Tướng lĩnh Pháp xem ông như sếp
Du khách Pháp sang Việt Nam du lịch có hai danh tướng mà họ muốn gặp nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Đặng Văn Việt. Hầu như tháng nào ông cũng đón tiếp các đoàn khách từ Pháp đến hỏi thăm sức khoẻ. Họ nói rằng qua sách vở, họ biết ông là một vị tướng tài ba, giành được nhiều chiến công trong chiến tranh. Họ rất muốn được gặp ông, nói chuyện, hỏi thăm tình hình sức khoẻ. Người Pháp rất thích những cuốn hồi ký của ông viết về cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam với quân đội Pháp.
Ước mơ một lần sang Thủ đô Paris (Pháp) hoa lệ của ông Việt được thực hiện vào năm 2005, khi đó có một người bạn mời ông sang chơi. "Dù tôi sang đó hoàn toàn bí mật, nhưng không hiểu sao những tướng lính quân đội Pháp trước đây biết tôi sang. Họ tổ chức tiệc chào mừng tôi có mặt ở Pháp. Khi gặp tôi họ tay bắt mặt mừng, quý mến trân trọng như những người bạn thân. Đặc biệt trong lời nói, hành động họ coi tôi như sếp của mình", ông Việt nhớ lại.
|
Ảnh tư liệu ông Việt (đứng thứ 6 từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa
cùng các tướng lĩnh Pháp. |
Đặc biệt, Đại tướng Bigeard, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, đã viết thư tay để gửi tới ông Việt trong những ngày ông sang thăm Pháp. Bức thư có đoạn: "Tôi được tin anh qua Pháp, vì tuổi cao sức yếu tôi không qua thăm anh được. Tôi rất ngưỡng mộ đất nước và con người Việt Nam và đã đặt trái tim trên đất nước Việt Nam. Khi nào tôi qua đời, tôi muốn con cháu mang một phần tro cốt của mình sang Điện Biên Phủ để được nằm cạnh các chiến sĩ của tôi".
Lần đó, ông Việt gặp rất nhiều người con của các vị tướng, từng là kẻ thù của ông trong chiến tranh. Họ biết ông qua lời kể của cha mình. Vì thế, khi gặp ông họ rất ngưỡng mộ, tiếp đón ông như một vị tướng của nước họ. Điều đó khiến ông Việt rất xúc động.
Năm nay ông Việt đã bước sang Tuổi 97, nhưng hằng ngày ông vẫn viết sách. 50 năm qua ông vẫn ở trong căn phòng 15m2 khu tập thể Bộ Xây dựng. Ông bảo, hơn nửa đời ông làm binh nghiệp, rồi tham gia xây dựng kinh tế phát triển đất nước, chưa bao giờ đòi hỏi bất kể quyền lợi gì cho mình. Lãnh đạo cơ quan cho gì thì ông xin nhận như thế. Dù nhiều người cùng thời như ông, giờ họ sống trong nhà cao cửa rộng. "Lương hằng tháng, tôi dành phần lớn để in sách. Nhưng số tiền đó quá ít ỏi, chỉ in được số lượng nhỏ. Ước muốn lớn nhất của tôi bây giờ, có một đơn vị nào đó đứng ra đảm nhận việc in ấn những cuốn sách do tôi viết, để thế hệ sau biết đến lịch sử hào hùng của dân tộc".
Sau khi ông Đặng Văn Việt chỉ huy giành thắng lợi trên con đường số 4, ông được đơn vị cử đi học tại trường Đại học Xây dựng, sau này ông được phân công làm Cục trưởng Cục Xây dựng (trực thuộc Bộ Xây dựng). Giờ niềm vui của ông là viết sách. Ông đã viết được 15 cuốn sách và được Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng cao quý.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
Đức Lợi