Những cuốn sổ tay to hơn bàn tay, giấy nâu và thô rám, ẩn trong tờ bìa màu xanh được khâu đóng cẩn thận bằng kim chỉ. Chẳng có hoa văn bóng loáng, chẳng có họa tiết vi tính với những câu chữ sắc màu, những cuốn sổ tay giản dị ấy vốn là bạn đồng hành của bao thế hệ chàng trai, cô gái, từ bờ dứa rặng tre đến thị thành phố xá.
Bao chàng đã khiến người đẹp “say nắng” chỉ vì khó thể kiềm lòng trước những đường bút tự tay mình trổ tài “phượng múa rồng bay” trên từng trang sổ. Trong cuốn sổ đó, bạn gửi vào những dòng thơ lấp lánh, trữ tình, những câu châm ngôn nặng nghĩa tình bè bạn, những bài hát nhớ mãi mai sau, những kỷ niệm tinh nghịch, tri kỷ, những bức họa đa sắc màu non nước, quê hương...
Thế hệ của ông tôi, cha tôi, anh, chị tôi, giờ đây lật trong ngăn tủ, những cuốn sổ ấy vẫn được bọc cẩn thận, dù dòng thời gian khiến giấy sẫm màu nhưng nét mực vẫn tươi nguyên. Những cuốn sổ ấy cha tôi lưu giữ từ thời trai trẻ, từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đó là muôn vàn kỷ niệm trên mỗi chặng đường công tác, khi tuổi thanh xuân thúc giục bước chân.
|
Những cuốn sổ tay lưu niệm là bạn tri kỷ của các thế hệ thanh niên ngày trước. |
Đó là những cuốn sổ với lời ca, dòng nhạc mà chị tôi vẫn lưu giữ trong ngăn tủ, cuốn sổ lưu lại kỷ niệm người bạn cùng trường, cùng xóm những năm 70, 80, những đêm rảo bước đường làng xem chiếu phim lưu động ở bãi cỏ ven sông, những trưa hè đội áo luồn rừng bẻ măng, những buổi gặt thuê để đổi lại bữa ăn thời kham khó...
Và tôi, thế hệ 7x, cuốn sổ đó cũng không hề xa lạ, chỉ có điều nó đã được cải tiến nên đẹp hơn, gọn hơn với hình bìa diễn viên Diễm Hương, Việt Trinh những năm 90 vang bóng điện ảnh nước nhà.
Sổ tay, rồi nhật ký, thực sự đó là kỷ vật không gì đánh đổi, như biểu trưng cho một thời kỳ văn hóa trước khi có sự bùng nổ của mạng internet. 15 năm trước, việc ra mắt hai cuốn nhật ký thời chiến “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã tạo nên cơn sốt sách hiếm có trong thời bình, gây hiệu ứng xã hội rất lớn, góp phần giáo dục, thức tỉnh lý tưởng sống của thanh niên.
Ngay trang đầu cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống: “Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Đó cũng là tinh thần bao trùm toàn bộ cuốn sổ tay, nhật ký, là một biểu trưng cho hoài bão, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước: Sống, chiến đấu vì nền độc lập dân tộc và xây dựng CNXH.
Trong làn bom đạn quân thù, khi nói về suy nghĩ sau ngày hòa bình lập lại liệu có nên đề nghị Nhà nước chiếu cố, ghi công về những hy sinh, mất mát, Thùy Trâm đã khẳng định quan điểm trong trang nhật ký đề ngày 14-6-1970, tức chỉ 8 ngày trước khi chị hy sinh (22-6-1970): “Hôm qua, trong cảnh hoang tàn sau trận bom, mọi người gồng gánh ra đi, anh Đạt đăm đăm nhìn mình nửa đùa nửa thật hỏi: “Có ai biết cảnh này không nhỉ? Nếu hòa bình lập lại ắt hẳn phải chiếu cố nhiều đến những người đã qua cảnh này”. Mình cảm thấy đau nhói trong lòng, mình làm không phải để được chiếu cố nhưng có ai hiểu nỗi ước ao cháy bỏng trong mình không? Mình trả lời anh Đạt: “Ồ, em chả cần chiếu cố đâu. Ước mong của em chỉ là hòa bình trở lại để em được trở về với má em. Có thế thôi”. Quả thực mình đã không nghĩ đến hạnh phúc của tuổi trẻ, không hề mong ước được sống trong một tình yêu sôi nổi mà lúc này chỉ có tình gia đình, chỉ có ước mong sum họp với gia đình. Có thế thôi chứ không mong hơn ngoài việc phục vụ cho Đảng, cho giai cấp nữa”.
Bây giờ, những cuốn sổ tay, nhật ký bìa xanh, giấy nâu khuất dần vào vùng kỷ niệm của những thế hệ thanh niên ngày trước. Số hóa khiến những cuốn sổ giấy buộc phải nhường đường như một quy luật hiển nhiên của cuộc sống mới. Facebook, Zalo, Viber... thay thế sổ tay, thư giấy.
Người ta chẳng phải đợi ròng rã tuần này sang tháng khác để mong thư, chờ tin của người bạn mình trông ngóng, người ta cũng không còn rửa ảnh, ép ảnh để gửi vào những phong thư mong nói hộ lòng mình. Thanh niên cũng hiếm khi ghi những câu châm ngôn về lý tưởng sống lên sổ tay. Giờ đây, sự hồi hộp, đợi chờ, sự mong mỏi, ngóng trông đã nhường lại cho những “đường cao tốc”, “tia chớp”, hỏi ngay nói ngay, nhắn nhanh đáp gọn. Như thế mới theo kịp xu hướng số hóa, xu hướng hội nhập, xu hướng “ngay và luôn”. Thời này còn thì giờ đâu để hoài niệm, mong ngóng? Nhưng, trong tâm lý, tình cảm, dường như có những thứ số hóa không thay thế được, nó vẫn có độ lặng, độ trễ, độ tĩnh mà công nghệ ngày nay thật khó chuyển tải như sổ tay, thư tay ngày trước. Tình cảm thể hiện từ những cuốn sổ tay, những lá thư thức đêm gửi bạn phương xa và dãi dầu chờ đợi hồi đáp, dù nó chậm, dù phải đợi lâu lắm nhưng chính điều đó lại có sức bền, sức nặng, sự tri kỷ, nghĩa tình không gì thay thế được.
Trong bài làm văn nghị luận về lý tưởng sống của thanh niên ngày nay (lớp 12), một bài viết được lựa chọn văn mẫu đã phân tích lý tưởng sống giữa hai thời kỳ (kháng chiến và thời bình) như sau: “Thế hệ thanh niên - những người nối gót ông cha vẫn lên đường hành quân vì một lý tưởng cao đẹp: "Độc lập tự do của dân tộc". Đó là ở cái thời kỳ lòng yêu nước là tiên quyết, kháng chiến giải phóng dân tộc là nhiệm vụ, không một người thanh niên Việt Nam nào được phép trốn tránh... Đó là lịch sử. Còn hiện tại thì sao?
Chúng ta đang sống trong một môi trường hòa bình, là thành quả cách mạng mà thế hệ đi trước để lại. Chúng ta - những con người trẻ tuổi phải làm gì để bảo vệ thành quả cách mạng ấy và đưa đất nước ta phát triển "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời dạy của Bác Hồ. Đó chính là lý tưởng sống cao đẹp nhất của thế hệ thanh niên ngày nay. Để làm được điều đó, thanh niên ngày nay phải rèn luyện cả về trí tuệ cũng như tâm hồn. Những kiến thức, bài giảng trên trường lớp không bao giờ là thừa thãi cả. Bạn đừng học với nghĩa lúc nào cũng chỉ chú ý vào điểm số. Hãy chú ý vào những gì mà bạn có được. Mỗi ngày bạn đi học hãy tổng kết lại hôm nay bạn học được những gì. Đừng xô bồ với những thứ không cần thiết...”.
Đất nước gần nửa thế kỉ kể từ ngày thống nhất Bắc - Nam, non sông một dải, thanh niên Việt Nam ngày nay đã có những thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách nói và hành động. Thanh niên không còn viết nhật ký, viết sổ tay, không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, cách mạng gửi về gia đình, người thân. Thanh niên trở nên bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập. Thanh niên bị cuốn hút vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, của bao thứ cám dỗ đời thường. Thanh niên không ôm sách, đỏ đèn giữa đêm khuya để đọc “Thép đã tôi thế đấy”, “Đất nước đứng lên”, “Đất rừng phương Nam”...
Thanh niên ngày nay năng động, nhanh nhạy hơn với cuộc sống, bám theo xu thế hội nhập, sự vận động của cơ chế kinh tế mở. Xã hội biến chuyển, sự thay đổi muôn trạng đó cũng theo quy luật. Đi cùng với đó là lối sống của một bộ phận bạn trẻ đang có xu hướng thị trường, thực dụng hóa, lãng phí tuổi thanh xuân bằng sự hưởng thụ bốc đồng.
Nhưng, không thể phủ nhận những thanh niên lường trước vận hội, đường xa phải tu trí lực, tìm tòi và bắt đầu những bước khởi nghiệp trên chính đôi chân của mình. Thời nào cũng vậy, câu nói “lao động là vinh quang” không bao giờ lỗi thời, tương lai chỉ có ý nghĩa nếu con đường hôm nay bạn biết bước đi theo lý trí của mình, biết lao động để tìm tòi, tạo lực, khai mở cho chính con đường đó. Những hành động của tuổi trẻ dù lớn, dù nhỏ, dù ở đô thị hay nơi xa xôi hẻo lánh, nếu thực hiện bằng ý nghĩ, lòng thành của mình, điều đó luôn được tôn trọng và cổ vũ, nhân rộng.
Biết bao bạn trẻ vẫn dùi mài sách bút, cống hiến, tìm tòi con đường đi cho chính mình và góp sức cùng sự phát triển của xã hội. Có điều, trong môi trường mạng bùng nổ hiện nay, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những luồng quan điểm, thông tin sai trái trên mạng internet, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi vốn tồn tại rất lớn trong giới trẻ.
Theo Đăng Trường/CAND