Độc nhất nghệ thuật vẽ tranh trên gạch men

Google News

Gần đây, giới hội hoạ và người yêu tranh có thêm một dòng tranh mới - tranh vẽ trên chất liệu gạch men của nữ họa Nguyễn Thị Lan Hương.

Người hoạ sỹ và người yêu hội hoạ có thể vẽ tranh trên nhiều chất liệu khác nhau như: Giấy, gỗ, lụa, sơn mài, gốm, trên da thịt con người... Mỗi chất liệu, cho những hồn tranh khác nhau. Gần đây, giới hội hoạ và người yêu tranh có thêm một dòng tranh mới - tranh vẽ trên chất liệu gạch men của nữ họa Nguyễn Thị Lan Hương.

Cuộc dạo chơi thú vị

Trao đổi với PV, hoạ sỹ Lan Hương thú nhận: "Gắn bó với đất là một cuộc chơi thú vị trong đời cầm bút vẽ của tôi". Chị kể, cơ duyên đến với việc vẽ tranh trên men gốm bắt nguồn từ một lần chị được mời đến thiết kế mẫu cho nhà máy gạch men Hương Canh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Chứng kiến quá trình làm gạch men ở các xưởng sản xuất công nghiệp tại đây, chị thấy đất, gạch lôi cuốn mình.

"Từ đó, nhiều ý tưởng được nhen nhóm, phác hoạ trong đầu, tôi gắn bó với men, với gạch từ đây", hoạ sỹ nói giọng hài hước: "Theo can chi, tôi mạng thổ nên bén duyên với đất và lửa cũng là lẽ thường tình. Khi gặp những nguyên liệu tạo nên men gốm, tôi cảm thấy rất gần gũi.".

v
Chân dung họa sỹ Lan Hương.

Theo hoạ sỹ, những tác phẩm tranh đất gạch men hoàn thành, chị dùng tặng bạn bè là chính. Sau mỗi một tác phẩm, chị phát hiện ra một điều thú vị là vẽ trên bề mặt gạch cũng không khác sáng tác trên bề mặt phẳng của các chất liệu khác là mấy. Chị thấy yêu cái lối "chiều" người sáng tác rất giản dị của gạch men bởi nó không đòi hỏi người họa sỹ phải tốn nhiều công sức như ủ, mài, đánh bóng, phơi...  Thời gian để có một tác phẩm tranh như ý ngắn, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi sáng tác là người họa sỹ có thể thưởng thức được tác phẩm của mình.

Đúc kết về thời gian "điên" trên chất liệu gạch men, hoạ sỹ Lan Hương cho biết: Sáng tác trên men gốm không chỉ giúp người họa sỹ nắm được những kỹ thuật tối thiểu về chất liệu đất cũng như nhiệt độ mà còn rất phong phú trong cách thể hiện như bút nho, mực tàu hoặc dùng bút lông để vẽ men dầy lên như sơn dầu hoặc dùng kỹ thuật điêu khắc để khắc trên bề mặt... Đặc biệt men gốm hơn rất nhiều những chất liệu khác ở chỗ sau khi nung xong sản phẩm sẽ hoàn toàn đồng chất từ bề mặt đến các họa tiết trang trí.

Hoạ sỹ khẳng định: "Tôi đã trải qua rất nhiều chất liệu vẽ tranh nhưng khi được gần gũi với đất, sự kích thích ý tưởng sáng tác trong người mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vẽ trên gốm, tôi cảm thấy thực sự thoải mái bởi cảm nhận được giải phóng mình. Cái cảm giác bị bó hẹp trong khuôn phép trên gỗ hay nắn nót trên giấy... như các chất liệu khác hình như không tồn tại. Cảm giác của tôi là đang chơi đất nên rất tự nhiên, phóng khoáng và đầy màu sắc."

Triển lãm "Sắc màu 3" vừa diễn ra tại Hà Nội làm chị quá bận rộn với tranh gạch men. Trong ngày triển lãm, nhiều người đến nhờ chị hướng dẫn cho họ cách vẽ tranh trên men gốm. Đó là niềm vui bất tận của người hoạ sỹ. Tại đây, ý tưởng bất chợt xuất hiện khi chị nhìn thấy chỗ màu vẽ và đất mọi người dùng để học vẽ cho tác phẩm của mình thừa, nằm vương vãi trên sàn. Chị vội bắt tay vào làm một mạch cho đến sáng không ngừng nghỉ và 3 bức tranh về biển cùng một bức tranh hoa gạo đã được thai nghén, ra đời từ chính giây phút thú vị đó.

v
Các tác phẩm tranh gạch trong triển lãm "Sắc màu 3" ngày 10/10/2012.

Người tiên phong

Với họa sỹ Lan Hương, kỹ thuật vẽ trên men gốm không có gì đặc biệt mà tự nhiên như trên bột màu. Sự quyến rũ của chất liệu này đối với người họa sỹ chính là sự biến đổi thú vị từ màu vẽ khi nung qua lửa. Quá trình nung qua lửa nhiều lần trên dây chuyền sản xuất công nghiệp với nhiệt độ ổn định nên màu sắc sẽ bị biến đổi từ đậm sang nhạt hoặc ngược lại... nhưng chính những kết quả bí mật đến phút chót ấy đã chinh phục người hoạ sỹ cùng những sáng tạo độc đáo, khác lạ.

Thực tế, có những bức vẽ thử nghiệm (tức trước khi nung qua lửa - PV) khá thành công nhưng khi muốn phóng tác ý tưởng trên một diện tích rộng, phải ghép rất nhiều miếng nhỏ lại với nhau thì việc gặp những tai nạn phát sinh như lỗi kỹ thuật hay sự cố nứt tóc trên gạch mà mắt thường không nhìn thấy là điều dễ hiểu. Ngoài ra, khi gặp nhiệt độ cao men gốm còn dễ bị nứt vỡ. Còn nhớ bức tranh chị vẽ phong cảnh Hương Canh (Vĩnh Phúc) vào buổi đêm là một bức tranh khổ lớn tới 40,2m. Khi gạch ra lò thì phát hiện ra hai viên chính giữa bị rơi vỡ trong lò. Chị xuýt xoa nói: "Nếu rơi bên ngoài còn có thể nhặt và ghép lại được còn rơi trong lò thì chỉ còn nước để lại làm kỷ niệm mà thôi."

Trải qua những tai nạn nghề nghiệp như thế, dần dần chị có những kinh nghiệm về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sáng tác trong cách đoán độ lửa, nhiệt độ, màu sắc sử dụng cho phù hợp... để làm chủ được chất liệu. Với hoạ sỹ, làm chủ được chất liệu, có nghĩa là tranh vẽ đã thành công được một nửa. Sau này chị thường chọn cách sáng tác an toàn là vẽ tranh trên những viên gạch đã nung qua một lần lửa để có sự ổn định về bề mặt. Cũng có khi gặp phải những sự cố như mất điện, hở hơi, nhiệt độ không ổn định làm ảnh hưởng hình ảnh của tranh vẽ khi ra lò.

v
Hai bức tranh "biển" của họa sỹ Lan Hương tại triển lãm.

Kỹ thuật làm gốm bình thường ở Phù Lãng (làng nghề truyền thống ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) hay Hương Canh là được vuốt bằng đất nhưng trong kỹ thuật công nghiệp thì mài đất sấy khô rồi ép phẳng nên độ dẻo cao. Chị tâm sự: "Cái thú của người họa sỹ  khi sáng tác trên thứ gạch men gốm đặc trưng của Hương Canh là một mặt phẳng hoàn toàn và không có sự cong vênh hay nứt vỡ".

Không như các loại tranh gốm Trung Quốc, làm theo công nghệ in thủ công và nung nhẹ qua lửa. Họ chủ yếu là ép thủ công hoặc in trên đề can rồi dán vào gốm. Tranh của hoạ sỹ Lan Hương hút người xem bởi những tông màu thật trầm, kết hợp với màu nâu tự nhiên của đất làm những âm vang xưa cũ vọng về. Khi phóng tác trên gốm, người ta khó lòng mà vượt qua được hình hài mang tính mặc định của những bình, đĩa, chum, vại, ấm, chén quen thuộc.

Giới hoạ sỹ đánh giá chị là người dũng cảm, dám tự mình làm "một cuộc cách mạng" trong chất liệu vẽ tranh bằng cách thể hiện trên mặt phẳng hoàn toàn của men gạch. Chị tâm sự: "Mình đặc biệt thích sáng tác trên những bức tranh khổ lớn gồm nhiều miếng nhỏ ghép vào nhau. Đây là việc làm không dễ nhưng nó lại chuyển tải được hết sự tự do, khoáng đạt về ý tưởng trong tác phẩm của mình".             

Vẽ tranh trên men gốm đòi hỏi người vẽ  không chỉ làm tốt vai trò của một họa sỹ mà có những công đoạn họ phải hóa thân như những người thợ thủ công lành nghề. Công đoạn làm một bức tranh gốm trải qua 2 bước cơ bản là nhào đất và vẽ phác thảo (hay còn gọi là vẽ phơi). Trung bình tranh khổ 1m2 phơi mất 1 ngày. Họa sỹ phải biết cách nhào đất sao cho nước vừa khéo và dàn đất lên trên giàn lõm (hình khổ tranh) rồi lấy gạt vuốt lớp đất thừa ở trên. Khi khung tranh đã thành hình là thời điểm họa sỹ có thể vẽ lên trên theo ý tưởng rồi cắt thành miếng để tiện cho vào lò nung.

Với những công đoạn thủ công cùng việc nung gốm bằng củi, đôi khi sản phẩm ra lò có cú "táp lửa" rất độc đáo. Sự biến đổi của màu sắc của tranh vẽ đã đem đến những tác phẩm tranh đa diện, nhiều chiều của không gian mênh mông. Người thưởng thức có thể tha hồ tưởng tượng cùng những tranh vẽ "táp lửa" như vậy.

Theo Tuệ Linh
Người đưa tin
 
Đang đọc nhiều: