Đem nguyên con lợn sống vào chùa cúng Phật, rồi xẻ thịt nấu cỗ

Google News

Cúng lễ truyền thống, ai cũng hiểu là phải cúng lễ chay. Nhưng điều kỳ lạ là có một nhóm phật tử bê nguyên cả con lợn sống vào chùa dâng lễ.

Đem lợn vào chùa giết thịt, nấu cỗ
Theo ông Thái Văn Hai, Hội trưởng chùa ông Minh Tánh (ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), nhân dịp mùng 10/3 (nhằm ngày 16/4 dương lịch) năm nay, bà con phật tử như thường lệ chuẩn bị cúng lễ truyền thống bằng lễ chay. Bất ngờ, thì phía ông Lê Văn Sáu và ông Võ Văn Nhân (những người từng tham gia xây dựng chùa) lại chủ trương cúng… lễ mặn. Và ngay lúc ấy đã xảy ra mâu thuẫn giữa 2 nhóm phật tử. Thậm chí, phía ông Sáu và ông Nhân còn làm đơn xin phép đến UBND xã Thuận Hưng cho cúng lễ mặn!
Ngay sau khi nhận đơn, ngày 13/4/2016, UBND xã Thuận Hưng tổ chức buổi họp hòa giải. Hôm đó, ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện cho người dân, lại đề nghị hai bên cùng cúng lễ theo ý thích. Phía ông Sáu sẽ không được cúng trong chánh điện vì chưa có chỗ thờ và đồ đạc riêng cho việc cúng lễ mặn. Nhưng phía ông Sáu không đồng ý, yêu cầu UBND xã Thuận Hưng cho ông phải được cúng trong chánh điện.
Điều khiến mọi người bất ngờ là trong buổi họp, ông Trần Văn Tình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thuận Hưng nói rõ: Theo chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Tú, ông Hai phải bàn giao chìa khóa cho Hội miếu Ông (phía ông Sáu) để tổ chức nghi thức cúng lễ hằng năm - tức cúng mặn. Còn đồ đạc, những gì thuộc về chùa thì sẽ cho cán bộ đại diện ủy ban xuống niêm yết lại, trả về cho chùa.
Kết thúc buổi họp, ông Lâm Xưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng yêu cầu ông Hai phải giao chìa khóa cho ông Sáu; đồng thời yêu cầu ông Hai không được mời… sư đến tụng kinh. Với chỉ đạo đó, UBND xã Thuận Hưng và UBND huyện Mỹ Tú đã “can thiệp” vào cúng lễ của người dân, trong đó tạo điều kiện cho phía ông Sáu được tổ chức, còn phía ông Hai không được tham gia.
Có được sự “hậu thuẫn” từ phía chính quyền, ngày 16.4 (tức mùng 10.3 âm lịch), phía ông Sáu và ông Nhân cho người cạy cửa, khiêng 1 con lợn đã làm thịt đưa vào chùa cúng nguyên con, còn 1 con khác còn sống được làm thịt xẻ ngay tại chùa để nấu và tổ chức ăn uống tại chỗ. Thấy tình hình phức tạp, bà con phật tử báo chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết.
Dem nguyen con lon song vao chua cung Phat, roi xe thit nau co
Mang nguyên con heo còn tươm máu cúng Phật. 
Một phật tử bức xúc: “Chúng tôi không hiểu tại sao những người như ông Nhân, ông Sáu vốn tham gia xây dựng chùa, từng tham gia hành lễ, cúng lễ chay nhiều năm nay bỗng dưng đổi ý muốn mình được làm chủ, lại mang thịt lợn vào cúng, rồi giết và xẻ thịt, sát sanh ngay tại chùa? Thật là vô lý, khó hiểu”.
Vì sao có chuyện lạ đời?
Theo trình bày của ông Hai cũng như nhiều bà con phật tử, thì chùa Minh Tánh trước đây gọi là miếu Ông, sau này được bà con phật tử đóng góp xây dựng quy mô hơn cách đây khoảng chục năm. Ông Nguyễn Kim Linh (phật tử) cho biết: “Kinh phí xây dựng chùa là do ông Thái Văn Phước (một phật tử của chùa) đứng ra vận động người thân và phật tử xa gần đóng góp. Ngày khởi công xây dựng chùa có Đại đức Thích Trung Pháp (Thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng) chủ trì.
Sau khi xây dựng xong, tháng 7.2008, Hòa thượng Thích Thiện Sanh (Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng) thỉnh kim thân của Đức Phật Bổn Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quan Thế Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Hộ Pháp, ông Tiêu về cúng dường cho chùa Minh Tánh. Và kể từ ngày xây dựng chùa xong, ông Hai được bà con phật tử bầu giữ chức vụ Hội trưởng Hội chùa ”.
Từ năm 2008, chùa tổ chức lễ Vu lan theo nghi thức Phật giáo Bắc Tông. Vào ngày 10.3 âm lịch, Hội chùa tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương và kết hợp lễ Cầu an bá thánh thập phương bằng lễ cúng chay. Và ông Hai được giao quản lý chùa. Nhưng từ tháng 3.2015, xảy ra sự cố khi một số người thuộc nhóm của ông Sáu và ông Nhân, cho rằng ông Sáu là người được bầu giữ chúc Hội trưởng Hội miếu (và như đã nói ở trên, chùa trước đây là miếu, nên mới sinh chuyện - PV) đã cho người mang thịt gà, thịt lợn vào chùa cúng tế, khiến cho đông đảo bà con phật tử bất bình.
Cũng từ đó xảy ra tranh chấp giữa một bên là số đông người cúng lễ chay và một bên là số nhỏ chủ trương cúng lễ mặn. Vụ việc năm đó cũng từng được đưa lên chính quyền giải quyết nhưng không thành.
Khi xảy ra tranh chấp lần đầu, ngày 8.10.2015, đại diện Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng là ông Trương Văn Lai cùng đại diện UBND huyện Mỹ Tú và UBND xã Thuận Hưng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến người dân để thống nhất tên gọi chùa hay miếu. Cuộc họp có 9 cán bộ và 41 người dân tham gia mà theo ông Hai, chính quyền xã cho ông biết sẽ mời mỗi bên 5 người tham gia họp.
Nhưng khi đến họp, phía ông Sáu có hơn 30 người, còn bên ông Hai chỉ có 5 người. Biên bản cuộc họp có 4 ý kiến phát biểu thì có 3 ý kiến của phía nhóm ông Sáu đồng ý gọi miếu và ý kiến duy nhất của bên ông Hai đề nghị gọi chùa. Kết quả lấy ý kiến thì phía ông Sáu chiếm số đông…
Ngôi chùa hay ngôi miếu?
Chính vì “tranh chấp” giữa tên gọi là chùa hay miếu, nên mới phát sinh chuyện cúng lễ mặn ngay tại chùa, mà gay gắt là vào ngày 16.4 vừa qua; trong khi miếu chỉ thờ thần thánh và được cúng lễ mặn, còn chùa chỉ cúng lễ chay và thờ Phật như chùa Minh Tánh hiện nay!
Ông Hai tâm sự: “Chùa là nơi thờ Phật, cúng lễ chay đã nhiều năm, việc xây dựng chùa cũng là do phật tử đóng góp nên không thể là của riêng ai cả. Vì vậy, bà con chúng tôi mong muốn giải quyết vụ việc ổn thỏa, chọn được người có đủ uy tín, đạo đức, có tâm, có tầm để đứng ra quản lý chùa, thực hiện ước nguyện của bà con phật tử là tạo khối đoàn kết, ổn định chứ không thể để một chùa mà có sự tranh chấp quyền lực, cùng một chùa mà bên cúng lễ chay, bên cúng heo sống nguyên con thì không thể được”.
Được sự ủng hộ của phật tử khắp nơi, trong những năm qua, chùa Minh Tánh đã có nhiều hoạt động từ thiện ở địa phương như phát quà, gạo, thực phẩm cho người nghèo, học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, xây nhà cho người nghèo, làm 55 giếng nước cho hộ nghèo, xây dựng hàng chục cầu giao thông nông thôn… tổng trị giá nhiều tỉ đồng.
Với những hoạt động đó, nhóm từ thiện của chùa và cá nhân gia đình ông Hai nhiều lần được UBND xã Thuận Hưng, UBND huyện Mỹ Tú và UBND tỉnh Sóc Trăng khen thưởng…
Trao đổi với PV, ông Lâm Xưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: “Chúng tôi làm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú!”. Còn ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Tú cho biết: “Huyện cũng đã nghe báo cáo vụ việc và đang phối hợp với chính quyền và ngành chức năng giải quyết ổn thỏa nhưng chưa xong”.
Nhưng quan trọng nhất là người có trách nhiệm trong đạo nói gì? Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, Chánh thư ký Ban Trị sự Tỉnh hội, cho biết: “Giáo hội chúng tôi cũng đã nghe báo cáo vụ việc nhưng do cả bên miếu và chùa chưa được công nhận hoạt động hợp pháp nên giáo hội không thể có ý kiến gì. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở Sóc Trăng cũng có nhiều nơi trong 1 khuôn viên vừa có miếu vừa có chùa. Miếu thì cúng lễ mặn, còn chùa cũng lễ chay.
Chỉ có điều, lễ chay cúng nơi thờ Phật, không được đưa lễ mặn cúng tại nơi thờ Phật. Theo trình bày của nhiều bà con phật tử chùa Minh Tánh, một số người đưa heo đã làm thịt cúng trong chánh điện nơi thờ Phật là không đúng với quy định, cũng không đúng với đạo đức của người phật tử.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cần phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thu xếp ổn thỏa. Có thể phật tử chùa Minh Tánh sẽ xây dựng lại ngôi miếu ở một vị trí nào đó trong khuôn viên chùa để làm nơi thờ cúng Ông, như vậy là hợp lý nhất. Không nên lợi dụng tự do tín ngưỡng để có những việc làm gây bức xúc trong bà con phật tử. Chúng tôi đề nghị bà con phật tử làm đơn đề nghị chính quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng vụ việc trên”.
Mời quý độc giả xem video Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Theo Một Thế Giới

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

nguyen ngoc diep -

Này phải xử phạt ông trụ trì....chắc ổng là thầy tu giả nên mới chấp nhận cho vào chùa cúng thế này.

Hiển thị thêm bình luận