Cách đây khoảng 10 năm, cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn là nơi sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất khu vực Đông Bắc. Hàng triệu lượt người Việt Nam đã đến đây tranh nhau mua những món đồ "nhập ngoại"... Nhưng nay thì khác. Khách du lịch đến chốn biên ải này có khi chỉ để ngắm cảnh chứ không mua bất cứ thứ gì có xuất xứ từ bên kia biên giới.
Được lên Tân Thanh là hạnh phúc!
Một sáng cuối thu, tôi ngồi cùng với vài người bạn đồng nghiệp nhâm nhi cà phê. Trong câu chuyện của những người chực đến tuổi già chẳng hiểu vì cớ gì mà cứ quẩn quanh cái hình ảnh biên cương, với chợ Tân Thanh sầm uất một thời. Nhưng những hình ảnh đó đang nhạt dần bởi hàng hóa ở nơi được coi là đại công xưởng của thế giới chất lượng ngày một tồi. Đến nỗi mỗi người dùng một lần là... chán hẳn.
Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi như sống lại không khí chiều biên của cách đây trên dưới 10 năm. Gã bảo: "Hồi đó chúng tao phải sắp xếp công việc cả tuần. Xong rồi được ngày nghỉ đã dắt díu nhau lên cửa khẩu đi chơi. Vừa vi vu đổi gió, nhưng việc quan trọng là lúc về ai cũng đầy hàng hóa trong ba lô. Nào là bàn là, ổ cắm điện, cái bật lửa ga hay các loại hoa quả của nước láng giềng. Sướng lắm! Về đến nhà ai cũng khoe với nhau. Không những mình dùng mà còn biếu cả bạn bè, anh em, họ hàng... Nói tóm lại là hễ ai lên Tân Thanh mà không kịp mua thứ gì thì trong lòng thấy day dứt, tiếc đứt ruột". Gã vừa kể mặt vừa giãn ra, đôi lông mày nhướn lên như thể cái sự sung sướng vừa diễn diễn ra cách đó đôi ngày.
|
Chợ Tân Thanh không còn nhộn nhịp như 10 năm trước. |
Câu chuyện của gã có lẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Tân Thanh hình dung lại: "Cách đây chừng 10 năm, cơ sở vật chất hạ tầng còn kém, chưa được như bây giờ. Thế nhưng, chuyện đó không ngăn được những bước chân người Việt đổ về chợ cửa khẩu. Hồi đó, mỗi người khi đến đây đều vui chơi kết hợp. Nghĩa là đi chơi nhưng lúc về phải mua thứ gì đó về sử dụng".
Theo chị Nguyễn Thị Bé, một tiểu thương tại chợ Tân Thanh thì cách đây 6 - 7 năm, khu vực này nhộn nhịp nhất. Chị nhập cả tấn hoa quả về chỉ bán cho khách du lịch mà trong vòng một ngày đã hết veo. Đặc biệt là đợt giáp Tết, lượng người mua tăng vọt, một số đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đến lấy hàng tiêu thụ trong nội địa. Một mặt hàng khác rất ăn khách thời điểm đó là đồ điện tử, điện dân dụng. Ngày cao điểm, chị Bé bán khoảng 200 nồi cơm điện và bàn là. Các loại ổ cắm tiết kiệm điện, bàn là, máy quạt... đem cộng lại cũng được vài trăm chiếc. Đó chỉ là bán lẻ chứ không tính chuyện bán buôn cho các đầu mối khác trong nội địa.
|
Nhiều mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc không còn được người dân mặn mà. |
Không mua hàng "nhập ngoại" vì suýt cháy nhà
Chúng tôi đến cửa khẩu Tân Thanh lúc gần trưa. Trên đoạn đường vào khu vực biên giới thỉnh thoảng mới có chiếc xe khách cỡ lớn biển số Hà Nội, Hải Dương... chở đoàn 20 - 30 người đến khu vực cửa khẩu để tham quan, mua sắm. Còn lại là hàng trăm chiếc xe container xếp hàng dài cả cây số chờ thông quan.
Anh Nguyễn Công Bằng, một du khách ở Hải Dương cho biết: "Chúng tôi lên Lạng Sơn đi chơi. Vì chưa đến Tân Thanh bao giờ nên muốn đi cho biết, xem cái cửa khẩu nó to, nhỏ ra làm sao chứ chẳng có ý định mua thứ gì". Lý do được anh Bằng đưa ra là phần lớn hàng hóa từ bên kia biên giới chất lượng không tốt. Năm 2010, anh được một người bạn đi Tân Thanh về rồi đem tặng chiếc ổ cắm tiết kiệm điện. Anh vui sướng lắm vì người bạn giới thiệu công dụng như trong chuyện cổ tích là có thể cắm cơm, xem tivi, chạy máy hút nước mà số điện lại tăng chậm hơn so với bình thường.
|
Quang cảnh vắng vẻ tại khu vực chợ Tân Thanh. |
Nghe lời bạn quảng cáo, anh đem ổ cắm ra dùng ngay. Chưa được hai ngày thì ổ cắm đột nhiên chập điện, bốc cháy. Lúc này trong nhà anh để toàn những đồ dễ cháy như giấy vụn, chăn, màn... May mắn cho anh là lửa vừa cháy đến đống giấy vụn thì anh phát hiện ra rồi kịp lấy nước dập tắt. Từ đó anh chẳng bao giờ dám dùng đến hàng Tàu nữa.
Nói về nguyên nhân làm cho người Việt Nam ngày càng quay lưng với hàng ở cửa khẩu này, bà Đặng Thị Ngân phân tích: Thứ nhất là chất lượng một số loại mặt hàng sản xuất chất lượng không tốt lắm. Thứ hai là trong nước tự sản xuất được. Thứ ba là Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng tương tự từ các nước khác.
|
Bà Đặng Thị Ngân (Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Tân Thanh) |
Bà Ngân lấy ví dụ là mặt hàng điện thoại di động trước đây bán rất chạy. Không chỉ có khu vực Tân Thanh và các cửa khẩu dọc biên giới với Trung Quốc mà cả các thành phố lớn trong nội địa. Thế nhưng, hiện các tập đoàn điện tử lớn như Sam Sung, Sony... mở nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam. Việc này khiến chất lượng tiêu dùng tăng lên, điện thoại vừa đẹp vừa bền, giá cả lại rẻ... cho nên đã đẩy lui hàng kém chất lượng.
Một ví dụ khác, theo bà Ngân đó là trường hợp các mặt hàng hoa quả. Cách đây chừng chục năm, hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước. Nhưng hiện nay, nhiều loại hoa quả được chúng ta nhập từ Thái Lan, Singapore và một số nước lân cận, dẫn đến lượng hoa quả của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam hiện nay giảm khoảng 20%/1 năm. Trong khi đó, lượng hoa quả của nước ta xuất sang Trung Quốc đang tăng khoảng 4 - 5%/1 năm. Mặc dù cán cân xuất - nhập khẩu giữa nước ta và Trung Quốc còn có sự chênh lệch khá lớn nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng tỉ lệ nhập hàng Trung Quốc đang giảm dần cũng phản ánh một phần xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam.
"Hiện Tân Thanh là cửa khẩu chuyên nhập và xuất các mặt hàng tiêu dùng như hoa quả, quần áo, hàng đông lạnh... Hiện mỗi ngày có khoảng 200 - 300 xe container chở các mặt hàng này xếp hàng quanh các bãi tập kết hoặc dọc theo cửa khẩu. Số lượng xe này được đảm bảo thông quan càng sớm càng tốt, để người dân bán được sản phẩm của mình càng sớm càng tốt".
Bà Đặng Thị Ngân (Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Tân Thanh)
Quách Văn