Chuyện ma quỷ chưa thể giải thích trên đỉnh Pù Luông

Google News

(Kiến Thức) - Bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) chứa đựng nhiều điều bí ẩn, mà đến nay người dân vẫn chưa thể giải thích.

Truyền thuyết thác Hiêu
Từ Hà Nội chúng tôi vượt qua hơn 200km mới đến được xã Cổ Lũng. Từ trung tâm xã đến bản Hiêu chừng 5km, nhưng chúng tôi phải mất vài giờ đồng hồ mới tới nơi. Bởi xe máy chỉ đi chừng được nửa đường, muốn lên trung tâm của bản phải đi bộ qua một ngọn đồi. Vào thời gian này người dân bản Hiêu nhộn nhịp ra đồng cuốc đất, phát bờ để chuẩn bị cho một mùa vụ mới. 
Bản Hiêu nằm trên đỉnh núi Pù Luông, xung quanh được bao bọc bởi đồi núi và cây cối um tùm. Chính vì thế, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo. Ruộng vườn ít, đất đai cằn cỗi, khiến cho năng suất lúa của dân bản rất thấp. Nhiều gia đình nơi đây đói ăn vào dịp giáp hạt.
Trưởng bản Hà Văn Ba ra tận đầu bản tay bắt mặt mừng, dẫn chúng tôi về nhà mình nói chuyện. Ông bảo, ở nơi xa thẳm như nơi đây được đón tiếp khách đến thì quý biết bao. Người dân nơi đây nghèo về vật chất, nhưng cái tình thì dạt dào lắm. Ông Ba đã dành nhiều thời gian đi sưu tầm tư liệu, hỏi các cụ cao niên về nguồn gốc tên gọi của bản mình. 
Thác Hiêu huyền ảo khiến nhiều du khách thích thú. 
Ông Ba kể: Theo các cụ trong bản kể lại nơi đây là vùng núi hoang sơ, ít có người sinh sống. Sau này có một người đàn ông ở làng Leo, yêu một cô gái làng Đốc (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước). Hai người yêu nhau say đắm, nhưng gia đình cô gái không tán thành cho họ lấy nhau. Để được gần nhau, hai người quyết định lên đỉnh núi Pù Luông sinh sống. Vốn là người có sức khoẻ, ông khai hoang mở mang đất đai cho người dân làm lụng. Thấy nguồn nước từ trong các hốc đá của núi Pù Luông chảy ra ông đã nghĩ cách phá đá, mở đường để dẫn nước vào ruộng nương. Tạo điều kiện cho người dân sản xuất.
Xưa kia, nơi đây còn hoang sơ. Vì thế, có rất nhiều thú rừng tụ tập về đây. Hươu nai, khi đó là người bạn đồng hành cùng với dân bản. Khi dân bản ra ngoài đồng trồng lúa, hươu nai cũng thường chạy ra chơi. Nhưng trong một buổi sáng, dân bản thấy có một chú hươu chết bên khe nước. Sau đó mọi người đã làm lễ chôn cất cẩn thận chú hươu đó. Để tưởng nhớ về con vật thân thiết đó, người dân nơi đây đặt tên cho bản mình là bản Hiêu.
Chúng tôi thắc mắc với ông Ba về tên gọi của bản là Hiêu chứ không phải là Hươu. Ông Ba tủm tỉm cười nói, khi viết thì mới tách bạch như thế. Nhưng khi gọi tên thì hai từ đó dân bản vẫn hiểu như nhau, nó đều thể hiện con vật thân thích với mọi người nơi đây.
Nhờ nguồn nước của thác Hiêu mà bản Hiêu được ấm no. 
Trâu trắng tế thần thác Hiêu
Từ bao đời nay, người dân nơi đây xem thác Hiêu là thác nước linh thiêng. Bởi nó là thác nước nuôi sống dân bản. Mạch nước từ trong lòng núi Pù Luông chảy ra không chỉ là nguồn nước cho người dân ăn uống, sinh hoạt. Nguồn nước đó còn cung cấp cho việc sản xuất nông nghiệp nơi đây. Nhờ nguồn nước này mà đất đai được tơi xốp, cây trồng được phát triển xanh tươi. 
"Nếu không có nguồn nước của thác Hiêu dân bản chúng tôi chắc khó sống nổi. Người dân sống trên độ cao hàng nghìn mét, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất chỉ dựa vào thiên nhiên. Thời tiết nơi đây khắc nghiệt, mưa ít hạn hán nhiều. Vì thế, chủ yếu dân bản dựa vào nước của thác Hiêu mà sống", ông Ba kể. Cũng bởi thế mà từ xa xưa người dân bản Hiêu đã xem thác Hiêu như một báu vật vô giá. Do đó, dân bản nơi đây đã làm bàn thờ, thờ cúng thác Hiêu. 
Ông Ba cho biết: Mỗi dịp lễ, Tết, hay trước khi vào mùa vụ dân bản thường làm lễ tạ ơn thác Hiêu. Khi làm lễ bắt buộc phải có trâu trắng, gà vịt màu trắng đặt trước thác tạ ơn thần thác Hiêu. Đây được xem là lễ hội cổ truyền của người Thái nơi đây, họ cầu cho mưa thuận gió hòa, dòng thác chảy vĩnh hằng để cung cấp nước cho dân bản. Mấy chục năm trước có một lần hạn hán kéo dài hàng chục ngày, thác nước cạn kiệt, nguồn nước tích trữ trong bản cũng cạn dần. Các cụ cao niên trong bản lo lắng đã tập trung lại, lập bàn thờ làm lễ cầu cho thác có nước trở lại. Mọi người cầu ba ngày, ba đêm thì nguồn nước chảy ra ầm ầm. Ai nấy trong bản đều chạy ra thác hò hét vì vui sướng.
Không chỉ làm lễ nơi đầu nguồn của thác nước, người dân bản Hiêu còn làm bàn thờ tại nhà để thờ cúng thác nước. Từ đời cha ông, gia đình ông Ba đều làm bàn thờ thờ cúng thác Hiêu. Ngày rằm, ngày Tết gia đình ông Ba đều làm lễ, cầu nguyện cho cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hạnh phúc. 
Phó bản Hiêu Hà Duy Phương dẫn chúng tôi lên đầu nguồn của thác Hiêu, chỉ vào những mạch nước dãy núi Pù Luông chảy ra và bảo, từ xưa các cụ trong bản cũng nói rằng khi nhìn bằng mắt thường không thấy mạch nước chảy ra. Nhưng nước thì bốn mùa đều có. Điều kỳ lạ mà chính anh từng chứng kiến là khi thác nước đang chảy ầm ầm như tiếng sấm, tuy nhiên chỉ ít phút sau nguồn nước bỗng nhiên bị rút hết. Đến nỗi các vũng nước bên dòng thác chảy cũng cạn kiệt. 
Cây cối và đất đai nơi đây đều bạc trắng. 
Nguồn nước đá vôi khiến cây, lá hóa đá
Ông Ba cho hay, điều kỳ lạ nữa của dòng thác Hiêu là có thể biến mọi vật hóa đá. Ông Ba bảo, nhiều người cứ nói rằng cây cối phải ngâm hàng trăm năm dưới nước thì mới có thể hóa đá được. Nhưng ở bản Hiêu thì khác, dân bản chỉ ngâm đồ vật trong thời gian ngắn xuống thác Hiêu đã có thể hóa đá. Để chứng minh lời nói của mình ông Ba đã dẫn chúng tôi đi dọc các con suối, nơi dòng nước của thác Hiêu chảy về. 
Thật đúng như lời ông Ba nói, nền đất và các cây cối nơi đây đều bạc phếch một mầu. Đã có người ở nơi xa đến đây đã mua những cây người dân nơi đây ngâm xuống dòng nước với giá rẻ sau đó, mang đi nơi khác bảo là cây hóa đá lâu đời bán với giá cắt cổ. Vì không biết nên người chơi bị lừa.
Những người hiếu kỳ ở xa đến lúc đầu cũng rất thích thú với những đồ vật hóa đá. Nhưng sau khi được ông Ba giải thích họ cảm thấy thất vọng. Theo lý giải của ông Ba thì cây cối nơi đây dễ bị hóa đá, đó là nhờ nguồn nước nơi đây. Bản Hiêu được bao bọc xung quanh núi đá vôi, nguồn nước chảy ra chứa nhiều chất đá vôi. Vì thế, nước đá vôi sẽ kết tủa và bám vào các đồ vật được ngâm xuống dòng nước. Kể cả chiếc lá rơi xuống dòng thác, thời gian sau sẽ hóa đá nhờ một lớp đá vôi bám trên bề mặt. 
(còn tiếp)
Thác nước của bản gọi là thác Hiêu, bản cũng là bản Hiêu. Bởi xưa kia nơi đây có rất nhiều hươu nai. Những du khách nơi xa đến đây thích ngắm nhìn dòng thác chảy hiền hòa và ngâm mình xuống dòng nước trong vắt. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến của những người thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và không gian yên tĩnh.
Ông Hà Văn Ba
Đại Cát