Câu chuyện về “vua cá” độc nhất Hà thành

Google News

Đầu thập kỉ 80, 90 nhắc tới cái tên Vũ Tá Hùng, những người sành sỏi trong các thú chơi văn hoá ở Hà thành không ai là không biết.

Đầu thập kỉ 80, 90 nhắc tới cái tên Vũ Tá Hùng, những người sành sỏi trong các thú chơi văn hoá ở Hà thành không ai là không biết. Chơi đồ cổ, chơi xe cổ, âm thanh, cây cảnh, ông còn được gọi với cái tên thân mật là "vua cá".

Thú chơi cũng là một cách học ở đời

Đội mũ bê rê, đi xe cổ, trên tay cầm điếu xì gà, Vũ Tá Hùng gợi lại cho tôi hình ảnh một người đàn ông trí thức đầu thế kỉ. Nhiều lần gặp gỡ ông ở những dịp khác nhau, lần nào gặp ông cũng để lại những ấn tượng đặc biệt. Giữa ngược xuôi của cuộc sống đô thị hiện đại, ông vẫn giữ được cái "cốt chuẩn" của người Hà Nội.
Hùng Cá và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Hùng Cá và Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Sinh ra trong một gia đình trâm anh ở đất Hà thành, cha và ông nội đều là những người chơi đồ cổ có tiếng trong giới, từ nhỏ Vũ Tá Hùng đã có niềm đam mê với những gì thuộc về văn hoá chơi của người đất đế đô.

Căn nhà của gia đình ông rộng tới 500 - 600m tọa lạc giữa trung tâm thành phố, gia tài có đến hàng ngàn đồng bạc Đông Dương. Trong khi các bạn cùng trang lứa mải mê với những trò đánh khăng, đánh đáo thì cậu bé Hùng lại mải mê với những cuốn sách, những bài học xung quanh việc thẩm định giá trị một món đồ. "Chữ, tranh, sành, sứ", để hiểu được 4 thứ quý trong thú chơi này không phải đơn giản, bắt buộc phải học và có kinh nghiệm thực tiễn.

Những năm 1962 - 1963, trước thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc, Vũ Tá Hùng còn là một cậu bé quàng khăn đỏ, có lần đi ngang qua khu phố bán đồ cổ ở Hàng Bồ, thấy có chiếc bát nhà Minh đẹp quá, cậu dốc hết tiền quà trong túi dành dụm được mua về chỉ vì thích với giá 10 đồng. Đến khi có người bạn của bố đến chơi, nhìn thấy chiếc bát và "gạ" trả tới 100 đồng, cậu thẳng thừng không bán mà nhất nhất phải đợi con số lên tới 1.000 đồng mới ưng thuận!

Lớn lên đúng thời điểm chiến tranh ác liệt, ông Hùng nhập ngũ. Đơn vị giao thông vận tải 18 của ông đi vào những cung đường lửa đạn nhất. Những năm tháng chiến tranh này càng có ý nghĩa hơn khi ông được đến, được tiếp xúc với nhiều con người mà đằng sau vẻ bình dị của họ là cả một kho tàng am hiểu tri thức văn hoá sâu sắc.

Chiến tranh kết thúc, trở lại với cuộc sống của một người dân bình thường nhưng vốn "ương", ông không vào làm ở cơ quan nhà nước nào mà bung ra làm kinh tế tư nhân. Năm 1979, cuộc đời Vũ Tá Hùng xảy ra bước ngoặt lớn. Tình hình chính trị có nhiều thay đổi, những người Hoa ở Việt Nam buộc phải trở về nước.

Vốn là nguồn cung cấp cá chủ yếu cho các địa phương ở Hà Nội lúc bấy giờ, biến cố này đã tạo nên một sự hẫng hụt lớn đối với những người chơi. Làng Yên Phụ vốn là một làng có truyền thống nuôi cá cảnh, nhưng bản thân làng lại không chủ động được những nguồn giống cá hiếm.

Thời gian gia đình còn ở Nguyễn Trường Tộ, ông Hùng cũng đã thường xuyên lui tới làng Yên Phụ và cũng có sự quan tâm tới cá cảnh. Đến thời điểm lúc bấy giờ, nhân chuyện đưa hai cậu con trai 7-8 tuổi của mình đi mua cá, thấy nguồn cá nghèo nàn quá, ông suy nghĩ và quyết tâm bắt tay khôi phục lại.

Trước  hết, chỉ là để phục vụ cho niềm đam mê với cá của hai cậu con trai, về sau càng làm, ông  càng thấy ham. Thấy cái bể cá cảnh của người Hà Nội lúc bấy giờ chỉ đơn giản là bể có đế xi măng nho nhỏ, bể kính làm bằng khung sắt, bé và hạn chế, dễ nứt vỡ, mùa đông để giữ ấm cho cá thậm chí còn phải rọi bóng đèn cả ngày, ông tìm xuống tận Hải Phòng để đặt những người đi tàu viễn dương mua về những linh kiện cần thiết.

Sau đó, ông tự mày mò, chế ra các máy sấy tự ngắt từ thiết bị trong phòng tráng rửa ảnh, để vào bể cá, rồi sắm tiếp các máy bơm ô xi. Sau cùng, ông sang Trung Quốc, đến những vùng chuyên cá cảnh để lựa giống và học tập kinh nghiệm. Căn nhà ở ngõ Phất Lộc được ông biến thành nơi chuyên sản xuất cá giống. Đến lúc này, dân làng Yên Phụ lại tìm đến và nhập cá của ông về. Vừa bán, vừa chuyển giao công nghệ nuôi, ông không có khái niệm về "độc quyền". Không những thế còn khuyến khích các nơi mở cửa hàng, cấp đồ, cấp linh kiện cho họ.

Không ngại hai chữ "độc quyền"

Còn nhớ, ngày ấy mỗi lần nhập cá về, đi đường xa, trong mỗi thùng cá thường chỉ bơm ô xi đủ cho 48 tiếng, nhưng có khi về đến Việt Nam phải mất tới 50 tiếng đồng hồ. Để cá đỡ mệt và hấp thụ tốt trong môi trường mới, ông thả vào một nhúm muối để khi muối tan làm vỡ các phần tử ô xi trong nước. Vì vậy, khách đến lúc nào cũng thấy trong gian dưỡng cá của ông một lọ muối. Vì ngại, những người bán cá cho rằng đó là một trong những bí quyết để cá của ông luôn tốt hơn ở các nơi, đến lượt mình, họ lại rỉ tai khách hàng thỉnh thoảng thả một ít muối vào bể cá, không ngờ lại phản tác dụng và có hại cho sự phát triển lâu dài. Ông Hùng thấy, chỉ cười, không quên chỉ ra cái "sai vụng" của họ.

Bí quyết của ông là con vật cũng như người, mỗi loài cần có một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc riêng, cũng có khi phải bồi bổ thêm hoặc điều chỉnh hợp lý, khi cần thì cho thêm bữa…, tuy phải nhập nguồn thức ăn từ chính làng Yên Phụ nhưng cá của ông bao giờ cũng phát triển tốt hơn.

Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, nguồn cá của ông phát triển và phân phối đi khắp nơi, từ Hà Nội, Sài Gòn, Huế, thậm chí cả những nơi gần nguồn giống Trung Quốc như Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cá của "ông vua không ngai" này.

Sài Gòn vốn là đất của những vựa cá lớn, ở Nhà Bè, có những gia đình có diện tích nuôi lớn tương đương với cả làng Yên Phụ thì tiếng tăm của Hùng Cá không vì thế mà bị giảm nhẹ. Anh em khắp trong Nam ngoài Bắc đều nể cái tiếng của ông. Mỗi lần vào chơi, đến gia đình nào cứ giới thiệu là Hùng Cá thì được quý lắm, những con cá tai tượng cả trăm nghìn đến triệu đồng một đôi, người ta cũng không ngần ngại vớt lên thiết đãi. Hầu như suốt mười mấy năm trời, ông không gặp phải sự cạnh tranh nào.

Về sau, ông chuyển sang làm cây, mở khách sạn, nhà hàng, uy tín càng được nâng cao. Những chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam đều muốn đến "thỉnh" ông vua sinh vật cảnh này. Đến năm 1994, Ban khoa giáo Trung ương thuộc Đài truyền hình Việt Nam đã dành hẳn 36 phút thời lượng để dành cho chương trình nói về ông. Tiếp đó trong phim tài liệu về làng Yên Phụ, ông cũng được nhắc đến như một người cầm chầu. Triển lãm đầu tiên ở Vân Hồ (1994) về 150 loài cá cảnh và cây của ông được giới chuyên môn đánh giá cao.

Giàu có, uy tín và thêm cái nghĩa ăn ở với bạn bè, Hùng Cá trở thành một địa điểm giao lưu của anh em khắp trong và ngoài nước. Hồi ấy, ông có mở một khu sinh thái nhà sàn rộng đến nghìn mét vuông ở Điện Biên Phủ, gần khu vực Lăng. Cứ mỗi khi hội họp xong, các vị lãnh đạo Trung ương, Chính phủ lại tìm sang khu nhà sàn của ông để có không gian đàm đạo sau những phút căng thẳng.

Vật đổi sao dời, đến cuối những năm 90, kinh tế khó khăn thì cũng là lúc Hùng Cá gặp vận hạn. Việc làm ăn của ông gặp nhiều trắc trở cùng lúc vợ ốm, con đau, ông mới lùi về sau để vun vén lại hạnh phúc gia đình.

"Quên" cả hẹn với Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì… cây

Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ cũng là một người yêu cây, mến cái chí tang bồng và cũng rất "khái" của Hùng Cá, con người chỉ chuyên chí làm ăn chứ chưa từng nghĩ tới chuyện làm chính trị hay lợi dụng quan hệ chính trị để làm ăn bao giờ. Thậm chí, khi có thông tin về một loài cây quý ở tỉnh, Hùng Cá cũng bỏ lỡ cả cuộc hẹn với cụ (Thủ tướng - PV), cụ không trách mà chỉ cười cho qua.
 
(Theo Người Đưa Tin)
[links()]