Bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh hàng hiếm của 8X Hà Thành

Google News

(Kiến Thức) - 5 năm trời anh Vũ Văn Duy, 34 tuổi lặn lội đi nhiều nơi để sưu tầm những kỷ vật thời chiến tranh.

"Bảo tàng" kỷ vật thời chiến
Chúng tôi tới thăm ngôi nhà của anh Duy, đồng thời cũng là quán cà phê Đó (số 79 Đặng Xuân Bảng, khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) - nơi trưng bày những hiện vật mà anh đã sưu tầm được. Hôm chúng tôi đến, thật trùng hợp khi anh Duy vừa mang về một số đồ kỷ vật chiến tranh của người lính thân tặng. 
Anh Duy cho biết: "Đối với thế hệ trẻ như chúng tôi, chỉ biết chiến tranh qua những câu chuyện của cha ông kể lại, hay qua những thước phim được quay lại. Vì thế, thật khó hình dung ra những đồ vật đã sử dụng trong chiến tranh như thế nào. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố tôi kể lại về những trận chiến đấu huyền thoại của cha ông, vừa nói ông cụ vừa cho tôi xem những hiện vật đã gắn liền với người lính khi đó. Ông bảo, người lính trên chiến trường thường có những kỷ vật bên mình. Vì thế, khi xuất ngũ họ mang về nhà để làm kỷ niệm".
Từ nhỏ, cậu bé Duy đã nung nấu trong lòng sau này lớn lên sẽ sưu tầm những đồ kỷ vật thời chiến. Anh ước mong, mình sẽ xây dựng một "bảo tàng" thu nhỏ cho những người trẻ đến tham quan. Để họ biết những kỷ vật tuy nhỏ bé, nhưng đã làm nên những kỳ tích của cha ông xưa.
Anh Duy rất quý trọng chiếc vỏ đuôi tên lửa. 
Tiền tỷ không mua nổi "báu vật  của người lính"
Nâng chén trà nóng trên tay, anh Duy bồi hồi nhớ lại những ngày tháng mình đi săn tìm kỷ vật. "Trong suốt 5 năm, tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng quê để sưu tầm những kỷ vật thời chiến. Hễ bạn bè mách ở đâu có đồ vật độc đáo trong chiến tranh, tôi lại thu xếp hành lý lên đường để tìm hiểu", anh Duy kể. 
Nhưng theo anh Duy thì chuyện mua, nhượng lại đồ vật từ các cựu binh xưa không hề dễ. Có lúc, dù biết trong nhà họ lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, nhưng rất khó thuyết phục để họ nhượng lại món đồ đó. 
 Anh Duy là người may mắn khi được dũng sĩ diệt Mỹ Hà Văn Nã tặng cho chiếc máy thông tin thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
"Mấy năm trước, nghe bạn bè giới thiệu ở dưới Hải Phòng có một người lính già tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ giữ một bức thư của đồng đội. Trước khi mất, đồng đội của ông để lại một bức thư nhờ ông gửi, nhưng ghi địa chỉ người nhận không rõ ràng. Mấy chục năm qua, ông đã lần theo địa chỉ có trong thư để gửi cho người thân đồng đội của mình. Khi gửi về địa chỉ trong thư, họ lại trả lại vì không có ai địa chỉ như thế. Tôi thuyết phục ông nhượng lại cho tôi bức thư đó, nhưng ông không đồng ý, ông bảo nó là báu vật quý giá của người lính, dù trả tiền tỷ cũng không bán. Ông giữ lại, hy vọng ngày nào đó bức thư gửi tới tay người thân đồng đội mình", anh Duy kể.
Nhưng có những kỷ vật mà chỉ có thực sự may mắn anh Duy mới có được. Anh Duy kể: Cách đây 2 năm về trước một người bạn ở xã Duyên Hải (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) biết anh có niềm đam mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh, đã dẫn anh về nhà để xem kỷ vật chiến tranh chống đế quốc Mỹ của bố mình. Bố người bạn đó là ông Hà Văn Nã - 2 lần được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ. Khi anh Duy về nói chuyện với ông Nã, ông rất phấn khởi, ông quý trọng anh bởi sự miệt mài trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Chính vì thế, sau khi nghe tâm sự, ông đã đem cả "gia tài" thời chiến của mình để gửi gắm cho anh. Trong đó có nhiều kỷ vật quý như máy thông tin liên lạc của Nga viện trợ và các đồ dùng sinh hoạt trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ.
Thùng đạn được anh Duy giữ gìn cẩn thận. 
Còi hú tàu chiến năm 1858
Anh Duy bảo, nếu tính tất cả những kỷ vật anh đã sưu tầm được, phải lên đến hàng trăm các loại khác nhau. Có nhiều đồ vật anh phải bỏ công sức cả tháng trời để thuyết phục gia chủ nhượng lại. Nhưng cũng có nhiều đồ vật, gia chủ biết anh tâm huyết lưu giữ kỷ vật đã trao cho anh một cách vui vẻ. Mỗi kỷ vật đều gắn với mồ hôi, nước mắt của người lính trong chiến trường. Còn đối với anh, anh phải dành nhiều thời gian, tâm huyết để sưu tầm. 
"4 năm về trước, tôi cùng người bạn trở về mảnh đất Quảng Bình, thăm lại chiến trường xưa nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Khi nghe những người dân nơi đây kể lại những kỷ niệm đau thương khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Để giành được độc lập cho dân tộc, người dân xứ Quảng đã phải đổ rất nhiều máu và nước mắt. Biết tôi quý trọng đồ vật trong chiến tranh, vì thế có một gia đình mời tôi về nhà chơi và họ tặng cho chiếc vỏ đuôi tên lửa do Nga viện trợ năm 1973. Tên lửa này đã bắn rơi bom B52 của đế quốc Mỹ. Gia đình đó bảo tôi cố gắng giữ gìn kỷ vật để cho thế hệ trẻ biết đến vũ khí của cha ông xưa đánh đế quốc Mỹ", anh Duy cho biết.
Chiếc còi hú trên tàu chiến Pháp đến xâm chiếm nước ta vẫn còn nguyên vẹn. 
Trong số những đồ vật sưu tầm được, anh Duy quý nhất là chiếc còi hú trên chiếc tàu chở quân Pháp - Tây Ban Nha kéo vào bờ biển Đà Nẵng bắn phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858. Anh Duy kể: "Trong một chuyến đi tham quan ở Quảng Nam, tình cờ tôi nhìn thấy có vật thể giống chiếc loa làm bằng nhôm đặt ở trước ao của một gia đình nơi đây. Họ bảo, đây là chiếc còi hú trên tàu chiến đầu tiên của thực dân Pháp khi xưa vào xâm chiếm nước ta. Sau này, chiếc còi hỏng, một người dân nơi đây nhặt làm sắt vụn. 
Gia chủ vốn có kiến thức về lịch sử, thấy chiếc còi hú đó có nhiều ý nghĩa nên đã mua lại vào đặt ở trước ao, bên cổng ngõ nhà mình để mọi người trong vùng nhìn ngắm. Ban đầu, gia đình không muốn nhượng lại vật thể đó. Nhưng tôi nói rằng tôi không mang còi hú về Hà Nội để bán kiếm lời, mà chỉ muốn lưu giữ để trưng bày cho thế hệ trẻ biết. Nghe nói vậy, gia chủ đã gật đầu đồng ý, trao chiếc còi hú cho tôi. Ông chủ nhà còn hẹn ngày ra Hà Nội để ngắm nhìn chiếc còi hú đó".
Quân trang của người lính. 
Anh Duy bảo, những kỷ vật anh trưng bày ở quán cà phê Đó chỉ là một phần trong các món đồ mà mấy năm trời anh cất công đi sưu tầm. Sắp tới, để giới trẻ có thể đến tham quan, có cái nhìn một cách sâu rộng hơn về cuộc chiến của cha ông xưa, anh sẽ mang những kỷ vật quý báu để trưng bày. Anh muốn sắp xếp những kỷ vật này trong một không gian mang màu sắc cổ kính, trang trọng.
Anh Tuấn, một người từng đi cùng anh Duy sưu tầm kỷ vật chiến tranh cho biết: Duy tuy sinh ở thế hệ 8x, nhưng rất say mê sưu tầm những đồ vật trong các thời kỳ chiến tranh. Trong phòng trưng bày của Duy có nhiều đồ vật quý giá của các cựu binh tham gia kháng chiến chống Tàu, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phòng trưng bày của Duy hứa hẹn là điểm đến của giới trẻ trong thời gian tới.
Đức Lợi