Nhưng có lẽ, điều ít người biết là người H’Mông quan niệm củ tam thất có tác dụng tốt nhất vào giai đoạn cuối đông đầu xuân, cho nên dân thường gọi với cái tên, biệt dược mùa xuân.
Dùng tốt nhất vào mùa xuân
Chắc hẳn trong trí nhớ của vạn ngàn viễn khách khi đến phiên chợ Bắc Hà, Lào Cai vào mỗi dịp cuối tuần vẫn còn lưu lại hình ảnh về những người H’Mông trên lưng gùi cả bao tải củ tam thất xuống chợ để bán. Đây là điểm đặc biệt đã trở thành truyền thống văn hóa của người dân nơi cao nguyên trắng.
Nói đến củ tam thất, nhiều người nghĩ ngay đến tác dụng chữa bệnh hiểm nghèo mà dân gian vẫn thường dùng. Tam thất có hai phần được dùng làm dược liệu là hoa và củ, mỗi bộ phận của cây đều có tác dụng chữa bệnh nhất định. Củ có có kích cỡ bằng ngón tay, ngón chân, mọc trên những triền núi cao thuộc huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và một số khu vực khác quanh dãy Hoàng Liên Sơn.
|
Người dân trồng tam thất ở Lào Cai có thể bán được 10 – 50kg tam thất mỗi tuần. |
Chị Giàng Thị Dê, trú tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, nếu lượn quanh cách triền núi ở cao nguyên trắng thì đâu đâu cũng thấy cây tam tất. Nó mọc nhiều và thường trổ hoa vào mùa đông, xuân. Nhưng do phong trào săn lùng cây thuốc diễn ra ồ ạt nên cây tam thất bị khai thác gần như cạn kiệt. Vì cơn sốt dược liệu, nên nhiều người dân đã bảo nhau bảo tồn, nhân giống cây tam thất và đem trồng quanh vườn và khắp các sườn núi. Đến nay, quanh khu vực Bắc Hà, Si Ma Cai thậm chí đã hình thành nên các vùng chuyên canh cây tam thất một cách tự phát. Việc làm này được đánh giá là rất tức thời và biến tam thất thành loại cây vàng trên cao nguyên khô cằn sỏi đá.
Theo lời kể của chị Dê thì thời gian sinh trưởng của cây tam thất dài đến hơn 3 năm. Dân thường trồng loại cây dược liệu này vào thời điểm đầu mùa mưa, vì lúc này, nước mưa mới và thời gian mưa thường không kéo dài nên cây không bị chết. Sau 3 năm kể từ khi trồng, người dân có thể hu hoạch vào bất cứ thời điểm nào của năm, nhưng riêng người H’Mông thường thu hoạch loại dược liệu này vào mùa xuân. Mặc dù không ai rõ cách thức thu hái này xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng, người H’Mông lên rừng hái thuốc một cách quán tính, lặp đi lặp lại từ đời này đến đời khác.
Cụ Giàng A Long, một người H’Mông ở huyện Bắc Hà giải thích: Vào mùa đông, cây tam thất bắt đầu ra hoa, đến cuối đông đầu xuân thì hoa của nó héo đi, lá rụng về gốc, củ cũng già đanh lại. Đó là thời điểm cây chứa nhiều hoạt chất chữa bệnh nhất. Khi cắn củ tam thất sẽ thấy có vị đắng gắt. Những thời điểm khác trong năm, nếu nếm củ tam thất sẽ thấy vị đắng bình thường, thậm chí có củ chỉ hơi đắng. Ngoài ra, đây thời điểm giao thời đông sang xuân, hoa tam thất cũng héo khô trên cây. Người H’Mông thường dùng loại hoa héo này chữa bệnh chứ ít khi ngắt hoa còn tươi sau đó phơi ra làm thuốc.
|
Tần nào chị Giàng Thị Dê cũng đem tam thất xuống chợ Bắc Hà bán. |
“Trong mỗi vườn trồng tam thất, chúng tôi đều dành riêng ra một khoảnh để gia đình dùng. Còn loại để bán thì thu hái theo yêu cầu của khách hàng. Nghĩa là thương lái đề nghị mua lúc nào thì chúng tôi bán lúc ấy. Họ bảo phơi khô thì cúng tôi phơi khô, bảo để tươi thì chúng tôi sẽ để tươi. Tóm lại bán được nhiều tam thất, có nhiều tiền mua cái ti vi là tốt rồi”, cụ Long khoe.
Cây “vàng” trên đất cằn
So với những loại cây trồng khác như ngô, sắn, thảo quả... cây tam thất có giá trị cao hơn rất nhiều. Nhiều người thậm chí ví von loài cây này chẳng khác nào một loại vàng mọc trên những triền đất khô cằn sỏi đá.
Việc biến tam thất thành loại cây trồng giá trị cao được hình thành tự phát cách đây non chục năm. Thời điểm đó, giá tam thất khoảng 10 ngàn đồng/1kg, hoa 20 ngàn/1kg. Do lúc bấy giờ chưa xảy ra khủng hoảng kinh tế nên số tiền 10 ngàn/1kg củ tam thất đã được coi là rất đắt. Nếu so với một ngày công đi làm thuê chỉ có 5 – 6 ngàn và 1 kg thóc chỉ đáng giá 500 đồng thì số tiền đó là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, giá củ tam thất tươi đã tăng vọt lên đến 100 ngàn đồng/1kg và hoa là 250 ngàn đồng/ 1kg.
|
Một gian hàng tam thất tại chợ Bắc Hà. |
Chị Giàng Thị Dê, người chuyên bán củ tam thất ở chợ Bắc Hà dẫn chúng tôi đến gian hàng lớn ở khu vực trung tâm rồi khoe về thành tích trồng củ tam thất của đồng bảo H’Mông trên núi. Theo đó, gia đình chị có tới hai quả đồi trồng củ tam thất. Vì tam thất là loại dược liệu càng để lâu càng có giá trị nên chị không lo bị ế hàng. Mỗi phiên chợ chị lên núi nhổ một khoảnh nhỏ, nhổ xong lại trồng mới nhằm đảm bảo lúc nào cũng có củ tam thất bán. Mỗi phiên chợ cuối tuần chị và bà con trên bản thường đem khoảng 20 - 50kg tam thất xuống chợ để bán. Hôm đắt hàng, chị bán được hết 50kg, hôm ế thì vẫn bán được 15kg. Tính ra, mỗi tuần chị có thể thu về cho gia đình số tiền 1,5 – 5 triệu đồng. Hôm ế hàng, chị đem tam thất về phơi khô bán cho các cửa hàng thuốc đông y với giá cao gấp đôi củ tươi.
Chị Giàng Mùi Chao, hàng xóm của chị Dê cùng bán tam thất ở chợ Bắc Hà cho biết: Gia đình chị cũng trồng tam thất quy mô nhỏ, nhưng mỗi phiên chợ, chị vẫn bán được 10 – 15kg tam thất, đem về số tiền trên dưới 1 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình chị đã mua sắm được 3 cái xe máy, 1 máy cày và cả ti vi, tủ lạnh. Những gia đình khác thu lời tốt hơn từ củ tam thất thì mua xe máy đắt tiền, ti vi hạng sang... Đời sống người dân thay đổi nhờ củ tam thất.
“Ở vùng Si Ma Cai, Bắc Hà, dân chúng tôi trồng rất nhiều cây tam thất để bán. Trước đây, nhiều người đi đào tam thất quá dẫn đến loại cây này hiếm dần. Nhưng nay thì khác, nguồn tam thất được dân trồng rộng rãi trên các triền núi nên đủ cung cấp cho thị trường, đảm bảo đủ cho nhu cầu cuộc sống hàng này”, chị Giàng Mùi Chao cho biết.
Quách Văn