Bi kịch gia đình của tử tù giết gái bán dâm
Ngày 22/7 mới đây, đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án giết người, cướp tài sản - Nguyễn Văn Hiệp (30 tuổi, Bình Phước) tỏ ra lầm lì, bình thản.
Gia đình tan vỡ, bị cáo ở cùng cha dượng từ nhỏ rồi bỏ nhà đi lang thang. Khi chung sống với cô gái làm nghề bán dâm, phát hiện cô chưa từ bỏ con đường cũ, hắn đã ra tay sát hại.
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Văn Hiệp và chị V.T.H.T. (SN 1987) chung sống với nhau như vợ chồng. Ngày 30/5/2012, Hiệp và chị T. đến thuê mặt bằng tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương mở quán cà phê.
|
Tử tù Nguyễn Văn Hiệp. |
Trong thời gian chung sống, giữa Hiệp và chị T. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do công việc kinh doanh ế ẩm. Chiều 15/8/2013, sau khi cãi nhau với người tình, Hiệp điều khiển xe gắn máy chạy từ Bình Dương về quê ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước uống rượu cùng một số người bạn.
Trong lúc uống rượu, Hiệp nảy sinh ý định giết chị T. nên ghé tiệm tạp hóa mua 2 con dao rồi ngược lại Bình Dương. Khoảng 1h sáng hôm sau, khi về đến nhà trọ, Hiệp đi vòng cửa sau leo tường để vào trong nhà. Tại đây, chị T. đang nằm ngủ đã bị Hiệp ra tay sát hại.
Sau khi gây án, Hiệp mang theo 2 con dao vừa đâm người tình lấy xe máy của nạn nhân chạy thẳng về nhà cha dượng là ông Nguyễn Văn Hà (SN 1956, ngụ ở ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).
Tại đây, Hiệp tiếp tục dùng dao đâm người em cùng mẹ khác cha là Nguyễn Văn Được. Bị đâm Được bỏ chạy, Hiệp quay sang đâm ông Hà. Khi cán dao bị gãy, Hiệp tiếp tục xuống bếp lấy một cây búa chém nhiều cái vào đầu làm cha dượng gục xuống đất.
Đâm chém ông Hà xong, Hiệp chạy bộ đến nhà ông Hoàng Đình Nam (cách đó khoảng 1 km) dùng búa chém nhiều nhát gây thương tích và lấy xe mô tô của ông Nam chạy đến tiếp tục đập phá trụ sở công an xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Sau khi gây án, Hiệp bị lực lượng dân quân xã bắt giữ. Hậu quả vụ án là chị T. tử vong, 3 người còn lại bị thương tích nặng.
Tại các phiên tòa xử sơ thẩm và phúc thẩm Nguyễn Văn Hiệp, qua những gì bị cáo khai, những người chứng kiến có thể hình dung về một tuổi thơ bất hạnh và bi kịch gia đình của Hiệp. Từ đó, người ta có thể hiểu vì sao Hiệp lại đâm chém cha dượng và người em cùng mẹ khác cha của mình.
Hiệp khai ba mẹ bị cáo ly hôn khi bị cáo còn nhỏ, Hiệp ở với mẹ. Sau đó, người mẹ đi bước nữa, bị cáo rơi vào cảnh cha dượng - con riêng.
“Cha ghẻ không có tình thương lại thường đánh đập, tra tấn, chửi mắng. Ông ta luôn miệng nói “nếu giết mày mà không phải đi tù là tao giết mày lâu rồi nha Hiệp”, bị cáo kể.
Giọng nói trùng xuống, Hiệp còn khai không chỉ cha dượng đánh đập mà người em cùng cha khác mẹ cũng đánh bị cáo nhiều lần. Uất ức, bị cáo đã bỏ nhà đi lang thang rồi gặp T. nhưng rồi T. cũng phản bội.
Sau khi giết người tình, bị cáo nghĩ sẽ trả thù tất cả những ai đã gây ra nỗi đau, ấm ức trong lòng bị cáo. Bị cáo khẳng định mình hoàn toàn tỉnh táo khi gây án chứ không phải bị tâm thần như nhiều người vẫn nói.
Nguyễn Đức Nghĩa và nỗi đau, bi kịch khôn cùng của người thân
Gần 4 năm kể từ ngày gây ra tội ác không thể dung thứ, cuối buổi chiều 22/7/2014, tại khu vực thi hành án tử hình ở Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội, tử tù Nguyễn Đức Nghĩa (30 tuổi, quê quán Kiến An, Hải Phòng), đã bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Một cái kết - sự trả giá đối với những hành vi tàn nhẫn mà Nghĩa từng gây ra.
Cùng mang danh sát thủ và cùng phải chịu mức án tử hình, tuy nhiên hoàn cảnh, xuất thân của Nguyễn Đức Nghĩa là khác xa hoàn toàn với bị cáo Nguyễn Văn Hiệp.
|
Nguyễn Đức Nghĩa trước giờ thi hành án tử hình. |
Nếu như Nguyễn Văn Hiệp có một tuổi thơ bất hạnh thì Nguyễn Đức Nghĩa lại có một tuổi thơ yên bình. Gia đình Nghĩa là một gia đình có học thức, nề nếp và luôn là tấm gương cho các hộ khác trong khu dân cư. Bố Nghĩa vốn là Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp 201, một người hiền lành, gần gũi, được nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, từ ngày Nghĩa gây ra tội ác, cuộc sống của tất cả mọi người trong gia đình Nghĩa đều bị đảo lộn. Bi kịch gia đình cũng liên tiếp ập đến từ đó.
Gần nửa năm sau ngày Nghĩa gây án, bố Nghĩa mất vì tai nạn giao thông khi đang trên đường đi vay tiền người quen để đền bù cho gia đình nạn nhân và khắc phục hậu quả mà đứa con trai của mình gây ra. Từ đó, mẹ Nguyễn Đức Nghĩa rời Hải Phòng đi sống cùng con gái, một năm vài ba lần về nhà để thắp hương tổ tiên và thăm người thân. Ngôi nhà “sát thủ” từng sống gần như bỏ hoang, lạnh lẽo và im lìm.
Đau đớn nhất không phải là cái chết mà có lẽ là nỗi lòng khốn khổ của những người thân đang còn sống của tử tù.
Bà Chuân, mẹ Nghĩa, sau khi liên tiếp phải chịu đựng những bất hạnh và chứng kiến bi kịch của chồng của con mình mà không thể làm gì khác ngoài việc cam chịu và khóc thương sự an bài của số phận, bà đã chuyển lên Hà Nội, chấp nhận rời xa ngôi nhà bao năm gắn bó để tiếp tục một cuộc sống mới, lẩn tránh mọi ánh nhìn của bà con chòm xóm.
Được biết, trước khi xảy ra biến cố của gia đình, mẹ Nghĩa đã nghỉ hưu tại xí nghiệp và ở nhà quán xuyến gia đình, tham gia hoạt động đoàn thể và luôn cởi mở với mọi người. Nhưng sau khi gia đình bà phải oằn mình gánh chịu liên tiếp những tin dữ, bà đã trở nên kín tiếng và ngại tiếp xúc với người ngoài.
Theo lời nhận xét của một người hàng xóm: “Bà ấy chịu quá nhiều bất hạnh. Bà Chuân là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, biết cách dạy dỗ con cái và luôn hòa nhã với tất cả mọi người. Vậy mà cuộc sống quá cay nghiệt với bà ấy khi con trai lâm vào cảnh tù tội với tội ác giết người”.
Cảm thông với hoàn cảnh của người mẹ tử tù, bà này cho biết thêm: “Trong khu chẳng ai ngờ gia đình bà ấy sẽ tan nát như bây giờ, nhiều lúc xót xa khi lần nào bà ấy về nhà thì lại thấy bà ấy ngồi khóc một mình. Chúng tôi có an ủi nhưng cũng chỉ được một phần nào. Mấy năm nay, mỗi dịp lễ tết mà bà ấy về thì bà ấy đều đi cùng con cháu, cũng không ở lại lâu và không trang hoàng nhà cửa nữa, chỉ dọn dẹp sạch sẽ.”
Tội ác mà Nguyễn Đức Nghĩa gây ra trong giờ phút không thể kiểm soát bản thân đã dẫn tới thảm kịch của gia đình nạn nhân và chính gia đình mình. Cái giá mà Nghĩa phải trả không đắt so với thảm án mà Nghĩa gây ra, nhưng để lại rất nhiều trăn trở và xót thương cho những người còn sống.
Tuổi thơ khốn khổ vì gia đình ly tán của tử tù đầu tiên bị tiêm thuốc độc
Cả cuộc đời Lê Văn Tuấn là chuỗi ngày dài buồn thảm, cô độc và đắng cay. Có cha, có mẹ nhưng Tuấn dường như sống cuộc sống của một kẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Lê Văn Tuấn (sinh năm 1980, quê xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là tử tù đầu tiên trong số 17 tử tù được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Nghệ An. Cái chết của Tuấn là điều tất yếu, để trả giá cho tội danh giết người, cướp tài sản mà Tuấn phạm phải lúc chưa đầy 30 tuổi.
|
Tử tù Lê Văn Tuấn. |
Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Tuổi thơ của Tuấn là chuỗi ngày dài chứng kiến sự bất hòa sâu sắc của cha mẹ. Cha Tuấn ngoại tình rồi bỏ nhà theo nhân tình. Một mình mẹ Tuấn nuôi hai đứa con đang còn trong trứng nước. Ở vùng đất Phủ Diễn này, mấy thước ruộng không đủ cho 3 mẹ con đắp đổi qua ngày. Thuở ấy, Tuấn chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau của một gia đình đổ vỡ, nhưng cái đói dai dẳng, triền miên thì trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của gã. Cực chẳng đã, mẹ Tuấn phải gửi con cho nhà chùa nuôi hộ. Tuấn chính thức “mồ côi” từ đấy. Năm đó, Tuấn 5 tuổi, chỉ biết khóc ròng vì nhớ mẹ, nhớ chị.
8 năm sau, mẹ Tuấn tới thăm và có ý đưa Tuấn về nhà, dù gia cảnh vẫn chưa khá hơn là mấy. Về nhà, mẹ con đùm bọc lấy nhau nhưng trong thâm tâm, cậu bé ấy vẫn khao khát tình phụ tử. Dù nhớ cha, muốn được cha ôm trong vòng tay, dẫu chỉ một lần thôi nhưng Tuấn không dám tâm sự với mẹ điều khao khát cháy bỏng ấy. Mấy lần Tuấn trốn mẹ bắt xe ra Thanh Hóa thăm cha là bao nhiêu lần ê chề quay về khi người đàn ông ấy luôn lạnh lùng chối bỏ. Tuấn không hiểu nguồn cơn nào để đến nỗi cha con không còn sợi dây tình cảm gắn bó. Và nỗi đau đớn, dằn vặt ấy đã ám ảnh Tuấn đến lúc lìa cõi trần…
Chính những lời chối bỏ của cha đã khiến Tuấn muốn quay lại chùa với ý muốn xuống tóc quy y, sống những chuỗi ngày thanh thản, không vướng bận. Những khi tưởng chừng như mình hoàn toàn là người của cõi Phật thì tình yêu đến với Tuấn.
Người con gái ấy tên Hồng. Một cô gái hiền lành, chân chất, ngày rằm, ngày lễ, Tết vẫn đến dâng hương nơi ngôi chùa Tuấn trú ngụ. Và Tuấn đã cảm mến Hồng từ đó.
Có được tình yêu, sự sẻ chia từ Hồng, Tuấn quyết định rời cửa chùa, bắt đầu bươn chải để vun đắp cho cuộc sống sắp tới – cuộc sống có Hồng, có một gia đình đúng nghĩa. Khi hai người tính đến chuyện hôn nhân cũng là lúc Tuấn nhận được tin mẹ ốm nặng. Tạm gác mọi chuyện, Tuấn về quê lo chạy chữa, thuốc thang cho mẹ. Chị gái lấy chồng xa, chẳng thể giúp đỡ gì được cho mẹ và em trong cơn sóng gió. Tài sản cả đời ky cóp của mẹ Tuấn không đủ cho những ngày tháng liên miên đi viện. Cầm cự được 2 năm thì bà mất, để lại cho người con trai độc nhất căn nhà rách nát và một khoảng trống không thể bù đắp về mặt tinh thần.
Sau cú sốc lớn này, Tuấn thấy mình may mắn bởi vẫn còn Hồng bên cạnh. Hồng cứ lẳng lặng đến bên Tuấn, chia sẻ những nỗi đau, làm chỗ dựa khi Tuấn chông chênh nhất.
Khi nỗi đau mất mẹ đã nguôi ngoai được phần nào thì cũng là lúc Tuấn phát hiện mình bị viêm cầu thận mãn tính. Không còn một xu dính túi để chữa bệnh, Tuấn như rơi xuống hố sâu của cuộc đời. Khi Tuấn đang tuyệt vọng thì gia đình Hồng cho phép hai người làm đám cưới. Tuấn quyết định đi vay tiền của đứa bạn ở xã bên để có tiền lo đám cưới. Nhưng thật không may, người cần gặp lại đi vắng, chỉ có mẹ của bạn tiếp Tuấn. Chẳng hiểu sao, bà không có thiện cảm với Tuấn, chì chiết cảnh nghèo hèn của Tuấn và yêu cầu tránh xa con trai bà. Vừa nghe Tuấn trình bày lý do muốn vay tiền, bà khinh khỉnh buông một câu: “Bệnh tật rứa, có sống nổi mà trả nợ được không?”. Máu nóng dồn tới mặt nhưng Tuấn vẫn cố nhẫn nhịn, ngồi đợi bạn về. Tức mắt, bà đuổi thẳng cổ Tuấn, không quên đe “sẽ cho con Hồng biết hết bệnh của mi. Khi đó có cưới nữa không mà phải vay tiền”.
Vừa bị xúc phạm, lại sợ Hồng biết sẽ từ hôn, Tuấn xô ngã bà ấy. Bị ngã xuống, bà hét lên: “Cứu với. Có kẻ giết người cướp của”. Hoảng sợ, Tuấn vơ con cái búa rìu đập vào gáy bà. Thấy bà nằm bất động, “ma xui quỷ khiến” thế nào Tuấn giật luôn đôi bông tai của nạn nhân rồi tìm cách trốn chạy. Người duy nhất gã nghĩ tới lúc đó là cha mình chứ không phải Hồng… Nhưng người mà Tuấn cả đời khao khát được che chở ấy đã thẳng tay đuổi con trai ra khỏi nhà. Đau đớn, tủi hổ, Tuấn quyết định trở về nhà để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Bà cụ bị vỡ sọ não và tử vong sau đó. Tuấn bị truy tố tội giết người, cướp tài sản và chịu khung hình phạt cao nhất: tử hình! Trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 31/7/2008, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn quyết định giữ nguyên án sơ thẩm. Trong cả 2 phiên tòa ấy, Tuấn vẫn chỉ có một mình khi cha không đoái hoài đến, còn chị gái có lẽ cũng vì cảnh nghèo mà cũng không thể một lần thăm em.
Sáng 30/10/2013, tử tù Lê Văn Tuấn được dẫn tới nhà thi hành án, kết thúc cuộc đời đầy đắng cay, tủi nhục và cô lẻ. Phải chăng, việc lựa chọn một buổi sáng trong lành để Tuấn trả nợ đời là để giúp Tuấn có cơ hội tái sinh ở một cuộc đời mới – không còn đau đớn, không còn đắng cay, không oán hận và nhiều tình yêu thương hơn?
Minh Hiếu (Tổng hợp)