"Đi khắp Việt Nam cũng tìm không ra người có tên như em'. Thầy giáo dạy văn cấp 3 tuyên bố giữa lớp làm em xấu hổ với bạn bè", cô gái có tên Phan Thị Xâm (học năm nhất Học Viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
|
Cô gái có tên sai chính tả Phan Thị Xâm và bố trong lần đi thi đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Xâm - cô gái nhỏ bé, da trắng, sôi nổi bộc bạch với người quen về cái tên lạ của mình. Cô cho biết nhờ cái tên sai chính tả ngay từ lúc mới khai sinh nên cô mới được nhiều thầy cô, bạn bè chú ý.
Cô kể: "Ngày xưa ông nội nhất quyết đặt tên cho em là Sâm, nghĩa là một loại thuốc quý, là báu vật của ông bà, bố mẹ. Chẳng ngờ khi đi khai sinh, cán bộ hộ tịch viết tên em thành Xâm, làm nó chuyển sang một ý nghĩa xấu tệ".
Tuy nhiên, thuở nhỏ Xâm không biết tên mình bị sai nên tất cả các bài kiểm tra, giấy khen rồi học bạ đều viết dưới cái tên khai sinh này. Bản thân cô luôn đinh ninh ý nghĩa tên mình là một loại thuốc quý nên khi các bạn gọi là "Nấm ơi! Linh chi ơi!" đều khiến cô thích thú.
Ông Mạnh - bố Xâm cho biết: "Chúng tôi sinh sống ở một vùng quê nghèo. Vợ chồng đều học chưa hết cấp 2. Quanh năm lại quần quật với nương rẫy, chẳng bao giờ cầm đến cây bút nên chuyện con bị sai tên cũng không biết.
Chỉ đến năm cấp 2, một hôm cháu đi học về khóc lóc bảo 'bố sửa ngay tên cho con, thầy cô bảo tên con bị sai chính tả rồi" thì tôi mới biết. Nhưng tên cháu đã ghi vào học bạ không sửa được nữa, tôi đành phải khuyên con chấp nhận".
Khi biết tên mình sai cũng là khi Xâm thường xuyên nhận được những thắc mắc của bạn bè, thầy cô về cái tên của mình. "Thấy em viết 'Xâm', các bạn lại nhắc viết sai tên kìa. Thầy giáo dạy văn cũng ngạc nhiên khi học sinh có tên như vậy. Nhưng cũng vì thế em được thầy quý hơn, quan tâm hơn các bạn", Xâm chia sẻ.
Lên đại học cô cũng không thoát khỏi sự cố từ cái tên. "Hôm vừa rồi em đăng ký tham gia một hoạt động tình nguyện của trường, có anh khóa trên phỏng vấn em, cứ vặn lại "Sâm à, chú Lại Văn Sâm à", uốn cong lưỡi. Em đỏ cả mặt khi phải giải thích 'Tên em là Xâm trong nghĩa xâm lăng, xâm lược'" cô gái kể.
Mặc dù vậy, Xâm chưa bao giờ thấy ghét cái tên này. "Em xem tên mình như một tên lạ, độc khiến mình được mọi người chú ý hơn để phải nỗ lực hơn nữa. Biết đâu nó là cái tên may mắn", cô gái cười.
Anh Lê Chí Thức, 26 tuổi, nhân viên cho một công ty xây dựng ở thành phố Thanh Hóa cũng đành chấp chấp nhận cái tên như hiện giờ - một cái tên mà theo anh là vô nghĩa.
Thức kể, ông nội anh vốn là thầy giáo làng nhiều chữ nghĩa. Năm đó, cùng lúc ông có 3 đứa cháu nội là nên đặt 3 cái tên là Trí Tuệ, Trí Thức và Chí Công với mong muốn các cháu công danh đỗ đạt. Thức tự hào với cái tên đẹp vốn chẳng mấy người có ở quê của cậu. Chẳng ngờ, năm Thức học lớp 9, giấy khen rồi cả bằng tốt nghiệp bị viết thành Lê Chí Thức, kiến nghị bao lần vẫn không thể sửa.
"Từ đó tôi sống với cái tên 'trên trời rơi xuống'. Rõ ràng tên mình là 'Trí Thức' lại phải viết thành 'Chí Thức' khiến tôi rất khó chịu. Nhiều lúc tôi lưỡng lự không biết viết tên mình thế nào vào bài kiểm tra, hay đơn xin việc, có lần phải gạch xóa, sửa lên xuống. Bố mẹ cũng chỉ biết khuyên tôi chấp nhận để giấy tờ không rắc rối thêm", Thức cho biết thêm.
"Bạn bè đều hỏi 'Chí Thức thì có nghĩa là gì'. Có lần đi xin việc, ông phỏng vấn nói 'tên làm sao người hao hao là vậy' rồi đuổi khéo tôi ra ngoài khi mới qua vòng giới thiệu về bản thân", chàng trai kể.
Tuy vậy, "nhờ cái tên vô nghĩa mà tôi tán được con gái của sếp, cô ấy cười ngặt nghẽo khi biết tên tôi. Có khi phải cảm ơn nó vì thế", Lê Chí Thức cười.
Trong hội chợ việc làm mới đây ở Hà Nội, cô gái Nguyễn Thùy Chang (Hoài Đức, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Lao Động Xã hội từ năm 2011 đến tìm việc. Vừa liếc qua hồ sơ thấy tên họ của Chang có vấn đề, phản ứng đầu tiên của các nhà tuyển dụng hầu như là tròn xoe mắt rồi bảo cô viết lại tên mình.
"'Có bà lẩm bẩm 'ngay cái tên còn không viết nổi thì làm việc kiểu gì', có ông nhìn em rồi nhìn tên và bảo viết lại. Mấy người tế nhị hơn thì hỏi 'tên em viết thế này à'. Khổ nỗi, đi phỏng vấn lần nào là phải giải thích về cái tên của mình lần đó", Chang cho biết.
"Em còn nhớ như in một lần xin vào làm quản lý nhân lực. Em nói lí nhí tên mình là 'Chang', không phải "Trang". Bà phỏng vấn hỏi lại 'Trang trâu hay Chang chó' rồi nhìn vào hồ sơ hạ một câu 'là Chang chó' khiến em bị một trận cười giữa bao nhiêu người", cô gái trẻ đỏ mặt chia sẻ.
Cô cho biết tên mình bị viết sai ngay từ ngày mới khai sinh. Trước đó, bố mẹ vốn khai sinh cô là Thùy Trang nhưng bị người làm hộ tịch viết chệch ra 'Chang'. Cũng như những người bị sai tên khác, Chang mong muốn được "trả lại tên cho em" nhưng việc sửa tất cả các giấy tờ, bằng cấp khiến cô ái ngại.
"Giờ thì em chẳng thể sửa được nữa rồi. Em sẽ phải sống với cái tên mà mọi người luôn nghĩ em viết sai chính tả, hay tưởng em là người dân tộc, người Tàu mà có tên lạ thế", Thùy Chang nói.
Theo Phan Dương
VnExpress
[links()]