Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào người Ka Tu, Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vẫn còn duy trì nhiều nét đẹp văn hoá của cha ông để lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đại ngàn Trường Sơn xứ Huế vẫn còn nặng nề nhiều hủ tục trong ma chay cưới hỏi…
Chung vợ là chuyện bình thường
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) sinh sống giữa núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, nơi không lãng mạn nên thơ như cảnh núi rừng ở Tây Bắc, cũng không ồn ào, mạnh mẽ như núi rừng Tây Nguyên nhưng vẫn có nhiều nét văn hoá mang tính chất đặc thù rất riêng.
Nhờ có sự quan tâm của Đảng và các cấp chính quyền nên những năm gần đây, cuộc sống của họ đã và đang từng ngày được cải thiện. Tuy nhiên, trong ma chay, cưới hỏi còn nặng nề nhiều hủ tục. Câu chuyện về cảnh anh em ruột cùng lấy chung một người vợ đang là một dấu lặng buồn với đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chính quyền địa phương nơi đây.
|
Cuộc sống khó khăn của đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, Tà Ôi ở huyện A Lưới
|
Đang là mùa mưa nhưng chúng tôi vẫn được những chiến sỹ biên phòng A Đớt, thuộc huyện A Lưới dẫn đi thăm đồng bào dân tộc Tà Ôi và Pa Kô thuộc xã Đông Sơn. Đồng chí Trung uý Nguyễn Bá Truyền cho biết: “Ngày nay chuyện hai anh em lấy chung một vợ, hay hai chị em lấy chung một chồng nơi đây vẫn đang tồn tại khá nhiều. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp, phương án để hạn chế tình trạng nói trên nhưng do nó đã ăn sâu vào ý thức của người dân nên cần phải có những khoảng thời gian nhất định.
Tại xã Đông Sơn chuyện hai anh em cùng chung vợ là điều dễ dàng tìm thấy, bởi lẽ những ngày còn sống nay đây mai đó giữa đại ngàn, chuyện ma chay cưới hỏi họ đều thực hiện theo truyền thống nên khi chuyển về sống định canh định cư hủ tục đó vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tư tưởng của họ một thời gian dài”.
Đúng như lời nói của đồng chí Truyền, bước chân vào đầu làng chúng tôi không khó để tìm đến với những gia đình có anh em lấy chung một vợ. Gia đình anh Hồ Văn Lích và chị Hồ Thị Thơm là một trong những điển hình cho câu chuyện buồn về kết hôn nơi đây. Khoảng năm 1965 người anh trai của Lích là anh Hồ Văn Phát tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế và đã hi sinh.
Theo hủ tục của cha ông bao đời nay để lại, khi người anh trai chết đi người em phải lấy người chị dâu làm vợ. Nhưng cưới vợ là chị dâu không được làm to chuyện như người anh trai đầu.
Cái thứ nhất luật làng không cho phép, thứ hai tốn kém, hơn nữa người chị đã có một đời chồng rồi không được phép tiệc tùng linh đình. Anh Lích chia sẻ: “Lúc trước tôi có biết đâu, nghe bố mẹ nói con phải lấy chị dâu làm vợ vì anh trai chết rồi, các cháu sau này cũng sẽ là con của mày hết, thế là từ đó tôi có vợ”.
Nghiệt ngã hủ tục cưới xin
Thông thường, theo tập tục, thanh niên nam nữ Tà Ôi lúc đến tuổi trưởng thành đều phải cưa 6 chiếc răng cửa. Thực hiện xong qui định ấy nghĩa là họ đã có đủ tư cách để nghĩ đến việc lập gia đình.
Môi trường để đôi lứa tìm hiểu nhau thường là những dịp đi sim (pộc-xu). Theo phong tục, những chàng trai chưa vợ và các cô gái chưa chồng sau những giờ làm việc có thể theo nhau vào rừng, vào các chòi đã được dựng sẵn để thổ lộ nỗi niềm, hoàn cảnh...
Nam nữ gần gũi, cảm thông và nhận của nhau những món quà làm tin, thường là xâu chuỗi hạt cườm, vòng bạc, vòng tai, đồng bạc rồi báo cáo hai bên gia đình để tiến hành những nghi lễ cưới hỏi. Sau khi thống nhất, nhà trai mang đến nhà gái một số của cải như vàng bạc, chuỗi cườm, rượu nếp... Đến ngày cưới, nhà trai phải đưa sang nhà gái sính lễ như chiêng, ché rượu, nồi đồng, bò, lợn, lúa nếp... để xin hẳn con dâu về nhà mình.
Những thủ tục đó nếu thực hiện đầy đủ thì sẽ rất tốn kém nên nhiều thanh niên nơi đây đến tuổi dựng vợ đều rất e ngại vì không có đủ tiền làm cỗ sang nhà gái. Đó là tình trạng chung của hôn nhân của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới. Vì thế, họ bắt buộc phải cùng chung một vợ để duy trì một nền văn hoá đã tồn tại khá lâu đời.
Không khó để tìm gặp những gia đình có hai anh em lấy chung một vợ, hoặc trường hợp của hai chị em cùng lấy chung một chồng. Ông Nguyễn Văn Khiên trưởng bản A Xam, xã Đông Sơn cho hay: “Chúng tôi đến nay vẫn còn duy trì tập tục lấy chung vợ và lấy chung chồng để duy trì cuộc sống của người đi trước để lại, mặt khác chúng tôi sợ lấy vợ hay chồng mới sẽ mất rất nhiều tiền của”.
Khi nhà gái đồng ý cho nhà trai qua dạm hỏi, nghĩa là đồng ý cho con gái về làm dâu nhà trai cần phải “cúng” lễ cho nhà gái nhiều sản vật. Vì nhà gái cho rằng để có được con gái lớn như thế này họ phải mất rất nhiều tiền của, nên nhà trai phải trả lại cho nhà gái nhiều thứ và tổng chi phí một đám cưới được tổ chức cũng mất ít nhất trên dưới 50 triệu đồng.
|
Không khó để bắt gặp những gia đình có hai anh em lấy chung một vợ.
|
Tháng 9/2013 vừa qua người dân trong bản A Roàng, xã Đông Sơn từ rất lâu rồi mới chứng kiến được đám cưới mang “phong tục” truyền thống. Đó là đám cưới của anh Hồ Văn Át (dân tộc Tà Ôi) và chị Lê Thị Cúc (dân tộc Ka Tu). Cũng như những đám cưới của người Tà Ôi từ xa xưa, đằng nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật mới được nhà gái đồng ý gả con gái cho. Anh Át cùng gia đình vật lộn một thời gian vất vả kiếm sống, mới gom góp được ít tiền giờ đây cho hết vào đám cưới con trai.
Theo quy định, gia đình nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ hai con bò, 10 con lợn giống, vàng bạc… đó chỉ là chi phí “trả lễ” cho nhà gái, còn một khoản lớn nữa mà nhà trai phải chịu là việc mở tiệc mời dân làng cùng đến chia vui. Với một đám cưới rườm rà như vậy nó cũng lí giải vì sao lâu nay trong làng ít có đám cưới.
Giải thích cho việc ít có người dân trong bản lấy nhau, ông Đào Đức Cửu, Phó bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn cho hay: “Hiện nay người đồng bào Pa Kô, Ka Tu… vẫn còn rất nặng nề về thủ tục cưới xin. Chuyện hai anh em lấy chung một vợ là có thật, nhưng họ chỉ cưới nhau khi anh trai hoặc em trai chết đi. Đó là một nét văn hoá đặc thù của đồng bào nơi đây, tuy nhiên hệ luỵ của của văn hoá đó là vô cùng tai hại nhưng họ lại quan niệm rằng nếu lấy người ngoài sẽ mất hết tiền của, cưới thêm một người ngoài sẽ thêm chi phí điều đó sẽ làm gia đình mất nhiều tiền. Để khắc phục khó khăn đó họ chủ động bắt buộc người con trai còn lại phải lấy vợ của người anh em đã mất”.
Một người dân sống lâu đời tại bản A Roàng cho hay: “Ôi chà, người ta lớn lên cũng phải lấy vợ chứ, mà lấy con gái nhà người ta phải trả trâu bò, tiền của nhiều lắm nên lấy chung vợ cho đỡ tốn kém mà”.
Sợ mất của, không có tiền để cưới vợ dẫn đến việc họ cố gắng “duy trì” hủ tục lấy chung vợ, hoặc lấy nhau theo quan hệ huyết thống. Các tổ chức xã hội cho rằng chính vì duy trì những kiểu văn hoá cưới xin cổ hủ, người dân ở đây có tuổi thọ trung bình thấp, chiều cao trung bình của họ cũng khá khiêm tốn (khoảng 150 cm đến 160 cm – PV).
Ngoài ra nạn tảo hôn vẫn còn duy trì, hậu quả của nạn đó có nhiều trẻ em sơ sinh (khoảng 30% - PV) sinh ra chết non, hoặc bị các bệnh tật rồi qua đời. Những đứa bé còn sống thì còi cọc ốm yếu. Đây cũng là vấn đề làm nhức nhối các ban ngành và chúng ta cần nhanh chóng có những biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng nói trên.
Theo ĐS&PL