Con mương ô nhiễm này kéo dài gần 3km, mương Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) chạy từ dốc La Pho đến chợ Bưởi trước khi chảy ra sông Tô Lịch.
Theo người dân ở đây thì con mương đã tồn tại từ lâu và tình trạng ô nhiễm kinh khủng cũng từ nhiều năm. Trước thông tin Việt Nam có hai trường hợp nhiễm virus Zika, người dân càng lo lắng hơn vì ở đây có rất nhiều muỗi.
|
Nhiều hộ dân luôn tự tiện ném rác xuống lòng mương. |
Bà Lê Thị Minh – người dân ở dốc Tam Đa cho biết: “Tôi về làm dâu từ năm 1994 thì đã thấy tình trạng ô nhiễm này rồi. Đến nay đã hơn 20 năm. Nhưng trước đó, từ những năm 70, khi chồng tôi còn làm ở UBND quận Ba Đình thì đã rất bẩn rồi".
Chân cầu Tam Đa có tấm lưới chặn rác để nhân viên môi trường thu dọn nên đây là điểm luôn dồn ứ rác thải. Rất nhiều rác thải ngập ngụa khắp mương. Ngoài rác chảy từ nơi khác đến, rác xả từ chợ Tam Đa ngay tại đây khiến con mương đều ùn ứ và bốc mùi thường xuyên.
Bên cạnh đó, các hộ dân sống quang khu vực này thiếu ý thức, thường tiện tay ném rác trực tiếp xuống mương.
Nhiều hộ dân không có bể phốt, ống dẫn nước thải sinh hoạt cứ vậy dẫn thẳng và xả luôn xuống mương khiến mùi càng thêm nồng nặc:
Hàng ngày, bà Minh bán hàng tạp hóa tại đây, bảo: “Muỗi quá nhiều luôn! Hầu như mọi người đều hay bị bệnh hô hấp. Những lúc mà nó thối sục mùi lên thì… giời ơi! Những người đi chợ qua cũng không thể chịu được mùi. Cháu nhỏ nhà tôi từ 2-4 tuổi rất hay bị sốt, trẻ con trong xóm bị muỗi đốt nhiều. Rất nhiều người bị bệnh. Nhiều người bị bệnh da liễu, hô hấp. Ông nhà tôi hay bị ngứa người, lở loét chân tay vì quá bẩn!”.
Mùa hè sắp đến, những người dân ở đây lại lo sợ. Bà Minh cho hay:"Nhất là mùa hè, nếu mà có trận mưa dội xuống thì… nước ngập vào nhà, lên tận bẹn luôn. Thường thì phải sau 2 – 3 ngày mới rút hết nước. Đỉnh điểm nhất là cách đây vài năm, mưa rất to và nước thải vào nhà mất đúng nửa tháng mới rút hết".
Hằng ngày đều có nhân viên vệ sinh đến dọn, vớt rác lên nhưng chỉ đến sáng hôm sau thì rác lại ngập ụ. Biết là rất hôi, rất bẩn nhưng những người dân ở đây chỉ có thể cố gắng sống chung với con mương thối.
Chợ vẫn họp cả ngày, người dân thản nhiên chế biến đồ ăn rồi ăn uống ngay trên mương nước đầy mùi xú uế. Trong khi đó, nhiều người đi qua đều phải bịt mũi vì mùi quá nồng nặc.
"Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng luôn đề xuất chính quyền phải giải quyết tình trạng này cho dân nhưng… mãi rồi chẳng thấy đâu”. Mọi người cũng phun thuốc muỗi nhưng không tài nào xuể. Bây giờ lại đang có virus Zika mà ở đây nhiều muỗi thế này thì chúng tôi lo lắng lắm!"
Được biết, từ cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê”, nhưng đến nay thì mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ”.
“Rất nhiều lần đã có dự án, nhưng cũng chỉ hút bùn rồi đóng vài cọc tre, sau đó lại trôi mất cả cọc. Bà con chúng tôi thật sự không biết phải làm sao!” – bà Minh nói.
Mời quý độc giả xem thêm video:
Theo GĐXH