Những “giọt máu” vô thừa nhận
Cuối tháng 3/2014, chúng tôi gặp lại bà Lê Thị Mùa (thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Bà Mùa thuật lại chuyện về những đứa trẻ bà nhặt được trong những năm trước - thời điểm mà người dân thôn Bầu liên tục phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Tháng 12/2009, bà Mùa sang nhà anh trai chơi, tình cờ thấy một cái túi treo ngay trước cổng nhà. Trong chiếc túi là một đứa bé sơ sinh đỏ hỏn, rốn quấn chiếc băng xộc xệch. Sau đó, đứa trẻ được bà Mùa gửi cho một cặp vợ chồng người thôn Bầu hiếm muộn con.
|
Từ “ăn ghép”, rồi dẫn tới “ngủ ghép” là khoảng cách không xa (ảnh có tính minh họa). |
Lần khác, thời điểm gia đình bà đang xây phòng trọ cho thuê, phía trong hàng rào - ngay cạnh đống gạch, bà Mùa thấy một bọc vải sơ sài, mở ra bên trong là một đứa trẻ sơ sinh, khuôn mặt đầy máu. Quá hốt, bà gọi người nhà đưa bé lên trạm y tế xã cấp cứu. Tuy nhiên, do ở ngoài trời quá lâu, nhiễm lạnh và bị chấn thương ở đầu nên đứa bé đã không sống nổi. Tối 21/11/2010, vợ chồng bà đang đi bộ tập thể dục, đến bãi cỏ giáp với đường lớn, bà Mùa nghe tiếng ọ ẹ, nhìn kỹ thấy bọc áo mưa màu xanh. Bà nhấc bọc đó lên, thấy bên trong là một bé trai còn nguyên cuống rốn. Trời lạnh giá mà đứa trẻ chỉ được mặc bộ quần áo cũ màu xanh.
Bà Mùa cởi áo khoác, ôm bé vào lòng, đưa về nhà. Sau một tháng chăm nuôi trong nhà, không có người đến nhận bà đã gửi một người cháu ở nội thành Hà Nội nuôi. Giờ đây, cháu đã gần 4 tuổi. Kể đến đoạn này, mặt bà Mùa tươi hẳn ra: “Do không có sữa mẹ, nên cháu tôi đã phải dùng sữa ngoài để nuôi bé.
Hiện nay, trộm vía, đứa bé khỏe mạnh, chóng lớn, Tết năm nào cũng sang chúc tết ông bà”. Bà Mùa trầm ngâm: “Chắc là ông trời cũng đã bù đắp sự thiệt thòi cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Nên cả 2 đứa tôi nhặt được đều dễ nuôi, ngoan ngoãn, thông minh và nhanh nhẹn”.
Bà Mùa cũng cho biết thêm, tình trạng trẻ bị bỏ rơi vẫn diễn ra. Mới trước Tết Giáp Ngọ 2014, một người đi chợ rau buổi sáng, khi ngang qua cổng KCN Thăng Long đã nhặt được một đứa bé được đặt trong một cái túi giả da sặc sỡ. Người này gửi rau ở gần đó rồi mang bé về nhà.
Công nhân…thiếu đủ thứ
Theo Chủ tịch hội Phụ nữ xã Kim Chung Lê Thị Minh Nhàn, hiện nay số nữ CN thuê trọ trên địa bàn xã Kim Chung vào khoảng 22.000 người. Thời gian qua, Hội Phụ nữ của xã phối hợp với LĐLĐ TP.Hà Nội, Đoàn thanh niên… đẩy mạnh công tác tuyên truyền về SKSS tới CNLĐ, tuy nhiên số người tham dự rất ít do họ bận công việc ở Cty. Do đó, đoàn công tác phải vào tận các khu nhà trọ để tuyên truyền các kiến thức về SKSS và nhờ chủ nhà trọ phát bao caosu miễn phí cho CN.
Theo tìm hiểu của hội phụ nữ, các chủ nhà trọ là người dân gốc ở xã, khi cho CN thuê nhà đều đưa ra các quy định như: Khi làm thủ tục thuê trọ phải ra tổ dân phố làm giấy tạm trú tạm vắng; muốn ở ghép (nam, nữ) thì phải trình được đăng ký kết hôn, hoặc chứng minh được là có quan hệ huyết thống; khi có người khác giới đến chơi không được ở qua đêm…
Bà Nhàn nhận định, mặc dù các cơ quan, đoàn thể, chủ nhà trọ đã có những hành động thiết thực để giúp CN nâng cao hiểu biết nhưng nhiều CN còn coi thường các biện pháp phòng tránh thai, sống buông thả. Chủ nhà cấm “sinh hoạt” trong phòng trọ thì họ dẫn nhau ra nhà nghỉ, hoặc tìm những khu trọ mà ở đó người chủ không ở cùng khu với CN… Tuy không nhiều bằng những năm trước, nhưng tình trạng nữ CN nạo hút thai vẫn diễn ra.
Bà Đặng Thị Điểm - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, kiêm Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh - cho biết, từ “tay trái dài hơn tay phải” được phát ra từ một bác sĩ khoa sản quen bà. Bởi công việc chuyên môn ở bệnh viện không bận bằng việc làm thêm ngoài giờ, do sau giờ công tác tại bệnh viện, người bác sĩ này còn cộng tác thêm với một phòng khám sản phụ khoa, mà ở đó vào các buổi chiều, ngày nghỉ là nữ CN “nườm nượp” ra vào để giải quyết hậu quả ngoài ý muốn - nạo phá thai.
Bà Điểm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nạo phá thai trong nữ CN ngày một nhiều là do cuộc sống của NLĐ còn thiếu thốn vật chất, tinh thần, thiếu hiểu biết, thiếu va chạm, thiếu tình cảm và cả sự quản lý của gia đình. Khi có người yêu, họ mù quáng, sống bất cần, không cần biết tới hậu quả, mà khi có hậu quả thì bao giờ phái nữ cũng lĩnh phần thua thiệt. Một nguyên nhân cũng rất quan trọng là ở cơ sở, nhất là các khu nhà trọ, việc tuyên truyền SKSS chỉ mới tập trung vào nữ CNLĐ, trong khi nam CNLĐ cũng rất cần được trang bị những kiến thức lĩnh vực này.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 1 trạm y tế, 1 phòng khám chuyên về khám sản phụ khoa, 3 phòng khám đa khoa trong đó có khám sản phụ khoa.
Kiều Phong (theo Lao Động)