“Xẻ thịt” bãi đá sông Hồng: “Quan” phường giãi bày... khó hiểu quá!

Google News

(Kiến Thức) - Việc "xẻ thịt" bãi đá sông Hồng kinh doanh không cấp phép - UBND phường khẳng định đang xử lý, nhưng nhà đầu tư vẫn thản nhiên xây hàng quán.

Hàng quán, lều lán, cầu cống… kiên cố đua nhau mọc lên 
Cách đây nhiều năm, bãi đá sông Hồng là khu vực ít người lai vãng. Tuy nhiên, chỉ hai năm trở lại đây, vùng đất bãi trở nên nhộn nhịp, người ra vào như đi trảy hội và hàng quán, khu vui chơi phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh “mọc lên như nấm sau mưa”. Mặc dù UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định, khu vui chơi trên bãi đá sông Hồng không được cấp phép, xong cầu cống, lều lán và hàng quán vẫn ngang nhiên hoạt động, thu lợi nhuận. Vậy vai trò của chính quyền đã thể hiện như thế nào khi khu đất vẫn tồn tại những hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận trái phép? 
Rẽ vào ngõ 264 Âu Cơ, men theo con đường bê tông nhỏ qua khu vườn đào, quất Nhật Tân, khu vực bãi đá sông Hồng nay hiện ra như một khu du lịch sinh thái. Chiếc cổng chào và phòng bán vé được dựng kiên cố, cao vượt lên nổi bật giữa khung cảnh. Khi được hỏi, một nhân viên bán vé trả lời: “Vào chụp ảnh với bao nhiêu thứ được dựng lên, có phải không đâu, phải mất phí chứ làm gì có chuyện miễn phí”. Với các studio chụp ảnh cưới, mỗi đoàn tối đa 5 người sẽ phải chi ra một khoản tiền không nhỏ. Chị Thanh Ngân (studio ảnh cưới phố Trương Định) cho biết: “Giá vào cổng là 200 nghìn, đợt cao điểm giá sẽ “tâng” lên khoảng 50 – 100 nghìn, cho cả taxi chạy cả vào sân để trả khách”. Đối với cá nhân đi lẻ, tiền vé vào cổng là 35.000 trong đó là tiền gửi xe và phí dịch vụ chụp ảnh cảnh quan. 
 Các dịch vụ, tiểu cảnh, hàng quán... mọc lên rầm rộ. Hình ảnh được PV ghi nhận ngày 23/6/2014.
Chỉ riêng một buổi sáng, có khoảng trên dưới 20 studio đến đây chụp ngoại cảnh, cao điểm mùa cưới lượng người đến tăng gấp đôi. Chưa kể đến các nhóm sinh viên cũng muốn chụp hình với sông nước, cỏ cây, không ngại ngần tặc lưỡi chi tiền. Địa chỉ này "nổi như cồn", thậm chí còn trở thành điểm đến của các city tour Hà Nội. Tại đây, những chiếc xe điện chở khách du lịch đậu ngay phía ngoài, cả tour mỗi khách sẽ chi ra 100.000 nghìn và được dừng khoảng 15 – 20 phút để chụp ảnh, ngắm cảnh.
Khó có thể nhận ra khu vực bãi đá với lau cỏ trước đây bởi một khoảng đất rộng đã được lát gạch và bê tông kiên cố, dựng đài phun nước ở giữa sân. Ngay gần đó hàng loạt lều, lán mọc lên san sát để phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi của khách. Khi được hỏi, bạn Thùy Linh (sinh viên đại học Văn Hóa) cho biết: “Mình đến chụp ảnh vài lần ở bãi đá rồi, giá vào cửa với sinh viên như vậy là đắt. Hàng quán bán đắt hơn bên ngoài gấp rưỡi, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Vườn treo với lối đi rải đá đã được chủ đầu tư qua mặt nhà chức trách dựng lên ngang nhiên. "Bãi đá tử thần" xưa (ảnh trái ) nay khang trang hơn rất nhiều (ảnh phải).
Đi sát xuống gần sông Hồng, toàn bộ bãi đất bồi ở đây được mổ xẻ triệt để, dựng lên những chiếc cầu bê tông, cầu phao đua ra mặt sông để tạo cảnh quan cho người chụp ảnh, ghế đá nghỉ chân, xích đu tạo dáng, tiểu cảnh, ao sen.... Bãi đất ven sông cứ như vậy bị “băm vằm”, đẽo gọt. Hàng trăm lượt khách thường xuyên lui tới và xả rác bừa bãi, phía sát bờ sông, túi nilon, vỏ chai nhựa… dập dềnh mặt nước. 
Bãi đá giữa dòng sông này hàng năm đã lấy đi nhiều mạng người do sụt, lún cát thậm chí được mệnh danh “bãi đá tử thần”. Tuy nhiên, những chiếc cầu gỗ, cầu phao làm tạm bợ dựng ngoài mặt sông, phớt lờ biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm”, không ít người vô tư tạo dáng trên chiếc cầu, thậm chí mạo hiểm lội xuống nước, bãi đá nổi để  có được bức ảnh ưng ý.
Chính quyền nhắm mắt làm ngơ?
Liên quan đến tình trạng xẻ thịt thu lời bất chính tại bãi đá sông Hồng, trao đổi với Kiến Thức, ông Đặng Hữu Tiến- Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ - HN) thừa nhận, những hiện tượng do phóng viên phản ánh là có cơ sở. “Việc kinh doanh trên khu vực bãi đá sông Hồng đã tồn tại từ rất lâu, không được cấp phép và do người dân tự phát dựng lên. Từ cuối năm 2013 phường ra quân triệt để để kiểm tra và xử lý các hoạt động này” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng khẳng định: “Từ khi xử lý đến nay, khu vực này chỉ còn một cái cổng, một cái chòi và vài sân cỏ, không phát sinh thêm bất cứ gì mới”. 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Kiến Thức thì thực tế tại bãi đá sông Hồng lại hoàn toàn trái ngược với nhận định “không phát sinh thêm bất cứ gì mới” của vị Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân. So với một năm trước đây, hiện bãi đá sông Hồng đã được mở rộng thêm nhiều dịch vụ, khang trang, hoành tráng hơn.
Mức phí thu vào cổng bãi đá tăng gấp 2-3 lần, so với năm 2012 (ảnh trái) thì nay bãi đá Sông Hồng (ảnh phải) "thay da đổi thịt" đến không ngờ. 
Anh Hoàng Nguyên (nhân viên chụp ảnh studio ảnh viện tại phố Vĩnh Hồ) là khách quen tại đây nhiều năm nay nhận định: “Nhiều góc chụp với phụ kiện, sân vườn được đầu tư hơn so với năm trước. Nhất là cối xay gió và tiểu cảnh giàn hoa phía trong vườn làm rất kỳ công”. 
Không chỉ anh Nguyên, một nhân viên tại đây cũng hồ hởi thông báo cho khách: “Sau này còn nhiều thứ đẹp hơn nhiều, tha hồ mà du lịch”. Thậm chí, tại đây việc ghi vé vào cổng còn hết sức hiện đại, dùng máy in vé chứ không ghi tay như trước. 
Điều đáng nói là từ UBND phường Nhật Tân tới bãi đá sông Hồng chưa đầy 1 km nhưng lãnh đạo phường này lại không nắm rõ được tình trạng tại đây. “Phường không biết mức giá thu vào cổng ở bãi đá, tất cả là do cá nhân tự phát thu”, ông Tiến nói.
Về hướng xử lý tình trạng vi phạm nói trên, vị lãnh đạo phường Nhật Tân cho biết: “UBND phường đã và đang tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ để có định hướng làm việc”, bởi phường “không có cơ sở pháp lý nào để xử lý tình trạng trên”. 
Tình trạng vi phạm diễn ra ngày càng rầm rộ tại bãi đá sông Hồng khiến dư luận khó hiểu bởi không rõ trước đây UBND phường Nhật Tân đã kiểm tra và xử lý hoạt động kinh doanh thu nhuận bất chính trên đất công dựa vào cơ sở nào, hiệu quả đến đâu? Có thực công tác đã được triển khai dáo diết như ông Tiến nói.
Ngọc Linh