Xây cầu vượt, phá dỡ cầu bộ hành là lỗi quy hoạch

Google News

(Kiến Thức) – “Với cách quản lý giao thông Hà Nội như hiện nay đến "thánh" cũng không thể biết trước, bởi liên tục thay đổi...”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định.


Xây cầu vượt có lợi cho phát triển

Sở GTVT Hà Nội đang thi công xây dựng 2 cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã – Deawoo. Cụ thể, cầu vượt tại ngã tư Daewoo (hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai), cầu dài 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe, tổng đầu tư hơn 300 tỷ đồng; cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân dài hơn 350m, rộng 11m.

Để có mặt bằng thi công xây dựng hai cầu vượt này, Sở GTVT Hà Nội sẽ phải di rời, tháo dỡ hai cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Khát Chân. Mỗi câu cầu bộ hành này có giá gần 10 tỷ đồng, và mới đưa vào sử dụng được một thời gian.

 Xây dựng cầu vượt là hợp lý nhưng chỉ là giải pháp tình thế.

Lý giải về vấn đề, PGĐ Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn trao đổi với báo chí: Việc thi công cầu vượt nhằm giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn là để lại hai cầu đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phá cầu bộ hành để xây cầu vượt mới là một sự lãng phí, đồng thời bộc lộ những hạn chế về mặt quy hoạch cầu đường tại Hà Nội, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, việc xây dựng và phá bỏ sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự qua lại của người dân.

Trước những ý kiến trái chiều trên, ông Phạm Hoàng Tuấn đã lên tiếng giải thích rằng hai cây cầu bộ hành sẽ được chuyển đi nơi khác, chỉ lãng phí vài tỉ đồng để tháo lắp và phần móng cầu. Đồng thời vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội này cũng thừa nhận, quy hoạch giao thông chưa hoạch định xây dựng cầu vượt qua các nút giao nên ảnh hưởng các công trình cũ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Lãng phí mà có lợi cho dân thì không phải lãng phí.

Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khi tháo dỡ cầu bộ hành để xây cầu vượt, việc lãng phí là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu việc lãng phí này có lợi cho phát triển kinh tế, làm giảm ách tắc ở khu vực này, đảm bảo an toàn giao thông thì lại là không lãng phí. 

“Việc xây dựng cầu vượt nhẹ để thay thế cầu bộ hành, làm cho chắc chắn là một giải pháp tốt của giao thông Thủ đô. Hơn nữa 2 cây cầu bộ hành sẽ được di chuyển lắp đặt ở vị trí khác, lãng phí vài tỉ nhưng giao thông sau này thuận lợi, lưu thông nhanh hơn mà lại tránh ùn tắc đó là việc làm cần thiết. Không thể gọi đó là việc làm gây lãng phí mà thực chất đó là sự thay đổi trong phương án điều chỉnh nút giao thông theo hướng có lợi cho phát triển kinh tế. Số tiền mất nhỏ nhưng lại thu lại những nguồn lợi lớn”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.

Thiếu quy hoạch lâu dài

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng, nếu nói việc làm trên là lãng phí thì cũng khó. Cầu bộ hành là chủ trương tốt để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ qua đường nên được Hà Nội triển khai ở tất cả các điểm nơi đông dân cư trường học, thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể, giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi bộ.

Tuy nhiên, thói quen xấu của người Việt mình là có cầu nhưng vẫn thích băng qua đường. Làm nhiều cầu bộ hành không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế, việc đề xuất làm cầu vượt nhẹ tại các nút giao thông cao điểm là giải pháp cấp bách để giảm tải tắc đường, bảo đảm an toàn giao thông, thuận lợi cho tất cả các phương tiện qua lại và cả người đi bộ.

Ông Bùi Danh Liên nhận định, nếu chỉ nhìn vào trước mắt, việc tháo dỡ hai cầu bộ hành ở hai nút giao thông trên là lãng phí. Tuy nhiên, nếu nhìn về lâu dài, khi tháo ra mất vài tỷ đồng thì không phải là lãng phí. Bởi thực tế, theo phương án của Sở GTVT Hà Nội, cầu bộ hành ở nút Kim Mã – Deawoo sẽ được lùi lại cách đó mấy chục mét, cầu bộ hành ở nút Bạch Mai - Đại Cồ Việt cũng sẽ được di chuyển đến một địa điểm trên đường Giải Phóng, như vậy chỉ mất phí dịch chuyển và trụ cầu. Việc làm này lại mang lợi ích cả về kinh tế lẫn giảm ùn tắc.

 Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên.

Theo ông Bùi Danh Liên, cần hoan nghênh việc quản lý giao thông Hà Nội năng động, có sự điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, giải pháp này không được phải chuyển sang phương án, giải pháp thay thế khác. Tuy nhiên, với cách quản lý giao thông Hà Nội như hiện nay đến "thánh" cũng không thể biết trước, bởi liên tục thay đổi cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân.

“Quy hoạch giao thông Hà Nội hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt, chưa có quy hoạch tầm trung và dài hạn. Việc xây mới và tháo dỡ các cây cầu trên cho thấy, các công trình hạ tầng của Hà Nội không được đầu tư trung, dài hạn mà chỉ là giải pháp trước mắt, không bền vững. Ngay cả khi làm cầu bộ hành, cơ quan quản lý giao thông Hà Nội cũng không tính được việc sẽ xây cầu vượt. Cứ thấy ùn tắc nhiều là xây cầu vượt, làm ảnh hưởng đến các công trình tồn tại trước đó.

Điều quan trọng nhất từ việc tháo lắp này, giao thông Hà Nội cần có sự quy hoạch chuyên ngành và thành phố cần huy động nguồn vốn, quyết tâm làm theo quy hoạch để khớp nối với các công trình khác. Đồng thời, phải tính đến sự dài lâu, có bền vững trong giao thông thì mới là điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế. Quản lý nhà nước và quản lý xã hội phải năng động nhưng cũng cần phải đề ra được những giải pháp hợp lý, lâu dài”, ông Bùi Danh Liên nhận định.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Ninh